Căn bệnh đạo diễn Nguyễn Quang Dũng mắc phải nguy hiểm như thế nào?

() - Vừa qua, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng bất ngờ chia sẻ việc mình bị nhồi máu cơ tim, phải can thiệp đặt stent khẩn cấp, đã thu hút nhiều sự quan tâm của người dân.

Cụ thể, vị đạo diễn có triệu chứng tức ngực và nóng ran sau khi tham dự 3 cuộc họp liên tiếp. Ban đầu, anh chủ quan cho rằng đó chỉ là triệu chứng do chế độ ăn uống và tập luyện chưa hợp lý.

Khi đến khám tại bệnh viện, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng mới bất ngờ nhận về kết quả có chỉ số men tim cao, hội chứng vành cấp, nhồi máu cơ tim cấp. Vị đạo diễn phải trải qua 2 lần can thiệp đặt stent. Đến nay, anh đã được xuất viện, sức khỏe đã phục hồi.

Căn bệnh đạo diễn Nguyễn Quang Dũng mắc phải nguy hiểm như thế nào? - 1

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã hồi phục sức khỏe bình thường sau 2 lần can thiệp đặt stent động mạch vành (Ảnh: NV).

Theo Tạp chí Y khoa Harvard, nhồi máu cơ tim xảy ra khi một phần cơ tim không nhận đủ lượng máu nuôi dưỡng do tắc nghẽn động mạch vành. Tình trạng này có thể gây tử vong nhanh nếu bệnh nhân không được kịp thời cấp cứu. 

Nhồi máu cơ tim có thể gây tử vong trong một giờ đầu

Chia sẻ tại Hội thảo "Một số ứng dụng ECMO trong hồi sức cấp cứu" mới diễn ra, ThS.BSNT Nguyễn Tú Anh, Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, nhồi máu cơ tim là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nhập viện và tử vong hiện nay trên thế giới.

Theo đó, hơn 50% bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp tử vong trong vòng một giờ đầu trước khi được đưa đến bệnh viện. Đặc biệt, nếu không được điều trị, 30% bệnh nhân sẽ tử vong. Nhưng nếu được điều trị, tỷ lệ tử vong giảm còn 6-10%.

Tại Hoa Kỳ, cứ 40 giây lại có một người bị nhồi máu cơ tim. Hàng năm, khoảng 805.000 người Mỹ gặp phải tình trạng này, 75% trong số đó bị lần đầu tiên.

Trung bình, nam giới có nguy cơ nhồi máu cơ tim cao hơn phụ nữ. Tuy nhiên, tỷ lệ này tăng cao hơn khi phụ nữ bước vào độ tuổi tiền mãn kinh. 

Tại Việt Nam, bệnh tim mạch nói chung, nhồi máu cơ tim nói riêng đang có dấu hiệu trẻ hóa.

Theo một chia sẻ của GS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), tình trạng này không chỉ xuất hiện ở nhóm người có tuổi, người nguy cơ cao mà còn tìm thấy ở một số bệnh nhân tương đối trẻ, cá biệt có ca chỉ 25-26 tuổi.

Triệu chứng dễ nhầm lẫn

Thông thường, bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim thường có cơn đau hoặc khó chịu ở ngực. Cơn đau có thể lan sang cánh tay trái, hàm dưới, cổ hoặc vùng thượng vị, gây cảm giác nóng rát, tim như bị đè nặng, bóp nghẹt.

Căn bệnh đạo diễn Nguyễn Quang Dũng mắc phải nguy hiểm như thế nào? - 2

Nhồi máu cơ tim có thể xuất hiện ở người trẻ tuổi, với triệu chứng ban đầu là đau thắt vùng ngực (Ảnh minh họa: Getty).

Tuy nhiên, không phải ai cũng có triệu chứng rõ ràng. Nhiều bệnh nhân chỉ cảm thấy khó chịu mơ hồ hoặc hơi tức ngực, khiến họ nhầm lẫn với các vấn đề tiêu hóa hay đau cơ.

Các dấu hiệu kèm theo có thể bao gồm đổ mồ hôi lạnh, buồn nôn, nôn, khó thở, chóng mặt, mệt mỏi đột ngột.

Đáng lưu ý, phụ nữ khi bị đau tim có thể xuất hiện nhiều triệu chứng "không điển hình" hơn như buồn nôn, khó thở và mệt mỏi, mà không nhất thiết có đau ngực.

Khoảng một nửa số cơn đau tim diễn ra "thầm lặng", tức là không có triệu chứng rõ rệt hoặc bị bỏ qua. Những trường hợp này chỉ được phát hiện tình cờ khi bệnh nhân làm các xét nghiệm như điện tâm đồ hoặc siêu âm tim vì một lý do khác.

Nguyên nhân chính dẫn đến nhồi máu cơ tim

Nguyên nhân hàng đầu gây nhồi máu cơ tim là bệnh xơ vữa động mạch. Đây là tình trạng các mảng bám từ chất béo, cholesterol và các thành phần khác tích tụ bên trong thành động mạch vành.

Nhồi máu cơ tim xảy ra khi mảng bám này vỡ, tạo thành cục huyết khối chặn dòng máu đến tim, gây tổn thương cơ tim.

Những người rất dễ gặp phải tình trạng này thường có chế độ sinh hoạt thiếu lành mạnh (ăn nhiều chất béo xấu, hút thuốc thường xuyên, lười vận động, căng thẳng kéo dài); mắc bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, béo phì; tiền sử gia đình có người mắc bệnh tim mạch.

Ngoài ra, ở một số trường hợp ít gặp, bệnh cũng có thể xảy ra với những người có dị tật bẩm sinh ở tim hoặc bị rối loạn đông máu. 

Làm gì để giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim?

Nhồi máu cơ tim hoàn toàn có thể phòng ngừa thông qua lối sống lành mạnh và kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ.

Cụ thể, mọi người nên tập thể dục thường xuyên để giảm bớt các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp hay béo phì, tiểu đường. Theo đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị người dân nên tập ít nhất 150 phút/tuần đối với hoạt động cường độ vừa phải hoặc 75 phút/tuần đối với hoạt động cường độ mạnh.

Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng cũng là yếu tố quan trọng hỗ trợ cho một trái tim khỏe mạnh. Mọi người nên ăn các thực phẩm tốt cho tim như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, các sản phẩm từ sữa ít béo, các loại đậu, hạt, hạt giống, dầu ô liu và cá giàu axit béo omega-3. 

Ngủ đủ giấc cũng là một cách khác giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Theo khuyến cáo của WHO, người trưởng thành nên ngủ ít nhất 7 giờ/ngày để đảm bảo sức khỏe tốt.

Ngoài ra, người dân cũng không nên hút thuốc. Khói thuốc lá chứa hơn 7.000 hóa chất có thể gây hại cho tim và mạch máu của bạn. 

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/can-benh-dao-dien-nguyen-quang-dung-mac-phai-nguy-hiem-nhu-the-nao-a233502.html