Hình ảnh thiết kế ngôi mộ của Giáo hoàng Francis tại Vương cung thánh đường Đức Bà Cả, trung tâm thủ đô Rome, Ý - Ảnh: VATICAN NEWS
Ngôi mộ được làm bằng đá cẩm thạch từ vùng Liguria, miền tây bắc nước Ý, nằm trong một góc nhỏ tại Vương cung thánh đường Đức Bà Cả (Papal Basilica of Santa Maria Maggiore).
Nơi an táng Giáo hoàng Francis nằm trong một hốc tường bên hành lang phụ, giữa nhà nguyện Pauline và nhà nguyện Sforza, gần bàn thờ Thánh Francis, theo di nguyện của Giáo hoàng Francis.
Nơi chôn cất Giáo hoàng cũng gần ảnh "Đức Mẹ bảo vệ thành Rome" (Salus Populi Romani) mà Ngài vẫn thường đến cầu nguyện trước và sau những chuyến tông du.
Bia mộ của Ngài được khắc một dòng chữ duy nhất “Franciscus” - tông hiệu của Giáo hoàng Francis bằng tiếng Latin. Phía trên bia mộ treo hình cây Thánh giá mô phỏng theo Thánh giá mà Giáo hoàng Francis đã đeo trước ngực lúc sinh thời.
Ngôi mộ của Giáo hoàng Francis không có các tượng đài hay các bức phù điêu cầu kỳ như một số cựu giáo hoàng thời Phục Hưng.
Một ngôi mộ đơn giản theo di nguyện của Ngài, đơn giản như cách Ngài đã sống và phục vụ nhân loại cả cuộc đời.
Từ ngày 27-4, các tín hữu và công chúng có thể đến viếng mộ của Giáo hoàng Francis tại Vương cung thánh đường Đức Bà Cả.
Khác với phần lớn các giáo hoàng được an táng tại hầm mộ bên dưới Vương cung thánh đường Thánh Peter, Giáo hoàng Francis đã mong muốn được an nghỉ tại Vương cung thánh đường Đức Bà Cả, nơi Ngài đã cầu nguyện hơn một trăm lần trong suốt 12 năm tại vị.
Hồng y người Philippines Luis Antonio Gokim Tagle chủ sự buổi đọc Kinh Mân Côi cầu nguyện cho Giáo hoàng Francis, tối 24-4 - Ảnh: AFP
Các giáo dân và tu sĩ lần chuỗi hạt Mân Côi bên ngoài Vương cung thánh đường Đức Bà Cả vào tối 24-4 - Ảnh: AFP
Một tu sĩ Công giáo quỳ đọc kinh tại quảng trường Piazza di Santa Maria Maggiore, phía trước Vương cung thánh đường Đức Bà Cả - Ảnh: AFP
Giáo hoàng Francis nổi tiếng là người có lòng sùng kính Đức Mẹ Maria.
“Tôi đã luôn phó thác cuộc đời, thừa tác vụ linh mục và giám mục của mình cho Mẹ Chúa chúng ta, Đức Maria Rất Thánh. Vì vậy tôi cầu xin di hài của mình được an nghỉ chờ đợi ngày phục sinh tại Vương cung thánh đường Đức Bà Cả.
Tôi mong rằng hành trình trần thế cuối cùng của mình sẽ kết thúc tại chính xác ngôi thánh đường cổ kính dành cho Mẹ Maria này, nơi tôi đã đến cầu nguyện vào đầu và cuối mỗi chuyến tông du của mình, để trao phó ý định của mình cho Mẹ Vô Nhiễm và tạ ơn vì sự chăm sóc hiền lành và mẫu tử của Mẹ”, Giáo hoàng Francis viết trong bức di chúc của mình.
Trong di chúc, Ngài cũng chỉ rõ vị trí phần mộ của mình sẽ được đặt tại gian bên hông của Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả, kèm theo một sơ đồ minh họa vị trí phần mộ.
Bức ảnh chụp Giáo hoàng Francis cầu nguyện tại Vương cung thánh đường Đức Bà Cả - Ảnh: AFP
Ngôi mộ của cựu Giáo hoàng Clement IX trong Vương cung thánh đường Đức Bà Cả - Ảnh: WALKING TOURS OF ROME
Vương cung thánh đường Đức Bà Cả được xây dựng vào thế kỷ V theo lệnh của cựu giáo hoàng Liberius. Đây là đền thờ kính Đức Mẹ Maria đầu tiên và lớn nhất được xây dựng ở phương Tây.
Bên trong Vương cung thánh đường này lưu giữ Thánh tích “Nôi Thánh” - năm mảnh gỗ từ máng cỏ nơi Đức Mẹ Maria hạ sinh Chúa Jesus ở Bethlehem. Vì lý do này, Vương cung thánh đường Đức Bà Cả còn được gọi là Đền thờ Đức Maria Hang đá Giáng sinh hay “Bethlehem của châu Âu”, “Bethlehem thứ hai”.
Trong số 265 vị giáo hoàng trước Giáo hoàng Francis, có 7 vị giáo hoàng được an táng tại Vương cung thánh đường này là các Giáo hoàng Honorius III (1148 - 1227), Nicholas IV (1227 - 1297), Pius V (1504 - 1572), Sixtus V (1521 - 1590), Clement VIII (1536 - 1605), Paul V (1550 - 1621) và gần nhất là cựu Giáo hoàng Clement IX (1600 - 1669).
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/hinh-anh-dau-tien-ve-ngoi-mo-cua-giao-hoang-francis-a233511.html