ESG thành yêu cầu 'sống còn' của doanh nghiệp

Đại diện các doanh nghiệp lớn như Xanh SM, PVN và FPT nhấn mạnh phát triển bền vững không còn là khẩu hiệu mà là đòi hỏi "sống còn" trong kỷ nguyên mới.

Phó tổng giám đốc GSM chia sẻ về cách hãng dịch vụ vận chuyển bằng xe điện thực hành ESG. Ảnh: BTC.

Phát biểu tại Diễn đàn ESG Việt Nam lần thứ nhất với chủ đề "Chiến lược phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới" do Báo tổ chức chiều 23/4, bà Phan Thị Hồng Dung, Phó tổng giám đốc CTCP Di chuyển Xanh và Thông minh GSM, cho biết Xanh SM được thành lập nhằm hưởng ứng cam kết NetZero của Thủ tướng tại COP26.

Sau 2 năm vận hành, hãng đã ghi nhận 300 triệu chuyến xe và tạo việc làm cho 100.000 tài xế. Đồng thời, doanh nghiệp này đã giúp giảm phát thải hơn 211.000 tấn CO2.

ESG là nền tảng vận hành, không phải khẩu hiệu

Không chỉ Xanh SM mà nhiều doanh nghiệp vận tải khác sau khi chuyển đổi sang xe điện cũng ghi nhận mức giảm lên tới 40% chi phí nhiên liệu và chi phí bảo dưỡng. Đến nay, Xanh SM đã trở thành một trong những doanh nghiệp vận tải hàng đầu Việt Nam, đồng thời mở rộng hiện diện tại các thị trường quốc tế như Lào và Indonesia.

Bà Dung cũng cho biết hiện có hơn 100 doanh nghiệp tham gia vào Liên minh xanh Việt Nam. Theo bà, Xanh SM không chỉ tạo ra công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động, mà còn đang đóng góp thiết thực cho sự phát triển bền vững.

"Đối với chúng tôi, ESG không còn là khẩu hiệu mà là kim chỉ nam hành động," bà nói.

Trong khi đó, đại diện Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (PVN) nhấn mạnh rằng phát triển bền vững không còn là một khái niệm mang tính lý thuyết, mà là yêu cầu tất yếu trong thời đại mới. Từ năm 2015, PVN đã đều đặn công bố báo cáo phát triển bền vững hàng năm, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như GRI, thể hiện rõ cam kết minh bạch và trách nhiệm.

Ở khía cạnh môi trường, PVN chú trọng đến an toàn lao động, kiểm soát phát thải, quản lý chất thải, bảo tồn đa dạng sinh học và phục hồi môi trường sau khai thác. Tập đoàn cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sạch trong toàn bộ chuỗi sản xuất.

Về mặt xã hội, PVN đặt trọng tâm vào việc bảo vệ quyền lợi người lao động, xây dựng môi trường làm việc công bằng và đa dạng, đồng thời triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng nơi doanh nghiệp hoạt động.

dien dan esg dan tri,  quy chuan esg,  taxi xanh sm anh 1

Ông Phạm Tuấn Anh - Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (PVN). Ảnh: BTC.

Ở phương diện quản trị, tập đoàn liên tục cải tiến hệ thống quản trị doanh nghiệp theo hướng hiện đại và minh bạch với sự tham gia tích cực của Hội đồng thành viên cùng các cơ chế kiểm soát nội bộ chặt chẽ.

Trước làn sóng chuyển đổi số, PVN xác định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là những trụ cột then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh. Tập đoàn đang từng bước tái cấu trúc hệ thống đổi mới sáng tạo, kết nối chặt chẽ giữa nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn.

Việc đầu tư mạnh vào công nghệ số như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data) và các phần mềm chuyên dụng đang giúp PVN tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao năng suất, giảm chi phí và cải thiện chất lượng điều hành.

Đặc biệt, PVN đang phát triển chương trình 10 công nghệ chiến lược để tập trung nguồn lực, đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu lớn cho ngành dầu khí và thúc đẩy ứng dụng AI. Việc hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở, kết nối với các mạng lưới quốc gia và quốc tế cũng đang được doanh nghiệp đặc biệt chú trọng.

Chuyển đổi số hiện là một trong những ưu tiên hàng đầu của PVN. Tập đoàn đang triển khai đồng bộ các giải pháp công nghệ số trong toàn bộ hoạt động, từ quản trị điều hành đến sản xuất kinh doanh và chăm sóc khách hàng.

"Việc ứng dụng các công nghệ như AI, IoT, Big Data... đang giúp chúng tôi ra quyết định dựa trên dữ liệu chính xác, kịp thời, đồng thời tối ưu hóa quy trình làm việc và nâng cao hiệu quả toàn diện", đại diện PVN khẳng định.

Cơ hội để tạo sức đề kháng và thu hút thế hệ mới

Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT kiêm Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), chia sẻ tại diễn đàn rằng ESG đã được FPT thực hành trong hơn một thập kỷ.

Tuy nhiên, chỉ trong vòng 4 năm trở lại đây, doanh nghiệp mới triển khai ESG ở quy mô toàn diện, từ nội bộ cho đến đối tác bên ngoài nhằm kiến tạo các mối liên kết bền vững.

Theo ông Khoa, FPT không nhìn nhận mình như một doanh nghiệp lớn khi thực thi ESG mà hành xử như một doanh nghiệp bình thường, tiếp cận ESG một cách thực tế và linh hoạt. Ông cho rằng ESG đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng chiến lược dài hạn bởi khả năng tạo ra tính bền vững và thích nghi với những biến động không ngừng của môi trường kinh doanh.

dien dan esg dan tri,  quy chuan esg,  taxi xanh sm anh 2

Tổng giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa đề nghị sớm ban hành các khung pháp lý và bộ chuẩn ESG quốc gia. Ảnh: BTC.

“Việc tích hợp ESG vào hoạt động cốt lõi giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả, mở rộng tăng trưởng bền vững, tạo ra môi trường làm việc tích cực và thu hút thế hệ lao động trẻ”, ông Khoa nói. Ông cho biết trong số 90.000 nhân viên của FPT, gần 45.000 người thuộc thế hệ Gen Z - nhóm nhân sự đang ngày càng chú trọng đến các giá trị môi trường và xã hội.

Ông Khoa cũng nhấn mạnh rằng ESG không phải là một gánh nặng mà là một cơ hội nếu được nhìn nhận đúng đắn. “Khi coi ESG là cơ hội, doanh nghiệp sẽ luôn tìm được cách để thực thi một cách hiệu quả”, ông phát biểu.

Tại diễn đàn, ông kiến nghị Chính phủ cần sớm ban hành các khung pháp lý và bộ chuẩn ESG quốc gia. FPT sẵn sàng đồng hành cùng các cơ quan quản lý để xây dựng bộ chỉ số ESG phù hợp với bối cảnh Việt Nam và tiệm cận các thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, ông Khoa đề xuất thúc đẩy tài chính xanh và cung cấp nguồn vốn ưu đãi cho doanh nghiệp triển khai ESG, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ông cũng cho rằng cần hình thành mạng lưới ESG nội địa do chính doanh nghiệp dẫn dắt, đồng thời xây dựng hệ sinh thái ESG quốc gia, tích hợp ESG vào giáo dục và sản phẩm, dịch vụ.

"ESG không phải là món trang sức, không phải là trào lưu mà là lợi thế cạnh tranh bền vững trong kỷ nguyên mới”, ông Khoa kết luận.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/esg-thanh-yeu-cau-song-con-cua-doanh-nghiep-a233330.html