Boeing lại bị Trung Quốc trả máy bay: Tesla cùng hàng loạt doanh nghiệp lớn của Mỹ 'nơm nớp lo sợ' bị Bắc Kinh trả hàng giữa 'bão thuế quan'

Việc Trung Quốc liên tiếp trả lại máy bay cho Boeing thể hiện sự căng thẳng trong mối quan hệ với Mỹ và cũng là lời cảnh báo cho nhiều công ty đang phụ thuộc vào thị trường này.

Boeing lại bị Trung Quốc trả máy bay: Tesla cùng hàng loạt doanh nghiệp lớn của Mỹ 'nơm nớp lo sợ' bị Bắc Kinh trả hàng giữa 'bão thuế quan'- Ảnh 1.

Trong suốt 7 năm qua, sân bay Chu Sơn gần Thượng Hải là điểm giao hàng và trung tâm hoàn thiện máy bay Boeing mới tại Trung Quốc. Tuy nhiên, vào thứ Hai, trong bối cảnh thương chiến leo thang, một chiếc máy bay 737 đã quay trở lại nơi nó sản xuất.

Bắc Kinh đã tạm ngừng thực hiện các đơn đặt hàng máy bay mới sau khi thuế quan tăng vọt. CEO Boeing Kelly Ortberg tuần này cũng xác nhận rằng công ty đã lấy 2 hai chiếc máy bay đang ở Trung Quốc để giao hàng và đang trong quá trình đưa chiếc thứ 3 trở về.

Đằng sau động thái này là phản ứng trực tiếp từ phía Bắc Kinh sau khi Washington nâng thuế nhập khẩu hàng Trung Quốc lên mức kỷ lục 145%.

Quyết định “hồi hương” các máy bay chưa giao của Boeing đánh dấu một bước ngoặt trong mối quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đồng thời là lời cảnh báo cho hàng loạt tập đoàn Mỹ đang phụ thuộc sâu sắc vào thị trường Trung Quốc.

Trung Quốc: Từ thị trường tiềm năng trở thành rủi ro lớn nhất

Trong nhiều năm, các doanh nghiệp Mỹ – từ công nghệ đến hàng tiêu dùng, coi Trung Quốc là thị trường chiến lược không thể thay thế, cả về sản xuất lẫn tiêu thụ.

Dù chính phủ Mỹ đã liên tục cảnh báo doanh nghiệp cần “giảm phụ thuộc vào Trung Quốc”, nhưng như Isaac Stone Fish, CEO hãng phân tích Strategy Risks tại New York nhận định rằng điều đáng chú ý không phải là quy mô các công ty Mỹ rút khỏi Trung Quốc, mà là mức độ phụ thuộc của họ vào thị trường này.”

Tesla, một trong những tập đoàn Mỹ có hoạt động sản xuất vững chắc nhất ở Trung Quốc, đang đối mặt với những bài toán rủi ro cực lớn. Nhà máy tại Thượng Hải của hãng chiếm hơn 40% tổng công suất toàn cầu, nhận được hàng tỷ USD ưu đãi từ chính quyền Trung Quốc và vẫn phụ thuộc rất nhiều vào pin sản xuất trong nước cho các mẫu xe lắp ráp tại Mỹ.

Các thương hiệu lớn như Colgate-Palmolive, Intel hay Philip Morris cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Chi phí do thuế tăng không còn là áp lực mơ hồ. Colgate-Palmolive cho biết mức thuế quan mới có thể khiến chi phí sản xuất “đội” thêm 200 triệu USD, tương đương 2,5% tổng giá vốn. Còn với Intel, riêng thị trường Trung Quốc đã chiếm đến 29% doanh thu năm ngoái.

Không chỉ là đối tượng bị ảnh hưởng, Trung Quốc cũng đang tích cực sử dụng các đòn bẩy thương mại như một phần của chiến lược đáp trả. Việc Tập đoàn PVH, chủ sở hữu các thương hiệu nổi tiếng như Calvin Klein và Tommy Hilfiger, và công ty công nghệ sinh học Illumina bị đưa vào “danh sách thực thể không đáng tin cậy”.

Mới đây, chính quyền Bắc Kinh cũng đã triệu tập đại diện Walmart để làm rõ nghi vấn hãng này ép nhà cung cấp tại đại lục giảm giá nhằm đối phó với chính sách thuế quan của Mỹ. Điều đáng chú ý là Walmart vẫn đang phát triển tại Trung Quốc, doanh thu tại đây đã tăng 23% trong quý gần nhất.

Theo James Zimmerman, luật sư tại Loeb & Loeb chuyên tư vấn cho doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn chưa có động thái quá căng thẳng nhưng các công ty đều đang ráo riết chuẩn bị kịch bản xấu nhất.

Chiến lược “China for China”

Trong bối cảnh bất ổn kéo dài, nhiều doanh nghiệp Mỹ đang hướng tới chiến lược “China for China” – sản xuất tại Trung Quốc để phục vụ thị trường nội địa thay vì xuất khẩu. Chiến lược này từng nổi lên mạnh mẽ trong giai đoạn đóng cửa biên giới vì đại dịch Covid-19 và giờ đây được xem là một cách thức “giảm đau” trước bối cảnh chính trị đầy biến động.

Các doanh nghiệp bán lẻ tỏ ra lạc quan hơn. McDonald’s đang đặt mục tiêu mở rộng lên hơn 10.000 cửa hàng tại Trung Quốc vào năm 2028, so với khoảng 5.500 cửa hàng hiện tại. Starbucks cũng đã khai trương thêm 790 cửa hàng mới trong vòng 12 tháng qua, bất chấp sự cạnh tranh từ các thương hiệu nội địa.

Trong khi đó, Disney được thông qua kế hoạch mở rộng công viên Thượng Hải, công viên chủ đề đầu tiên của hãng tại đại lục.

Cửa hàng Sam’s Club ở Thượng Hải – chi nhánh cao cấp chỉ dành cho thành viên của Walmart, dường như cũng không chịu quá nhiều áp lực từ thuế quan. Người tiêu dùng ở đây vẫn mua sắm sôi động.

“Với người bình thường như chúng tôi, chính trị chẳng ảnh hưởng mấy đến cuộc sống hàng ngày”, một khách hàng trung niên trả lời khi vừa mua 30 quả trứng và 2 lít sữa.

Dù một số doanh nghiệp Mỹ vẫn bám trụ tại Trung Quốc bất chấp biến động nhưng những gì đã xảy ra với Boeing là minh họa rõ ràng cho việc tình hình có thể đổi chiều nhanh đến mức nào.

Dù công ty cho biết vẫn còn 50 đơn hàng chờ giao trong năm nay và có kế hoạch điều phối lại nguồn cung, CEO Ortberg cũng thừa nhận: “Chúng tôi sẽ không tiếp tục sản xuất máy bay cho các khách hàng không nhận hàng.”

Tham khảo Financial Times

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/boeing-lai-bi-trung-quoc-tra-may-bay-tesla-cung-hang-loat-doanh-nghiep-lon-cua-my-nom-nop-lo-so-bi-bac-kinh-tra-hang-giua-bao-thue-quan-a233923.html