Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV: Sửa đổi Hiến pháp, quyết định sắp xếp cấp tỉnh

Diễn ra từ ngày 5/5 - 30/6, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét quyết định nhiều nội dung quan trọng, trong đó trọng tâm là việc sửa đổi Hiến pháp, tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp và sáp nhập cấp tỉnh. Quốc hội cũng sẽ xem xét quyết định rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV khoảng 3 tháng cho phù hợp với nhiệm kỳ Đại hội Đảng.

Chỉ định chủ tịch tỉnh khi sáp nhập

Liên quan đến việc sửa đổi Hiến pháp và các luật có liên quan phục vụ cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Phương Thủy cho biết, thời gian qua, Đảng ủy Quốc hội đã phối hợp với Đảng ủy Chính phủ và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các nội dung sửa đổi Hiến pháp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có tờ trình gửi các đại biểu Quốc hội nêu các đề xuất sửa đổi. Nội dung sửa đổi tập trung vào các vấn đề liên quan đến Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, chính quyền địa phương.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV: Sửa đổi Hiến pháp, quyết định sắp xếp cấp tỉnh- Ảnh 1.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Phương Thủy (đứng). Ảnh: Như Ý

Với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất sửa đổi, bổ sung các điều của Hiến pháp 2013 theo hướng sửa đổi, bổ sung điều 9 quy định bao quát, toàn diện hơn về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên theo mô hình tổ chức mới sau khi sắp xếp. Với chính quyền địa phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị sửa đổi, bổ sung Điều 110. Cụ thể theo hướng không quy định chi tiết hệ thống đơn vị hành chính với tên của từng loại đơn vị theo ba cấp, mà chỉ quy định khái quát hai cấp là tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo chương trình, tại Kỳ họp thứ 9 , Quốc hội sẽ xem xét, quyết định 54 nội dung về công tác lập hiến, lập pháp; 14 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Đồng thời có 8 nhóm nội dung các cơ quan gửi báo cáo để các đại biểu Quốc hội nghiên cứu, làm cơ sở để thực hiện quyền giám sát và xem xét các nội dung theo quy định.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Tiền Phong về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện và sáp cấp xã thì việc phân cấp, phân quyền sẽ được thực hiện như thế nào? Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Phương Thủy cho biết, tại các kỳ họp trước, khi sửa đổi các luật có liên quan, Quốc hội cũng đã đổi mới để đẩy mạnh thực hiện phân cấp, phân quyền, tạo ra cơ chế linh hoạt cho cho các địa phương. Tại kỳ họp này, theo bà Thủy, tinh thần phân cấp, phân quyền để “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” sẽ tiếp tục được thực hiện, tạo sự linh hoạt, chủ động cho các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cũng lưu ý vấn đề quan trọng là khi được giao quyền các cơ quan có chủ động thực hiện nhiệm vụ được giao không?

Đối với việc bầu các chức danh sau khi bỏ cấp huyện và sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, bà Thủy cho biết, trong lần sắp xếp tổ chức bộ máy lần này sẽ thực hiện cơ chế chỉ định, bổ nhiệm các chức vụ trong HĐND, UBND thay cho việc bầu như quy định hiện hành. Điều này sẽ tạo thuận tiện cho việc bố trí nhân sự, khai thác tối đa nguồn nhân lực hiện có. Tuy nhiên, theo bà, việc chỉ định nhân sự này chỉ thực hiện trong năm 2025, còn các năm tiếp theo sẽ thực hiện theo quy định hiện hành.

Rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội trước 3 tháng

Về việc xem xét việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Phương Thủy cho biết, việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đây cũng là vấn đề được đặt ra ở nhiều nhiệm kỳ trước. Theo bà, sau khi Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng kết thúc, thông thường vào tháng 1, công tác bầu cử được tiến hành vào cuối tháng 5, tức có 4 tháng tiến hành các công việc liên quan để bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND và kiện toàn nhân sự cấp cao của Nhà nước.

Đánh giá thời gian 4 tháng sau Đại hội Đảng mới tiến hành bầu cử là khá dài, bà Thủy cho rằng, hoàn thiện sớm về mặt nhân sự cấp cao Nhà nước sau Đại hội Đảng là cần thiết. Vì thế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và nhất trí chủ trương báo cáo Quốc hội việc rút ngắn tầm 3 tháng nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và nhiệm kỳ HĐND các cấp, để làm sao cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND lần tới tiến hành gần nhất có thể sau khi kết thúc Đại hội Đảng toàn quốc. “Như thế sẽ thuận lợi hơn trong kiện toàn bộ máy và nhân sự Nhà nước”, bà Thủy nói.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cũng thông tin, luật bầu cử được nghiên cứu sửa đổi theo hướng đơn giản hóa các khâu, các bước tiến hành bầu cử, rút ngắn thời gian thực hiện để công tác bầu cử khẩn trương, thuận lợi nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu đảm bảo quyền công dân về bầu cử và ứng cử.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/ky-hop-thu-9-quoc-hoi-khoa-xv-sua-doi-hien-phap-quyet-dinh-sap-xep-cap-tinh-a235509.html