Làm thế nào một làng chài có thể thu hút hơn 300.000 lượt khách mỗi năm?

Từ một làng chài nghèo lấy thuyền làm nhà, Duyên Hồ đã trở thành điểm đến du lịch nổi tiếng toàn Trung Quốc với hơn 300.000 lượt khách mỗi năm nhờ văn hóa ngư dân đặc sắc.

Làm thế nào một làng chài có thể thu hút hơn 300.000 lượt khách mỗi năm? - Ảnh 1.

Toàn cảnh làng Duyên Hồ nhìn từ trên cao - Ảnh: Tài khoản WeChat "Lưu trữ Dương Châu"/The Paper

Nằm ở vùng ngoại ô phía bắc TP Dương Châu (tỉnh Giang Tô, Trung Quốc), làng Duyên Hồ từng có tên là "Ngư Hoa Tử" vốn rất nghèo nàn, lạc hậu. Người dân địa phương còn lưu truyền câu nói: "Trai ngốc không cưới gái nhà chài, gái khờ không gả cho trai làng chài".

Tuy nhiên những năm qua, nơi đây đã gây sốt khi tận dụng bản sắc văn hóa ngư dân, mở ra con đường phát triển du lịch nông thôn đậm chất "ngư ca chiều tà", trở thành "làng chài đẹp nhất" được biết đến rộng rãi.

Hành trình lột xác của làng chài Duyên Hồ

Trước đây, làng Duyên Hồ thuộc thị trấn Phương Hạng, quận Hàn Giang, nằm ở bờ tây hồ Thiệu Bá, là ngôi làng chuyên về nghề cá duy nhất ở thành phố Dương Châu.

Diện tích đất liền của làng chỉ 0,8km² trong khi diện tích mặt nước lên đến 61,5km². Giao thông không thuận tiện, dân làng sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, nhiều người lấy thuyền làm nhà.

Năm 2007, nhân cơ hội bảo vệ hệ sinh thái dọc tuyến kênh Đại Vận Hà nối Bắc Kinh và Hàng Châu, làng Duyên Hồ đã thúc đẩy dự án đưa ngư dân lên bờ.

Ban lãnh đạo thôn cùng người dân đã biến 600 mẫu đất hoang và ao hồ thành mặt bằng, xây dựng những dãy nhà nhỏ tường trắng mái ngói đen. Hơn 300 hộ dân từng sống trên thuyền lần lượt chuyển vào những ngôi nhà mới rộng rãi, sáng sủa.

"Tháng 10-2020, hộ ngư dân cuối cùng đã lên bờ định cư, kết thúc lịch sử phiêu bạt trên mặt nước", ông Lưu Đức Bảo, bí thư chi bộ thôn cho biết.

Sau khi điều kiện sinh thái được cải thiện, thôn đã phát triển ngành nghề thủy sản giải trí bằng cách khai thác văn hóa ngư dân đặc sắc, bảo tồn nghề cá truyền thống, thực hiện thành công quá trình chuyển đổi phát triển.

làng chài - Ảnh 2.

Làng Duyên Hồ thuộc thị trấn Phương Hạng, quận Hàn Giang, nằm ở bờ tây hồ Thiệu Bá, là ngôi làng chuyên về nghề cá duy nhất ở TP Dương Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc - Ảnh: People.cn

Văn hóa tạo đà

Năm 2011, ông Lưu đã dẫn những thanh niên trong làng đi từng nhà thu thập các bài hát của dân chài, kỹ nghệ đánh cá và tập tục ngư dân, biên soạn thành sách. Trong năm đó, làng cũng tổ chức lễ hội văn hóa ẩm thực ngư dân, từng bước xây dựng thương hiệu văn hóa đặc sắc riêng và thu hút khách du lịch.

Thuận theo xu thế, làng Duyên Hồ lấy việc xây dựng khu "ẩn mình nơi làng Duyên Hồ" làm điểm đột phá trong quá trình chuyển đổi, phát triển các dịch vụ ẩm thực đặc sắc, nhà nghỉ ngư dân, trải nghiệm hoạt động nghề cá, mở rộng kênh tăng thu nhập cho người dân.

Chứng kiến quê hương ngày càng phát triển, nhiều bạn trẻ đã quay về lập nghiệp. Tô Tô, thế hệ thứ ba của một gia đình ngư dân, sinh năm 1994, là sinh viên đại học đầu tiên trở về quê khởi nghiệp.

Năm 2016, cô thành lập hợp tác xã du lịch nông thôn đầu tiên tại Dương Châu, áp dụng mô hình "Internet + nghề cá giải trí", xây dựng tổ hợp nghỉ dưỡng nông thôn "Ngư tiều canh độc" với trải nghiệm thưởng thức sản vật hồ, lưu trú ven hồ và ngắm cảnh hồ.

Cô còn liên kết với những nữ ngư dân khởi nghiệp trong thôn và các sinh viên thế hệ 9X, thành lập đội livestream "Mỹ Ngư Nương" hỗ trợ tiêu thụ nông sản, đưa đặc sản địa phương như tôm khô, hạt gạo gắm, hạt sen đỏ và các sản phẩm văn hóa sáng tạo lên bán trực tuyến. Hiện nay đã có 16 sinh viên đại học quay về làng Duyên Hồ lập nghiệp.

Làm thế nào một làng chài có thể thu hút hơn 300.000 lượt khách mỗi năm? - Ảnh 3.

Diện tích đất liền của làng Duyên Hồ chỉ là 0,8km² trong khi diện tích mặt nước lên đến 61,5km² - Ảnh: People.cn

Ông Lưu Đức Bảo chia sẻ, làng Duyên Hồ đã từng bước thực hiện chuyển đổi từ ngành sản xuất sơ cấp truyền thống sang tích hợp giữa sản xuất và dịch vụ, từ nghề đánh bắt bán cá chuyển hướng sang phát triển du lịch. 

Đến nay làng đã hình thành 15 cơ sở du lịch cộng đồng do ngư dân vận hành, 8 nhà nghỉ dân dã, thu nhập du lịch năm ngoái đạt 30 triệu nhân dân tệ (khoảng 106,8 tỉ đồng), và liên tiếp được công nhận nhiều danh hiệu danh giá.

Điểm đến nổi tiếng khắp Trung Quốc

Từ làng chài nghèo bị coi thường, nay Duyên Hồ đã trở thành điểm đến du lịch nổi tiếng với nhiều danh hiệu như "Làng chài đẹp nhất cấp quốc gia", "Làng văn hóa sinh thái toàn quốc", "Làng nông nghiệp nghỉ dưỡng kiểu mẫu tỉnh Giang Tô", và "Làng quê đẹp nhất Giang Tô".

Mô hình phát triển của Duyên Hồ đã tạo ra hướng đi mới cho các làng chài truyền thống: kết hợp bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch bền vững, vừa nâng cao đời sống người dân vừa giữ gìn bản sắc.

Vì sao một làng chài có thể thu hút hơn 300.000 lượt khách một năm? - Ảnh 4.Nâng cao năng lực số, giúp thanh niên nông thôn khởi nghiệp

Đại hội Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam hai huyện Củ Chi và Nhà Bè nhiệm kỳ 2024 - 2029 vừa diễn ra vào cuối tuần qua tại TP.HCM.

Đọc tiếp Về trang Chủ đề

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/lam-the-nao-mot-lang-chai-co-the-thu-hut-hon-300000-luot-khach-moi-nam-a234491.html