Chi tiêu quân sự toàn cầu: Kỷ lục chưa từng có từ sau Chiến tranh Lạnh

 Chi tiêu quân sự toàn cầu năm 2024 tăng vọt lên 2,718 nghìn tỷ USD, đánh dấu mức tăng 9,4% so với năm trước.

Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) đưa ra thông tin trên và cho biết đây là mức tăng hàng năm mạnh nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Sự gia tăng này phản ánh sự mở rộng rộng khắp trên tất cả các khu vực, trong đó châu Âu và Trung Đông đang có tốc độ tăng trưởng đặc biệt nhanh.

Đáng chú ý, 5 quốc gia là Mỹ, Trung Quốc, Nga, Đức và Ấn Độ chiếm 60% chi tiêu quân sự toàn cầu, tổng cộng khoảng 1,635 nghìn tỷ USD.

Nhìn chung, 15 quốc gia có ngân sách quốc phòng lớn nhất đã tăng chi tiêu của họ năm 2024, đưa tỷ trọng GDP toàn cầu được phân bổ cho quốc phòng lên 2,5%.

Nga và Ukraine

Chi tiêu quân sự của Nga ước tính đạt 149 tỷ USD năm 2024, tăng 38% so với năm 2023 và gấp đôi năm 2015. Theo báo cáo của SIPRI, con số này chiếm 7,1% GDP của Nga và 19% tổng chi tiêu ngân sách nước này.

Trong khi đó, chi tiêu quân sự của Ukraine tăng 2,9% lên 64,7 tỷ USD, bằng 43% chi tiêu quân sự của Nga. Gánh nặng quân sự của Ukraine là rất lớn, lên tới 34% GDP - một con số đưa nước này lên vị trí hàng đầu trên toàn cầu về căng thẳng tài chính quân sự.

Châu Âu, NATO và Mỹ

Chi tiêu quân sự của châu Âu, gồm Nga, đã tăng 17% lên 693 tỷ USD - vượt qua mức ghi nhận vào cuối Chiến tranh Lạnh. Khi cuộc xung đột Ukraine kéo dài sang năm thứ 3, tất cả các quốc gia châu Âu ngoại trừ Malta đều đã tăng ngân sách quốc phòng của họ.

Một số quốc gia, đặc biệt là Đức và Ba Lan, đã ghi nhận mức tăng kỷ lục: Chi tiêu của Đức tăng 28% lên 88,5 tỷ USD (lớn nhất ở Trung và Tây Âu và đứng thứ 4 trên toàn thế giới), trong khi chi tiêu quân sự của Ba Lan tăng vọt 31% lên 38 tỷ USD, chiếm 4,2% GDP của nước này.

Tất cả các thành viên NATO đều tăng chi tiêu quân sự năm 2024, với tổng chi tiêu của liên minh đạt 1,506 nghìn tỷ USD.

Trong số 32 thành viên NATO, 18 nước hiện chi ít nhất 2% GDP cho quốc phòng - tăng từ 11 nước năm 2023 - đánh dấu con số cao nhất kể từ khi NATO áp dụng nguyên tắc 2% năm 2014.

Trung Đông

Chi tiêu quân sự trên khắp Trung Đông đạt 243 tỷ USD vào năm 2024 - tăng 15% so với năm 2023 và tăng 19% kể từ năm 2015.

Israel chứng kiến bước nhảy vọt đáng kể nhất với chi tiêu tăng vọt 65% lên 46,5 tỷ USD, mức tăng hàng năm lớn nhất từ Chiến tranh 6 sáu ngày năm 1967. Sự leo thang này có liên quan đến các cuộc xung đột đang diễn ra ở Gaza và với Hezbollah ở miền nam Lebanon.

Israel phân bổ tới 8,8% GDP cho quốc phòng, cao thứ 2 trên toàn thế giới. Chi tiêu quân sự của Lebanon tăng 58% lên 635 triệu USD trong bối cảnh bất ổn kinh tế và chính trị, trong khi Iran giảm ngân sách quân sự 10% xuống còn 7,9 tỷ USD.

Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản

Trung Quốc vẫn là quốc gia chi tiêu quân sự lớn thứ 2 thế giới, tăng ngân sách quân sự thêm 7% lên khoảng 314 tỷ USD năm 2024 - chiếm một nửa tổng chi tiêu quân sự ở châu Á và châu Đại Dương.

Nhật Bản đã trải qua mức tăng ngân sách quốc phòng lớn nhất từ năm 1952 với mức chi tăng 21% lên 55,3 tỷ USD - tỷ lệ GDP cao nhất dành cho quốc phòng kể từ năm 1958.

Theo ước tính của SIPRI, Ấn Độ, xếp thứ 5 trên toàn cầu, đã chứng kiến chi tiêu quân sự của mình tăng khiêm tốn 1,6% lên 86,1 tỷ USD.

Theo TASS

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/chi-tieu-quan-su-toan-cau-ky-luc-chua-tung-co-tu-sau-chien-tranh-lanh-a234400.html