Xây lại mộ cho người mẹ Quảng Nam từng dẫn dân làng chặn đoàn xe thiết giáp Mỹ

Có một người mẹ Quảng Nam dù không là Mẹ Việt Nam Anh hùng nhưng đi vào sử sách. Để che chở dân làng và du kích, mẹ đã ra đầu làng chặn đoàn xe thiết giáp Mỹ vào ngày 2-9-1965.

Xây lại mộ cho người mẹ Quảng Nam từng dẫn dân làng chặn đoàn xe thiết giáp Mỹ - Ảnh 1.

Mộ mẹ Bưng trước khi được cải tạo, xây cất lại - Ảnh: B.D.

Để tưởng nhớ mẹ, những ngày rưng rưng của tháng 4 lịch sử, một cuộc vận động cải trang lại khuôn viên mộ mẹ ở quê nhà Điện Bàn đã được những người con thế hệ hòa bình chung tay.

Người mẹ Quảng Nam chặn đoàn xe Mỹ

Nữ họa sĩ 14 năm cưỡi xe máy đi khắp đất nước vẽ Mẹ Việt Nam anh hùngĐà Nẵng sẽ đặt tên đường các Bà mẹ Việt Nam anh hùng

Buổi trưa giữa tháng 4 lịch sử, nhóm nhà hảo tâm đại diện là ông Huỳnh Hùng - nguyên giám đốc Sở Văn hoa - Thể thao Đà Nẵng - cùng các du kích quân có mặt tại nhà ông Đặng Miễn, cựu du kích Điện Bình (nay là Điện Bàn, Quảng Nam) để bàn chuyện xây lại mộ cho mẹ Bưng - bà mẹ từng đứng ra chặn đoàn xe thiết giáp Mỹ trong đợt đi càn năm 1965.

Câu chuyện mẹ Bưng được ghi trong các sách như Lịch sử Đảng Bộ Quảng Nam - Đà Nẵng 1930-1975, Lịch sử Phụ nữ Quảng Nam 1930-2010, Lịch sử Đảng bộ huyện Điện Bàn 1930-1975…

Tài liệu Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng 1930-1975 thuật: "Ngày 2-9-1965, quân Mỹ dùng xe tăng càn vào xã Điện Bình (nay là phường Điện Ngọc, huyện Điện Bàn).

Xây lại mộ cho người mẹ Quảng Nam từng dẫn dân làng chặn đoàn xe thiết giáp Mỹ - Ảnh 2.

Các cựu du kích quân, nhà hảo tâm họp bàn kế hoạch xây cất lại mộ cho mẹ Bưng - Ảnh: B.D.

Lần đầu tiên trên đất Quảng, phụ nữ xã Điện Bình và các xã lân cận đã dũng cảm cản đầu một đoàn xe tăng 21 chiếc của Mỹ, đấu tranh không cho lính Mỹ chạy xe trên đồng ruộng làm hư hại hoa màu. Quân Mỹ phải quay xe trở lại theo sự chỉ dẫn của các mẹ, các chị. Mẹ Trương Thị Bưng cầm cành dương liễu chỉ đường cho đoàn xe rút đi.

Trong khi đó, tài liệu Lịch sử Phụ nữ Quảng Nam 1930-2010 cũng thuật lại câu chuyện bi hùng về mẹ Bưng tương tự các tài liệu khác.

Không là anh hùng, nhưng tên mẹ đi vào lòng quê hương

Các bô lão, dân làng ở phường Điện Ngọc - quê hương mẹ Bưng - cho biết sau năm 1975 mẹ Bưng sống cùng con cái tại quê nhà. Đến năm 1983 mẹ qua đời. Mộ mẹ được táng tại đồi cát trắng, giản dị, khiêm nhường và khó nghèo như chính cuộc đời mẹ.

Ông Huỳnh Hùng kể một ngày đầu tháng 4 vừa qua, tình cờ trong một đám giỗ ông được nghe những người lớn tuổi kể về gia cảnh hiện tại của con cháu mẹ Bưng.

Chi tiết mộ mẹ hoang sơ giữa đồng cát, sau mấy chục năm nguội tàn và hoang sơ vì các con, cháu của mẹ quá nghèo khiến ông giật mình.

Khi ra nghĩa trang, thấy hàng chữ nhỏ trên tấm bia cũ và phần mộ đã lâu không được chăm sóc, ông Hùng mủi lòng và tự nói với mẹ rằng sẽ vận động con cháu cất lại cho mẹ chỗ an nghỉ tươm tất hơn, để xứng đáng với tầm vóc vĩ đại của mẹ.

Đêm đó ông Hùng viết nỗi trăn trở của mình lên Facebook và nói muốn góp sức xây mộ cho mẹ Bưng.

Chỉ vài tiếng sau, những người con khắp nơi trên quê hương mẹ đã lên tiếng. Một người nói sẵn sàng bù thêm phần thiếu hụt nếu số tiền quyên góp của cộng đồng không đủ làm mộ cho mẹ.

Xây lại mộ cho người mẹ Quảng Nam từng dẫn dân làng chặn đoàn xe thiết giáp Mỹ - Ảnh 3.

Mộ mẹ Bưng sau khi cải trang, xây lại - Ảnh: B.D.

Ông Phan Quân, trưởng khối phố Viêm Minh, cho biết mẹ Bưng có 4 người con. Trong chiến tranh có người còn, người mất, người thoát ly ra Bắc. Cuộc đời mẹ anh hùng nhưng vì không phải Mẹ Việt Nam Anh hùng, vùng Điện Bàn lại có số gia đình có công quá lớn nên Mẹ Bưng ít nhiều còn thiếu sự quan tâm.

Hòa bình lập lại, mẹ Bưng làm ruộng, sống cùng con gái tại quê nhà trước khi qua đời vào năm 1983. Mẹ có một người con gái là Mẹ Việt Nam anh hùng. Bản thân mẹ được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến.

Ngày mẹ Bưng mất, gia đình đi vận động tài trợ được 250.000 đồng để xây một ngôi mộ bằng gạch vôi. Mộ mẹ nổi trên bãi cát, cũng được xem là đẹp và bề thế lúc bấy giờ. Từ đó đến nay chưa được tu bổ.

Dân làng mỗi ngày giỗ chạp hay lễ lớn đều nhắc về mẹ như biểu tượng kiên dũng bất khuất vì Tổ quốc. Người Quảng Nam gọi mẹ là Bà mẹ Điện Bình.

Người mẹ Điện Bình Quảng Nam được khắc tượng

Giữa tháng 4, các nhà hảo tâm ở Điện Bàn gọi điện báo cho cháu nội của mẹ Bưng là Mai Văn Minh (43 tuổi, sống ở Quảng Bình) biết đang góp tiền làm lại mộ cho mẹ. Trong đêm, ông Minh đón xe vào. Khi thấy người làng đang ngồi bàn thảo kế hoạch làm mộ cho bà nội mình, ông Minh òa khóc vì thương tủi.

"Cha tôi sinh ra tôi và mấy chị em nhưng cũng chỉ làm nông sống qua ngày. Tôi có hai chị đầu bị chất độc da cam, vợ tôi cũng làm lúa, quá nghèo khó nên không lo được cho bà nội tươm tất. Khi thấy mọi người quyên góp tiền làm lại mộ cho bà tôi chỉ biết khóc, xin cảm tạ tất cả mọi ân nghĩa" - ông Minh bật khóc.

Ông Huỳnh Hùng cho biết câu chuyện về mẹ Bưng cản đầu đoàn xe thiết giáp che chở cho dân làng và du kích đã được nhà điêu khắc Phạm Hồng, nguyên chủ tịch Hội Mỹ thuật Đà Nẵng, làm bức tượng đồng với tên gọi "Bà Mẹ Quảng Nam".

Bức tượng này được trao Huy chương bạc tại Triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 1990. Tác phẩm cũng góp phần để tác giả nhận được Giải thưởng Nhà nước năm 2012.

Trưởng khối phố Viêm Minh cho biết thêm hiện có hơn 400 liệt sĩ khu vực Điện Bình đã được ghi danh.

Xây lại mộ cho người mẹ Quảng Nam từng dẫn dân làng chặn đoàn xe thiết giáp Mỹ - Ảnh 4.Nhà có 3 anh hùng

Quảng Nam - Đà Nẵng là một trong những nơi có liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng nhiều nhất cả nước. Trong hàng vạn gia đình tận hiến cho Tổ quốc, có một gia đình có tới 3 anh hùng: một người là cha, người kia là mẹ và người kế tiếp là con trai.

Đọc tiếp Về trang Chủ đề

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/xay-lai-mo-cho-nguoi-me-quang-nam-tung-dan-dan-lang-chan-doan-xe-thiet-giap-my-a234431.html