Ở tuổi 23, Emma Rand, một kỹ sư trẻ sống tại bang New York (Mỹ), bất ngờ bị đột quỵ khi đang tham gia một lớp đạp xe trong nhà. Dù trước đó được cảnh báo về tình trạng huyết áp cao, Emma chưa bao giờ nghĩ mình sẽ gặp phải một biến cố sức khỏe như đột quỵ.
Emma từng bị đột quỵ ở tuổi 23, giờ đây đã hồi phục gần như hoàn toàn (Ảnh: NV).
Nữ kỹ sư biết mình bị huyết áp cao trong một lần khám sức khỏe toàn công ty. Dù khá bất ngờ, Emma nghĩ mình vẫn khỏe mạnh vì từng tham gia nhiều môn thể thao ở trường. Giai đoạn đại học, cô từng mắc Covid-19 và cảm thấy uể oải trong nhiều tháng, nhưng gần đây, nữ kỹ sư đã tập luyện trở lại và cảm thấy sức khỏe không có vấn đề.
Thế nhưng, một tháng sau, khi đang tập thể dục, cơn đột quỵ bất ngờ ập đến.
"Khi bài hát thứ hai vang lên, tôi bắt đầu thấy chóng mặt. Tôi suýt ngã khi với tay lấy bình nước. Huấn luyện viên ngay lập tức đã dìu tôi ra ngoài", Emma nhớ lại.
Cảm giác tê dại, không thể kiểm soát cánh tay khiến cô hoảng sợ, liên tục kêu cứu. Tuy nhiên, nhân viên cấp cứu chỉ tập trung hạ áp và liên tục trấn an cô chỉ bị chèn ép dây thần kinh.
Mất cảm giác ở tay là dấu hiệu ban đầu cảnh báo cơn đột quỵ của Emma (Ảnh minh họa: Shutterstock).
Emma khi trở về nhà đã quyết định cầu cứu bố mẹ. Ngay khi xác nhận huyết áp của con gái bất thường, họ đã điện thoại cho bác sĩ và nhận được lời khuyên nên đến phòng khám tim vào sáng hôm sau.
Tại đây, cô bất ngờ nhận được chẩn đoán bị đột quỵ khoảng vài ngày trước, cần nhập viện gấp do lúc này đã quá thời gian vàng để dùng thuốc làm tan cục máu đông.
Các bác sĩ sau đó đã phát hiện Emma có một lỗ nhỏ giữa hai tâm nhĩ trong buồng tim trên. Đây là một dị tật bẩm sinh phổ biến. Thông thường, lỗ này sẽ tự đóng lại sau khi trẻ ra đời. Nhưng ở trường hợp của Emma, lỗ không tự đóng được, cho phép cục máu đông lên não. Sau khi tìm ra nguyên nhân, các bác sĩ đã can thiệp để đóng lỗ hở này lại.
Hậu phẫu thuật, cô bắt đầu vật lý trị liệu để phục hồi tay phải, học lại cảm giác nóng - lạnh, cách dùng tay làm các thao tác đơn giản và cảm nhận vị trí. Hai tuần sau khi ra viện, cô quyết định chuyển về nhà bố mẹ và làm việc từ xa.
Điều khó khăn cuối cùng là trở lại tập thể thao, Emma luôn lo lắng không biết nên gắng sức đến mức nào. Do đó, theo lời khuyên của bác sĩ, cô đã tham gia một chương trình phục hồi tim. Với cô gái 23 tuổi, đó là hành trình tuyệt nhất giúp cô hồi phục và quay lại với cuộc sống bình thường.
Mùa hè năm ngoái, khoảng một năm sau cơn đột quỵ, Emma chuyển đến bang Wisconsin làm việc và quay lại tập gym. Dù không còn làm việc đa nhiệm tốt như trước, cô đã học cách viết ghi chú để kiểm soát công việc.
"Đúng là còn nhiều thứ bất tiện, nhưng điều tuyệt vời hơn là giờ đây tôi không còn cảm thấy như một quả bom nổ chậm nữa", Emma chia sẻ.
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/dau-hieu-canh-bao-con-dot-quy-cua-co-gai-23-tuoi-a235393.html