Giáo viên nói đề khảo sát tiếng Anh khó, Sở GD-ĐT nói gì?

Sở GD-ĐT TP HCM cho biết khảo sát là để đánh giá năng lực tiếng Anh của giáo viên nên có những câu hỏi từ dễ đến khó.

Ngày 24-4, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết đề khảo sát năng lực tiếng Anh được chia ra nhiều mức độ, từ câu hỏi dễ đến câu hỏi khó, mục đích nhằm đánh giá khách quan nhất năng lực tiếng Anh của đội ngũ thầy, cô giáo. Vì là đề khảo sát đánh giá năng lực nên thầy, cô làm được tới đâu, đánh giá tới đó. "Không yêu cầu giáo viên phải làm hết, điểm đạt được tới đâu ghi nhận và đánh giá tới đó"- ông Minh nói. 

Trước câu hỏi làm sao để xác định tính trung thực, khách quan của giáo viên khi tham gia khảo sát, tránh tình trạng nhờ người làm bài hộ, ông Minh cho rằng trách nhiệm này thuộc về sự tôn nghiêm, lòng tự tôn của mỗi nhà giáo. 

Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP cũng thông tin trong hôm nay các bộ phận liên quan đã khắc phục lỗi truy cập, kỳ khảo sát diễn ra bình thường. Trước đó, hôm qua, 23-4, nhiều giáo viên cho biết không truy cập được vào hệ thống để thực hiện bài khảo sát. Theo Sở GD-ĐT, sở dĩ như vậy vì tình hình thắt chặt an ninh mạng, lượng đăng nhập nhiều cùng một lúc và nội dung ẩn thông tin đăng nhập của giáo viên nên việc đăng nhập cùng 1 thời điểm bị thắt chặt trên trục dữ liệu ngành GD-ĐT, sở đang nỗ lực tháo gỡ với các bên. "Những giáo viên không đủ thời gian cho khảo sát hôm qua có thể tham gia khảo sát vào các thời gian của các ngày khác trong kế hoạch"- Sở GD-ĐT nêu rõ.

Giáo viên nói đề khảo sát tiếng Anh khó, Sở GD-ĐT nói gì?- Ảnh 1.

So với kế hoạch ban hành trước đó, đối tượng khảo sát năng lực tiếng Anh đã được mở rộng thêm với cán bộ quản lý là hiệu trưởng, hiệu phó tại các nhà trường.

Cũng vào hôm qua, Sở GD-ĐT cũng văn bản hướng dẫn thực hiện khảo sát trình độ, năng lực tiếng Anh của công chức, viên chức ngành GD-ĐT TP. Theo đó, đối tượng khảo sát  bao gồm cán bộ quản lý, giáo viên đang giảng dạy tại các trường tiểu học, THCS, THPT công lập trên địa bàn TP. Như vậy, so với kế hoạch ban hành trước đó, đối tượng khảo sát năng lực tiếng Anh đã được mở rộng thêm với cán bộ quản lý là hiệu trưởng, hiệu phó tại các nhà trường.

Cán bộ quản lý, giáo viên thực hiện bài khảo sát trình độ, năng lực tiếng Anh bằng hình thức trắc nghiệm khách quan trong thời lượng 90 phút. Nội dung khảo sát bao gồm 3 kỹ năng: Nghe, đọc và viết theo khung tham chiếu trình độ ngôn ngữ chung của Châu Âu (CEFR) với các bậc từ A1 đến C2.

Trước đó, Sở GD-ĐT đã có kế hoạch khảo sát năng lực tiếng Anh, kế hoạch thực hiện với giáo viên ở tất cả cấp học, từ tiểu học đến THPT. Theo đó, tất cả giáo viên công lập phải làm bài khảo sát năng lực tiếng Anh, thời gian làm bài trong 90 phút bằng hình thức trực tuyến, gồm kỹ năng nghe, đọc và viết theo khung tham chiếu châu Âu (CEFR) từ A1 đến C2. Sở cho biết bài khảo sát do Hội đồng khảo thí tiếng Anh Đại học Cambridge thiết kế, bảo đảm tính khách quan, khoa học và độ tin cậy cao. Thời gian khảo sát từ ngày 23 đến 29-4, được chia ca theo từng quận, huyện.

Trước những băn khoăn của giáo viên, Sở GD-ĐT khẳng định kỳ khảo sát là đánh giá thực trạng, không phải kiểm tra trình độ cá nhân. Kỳ khảo sát này được thực hiện nhằm đánh giá một cách tổng thể bức tranh chung về năng lực tiếng Anh của đội ngũ giáo viên toàn ngành. Kết quả khảo sát là dữ liệu đầu vào quan trọng và cần thiết để TP và Sở GD-ĐT có cái nhìn thực tế, khoa học về hiện trạng. Đây không phải là kỳ thi đánh giá, xếp loại năng lực hay chuyên môn của từng giáo viên. "Kết quả khảo sát tuyệt đối không được sử dụng cho bất kỳ mục đích nào khác như đánh giá thi đua, xét lương, kỷ luật hay các mục đích cá nhân khác"- Sở GD-ĐT TP nêu rõ.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/giao-vien-noi-de-khao-sat-tieng-anh-kho-so-gd-dt-noi-gi-a233361.html