Thiết kế lại 'bản thiết kế thể chế'

Việc thành lập ủy ban sửa đổi Hiến pháp là bước đi đúng đắn, có tính chiến lược. Vấn đề còn lại là phải có một tầm nhìn cải cách rõ ràng, lộ trình chặt chẽ và sự đồng thuận chính trị cao.

Hiến pháp - Ảnh 1.

Với 452/452 đại biểu Quốc hội có mặt tán thành (100%), Quốc hội đã chính thức thông qua nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 - Ảnh: GIA HÂN

Quốc hội đã thành lập Ủy ban sửa đổi Hiến pháp để làm cơ sở cho cải cách bộ máy, trong đó trọng tâm là rút gọn từ bốn cấp chính quyền xuống còn ba cấp. Câu hỏi mang tính bản lề đặt ra là: Vì sao phải sửa Hiến pháp để cải cách bộ máy? Và sửa đổi ở mức độ nào là phù hợp?

Cải cách bộ máy nhà nước là một yêu cầu bức thiết, nhất là khi đất nước đang bước vào thời kỳ phát triển mới, đòi hỏi một nền hành chính tinh gọn, hiệu quả và linh hoạt.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Lắng nghe ý kiến nhân dân để tập trung sửa đổi Hiến pháp

Tuy nhiên muốn bộ máy vận hành theo hướng mới thì trước hết phải thiết kế lại "bản vẽ tổng thể" - tức là Hiến pháp. Không có sửa đổi Hiến pháp, cải cách bộ máy sẽ vấp phải những giới hạn pháp lý không thể vượt qua.

Hiến pháp là đạo luật gốc, có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật quốc gia. 

Hiến pháp không chỉ quy định quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân mà còn xác định mô hình tổ chức quyền lực nhà nước, bao gồm cả cơ cấu tổ chức chính quyền trung ương và địa phương. 

Nói cách khác, Hiến pháp chính là "bản thiết kế thể chế" - từ đó các luật và thiết chế cụ thể được triển khai.

Bộ máy nhà nước không thể vượt ra ngoài khuôn khổ của Hiến pháp. Mọi cải cách, dù có thiện chí và cấp bách đến đâu, nếu mâu thuẫn với các quy định của Hiến pháp thì cũng sẽ bị coi là vi hiến. 

Vì vậy sửa đổi Hiến pháp là điều kiện tiên quyết nếu muốn cải cách bộ máy một cách thực chất, đồng bộ và hợp pháp.

Mô hình tổ chức chính quyền hiện hành theo Hiến pháp 2013 là bốn cấp: trung ương - tỉnh - huyện - xã. Mỗi cấp đều có hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân, tạo thành một cấu trúc quyền lực đầy đủ.

Tuy nhiên thực tiễn cho thấy mô hình này đang bộc lộ nhiều bất cập: quá nhiều tầng nấc trung gian, chức năng và thẩm quyền chồng chéo, chi phí hành chính lớn, hiệu lực điều hành thấp.

Trong bối cảnh yêu cầu nâng cao năng lực quản trị, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững, việc tinh gọn bộ máy là tất yếu. Đảng ta đã đề ra chủ trương tiến tới mô hình ba cấp chính quyền: trung ương - tỉnh - xã, bỏ cấp huyện như một cấp chính quyền độc lập (có HĐND, UBND).

Tuy nhiên điều 111 của Hiến pháp 2013 quy định rõ ba cấp chính quyền địa phương gồm: cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Đây là cấu trúc cứng về mặt hiến định. Nếu không sửa đổi, mọi nỗ lực sắp xếp, tinh gọn sẽ bị chặn lại ở rào cản thể chế.

Trong sửa đổi Hiến pháp lần này, điều quan trọng là xác định phạm vi và mức độ điều chỉnh. Không cần thay đổi toàn diện vì các giá trị nền tảng của Hiến pháp 2013 vẫn còn nguyên giá trị.

Cần sửa có chọn lọc, tập trung vào chương Chính quyền địa phương, đặc biệt là các điều quy định về mô hình tổ chức và thẩm quyền của các cấp chính quyền.

Hướng sửa đổi hợp lý là chuyển từ mô hình cứng sang mô hình linh hoạt: Hiến pháp chỉ bắt buộc tổ chức chính quyền ở cấp tỉnh và cấp xã. Việc này không làm giảm vai trò quản lý nhà nước mà trái lại, tạo ra khuôn khổ linh hoạt để tinh giản tổ chức và tối ưu hóa nguồn lực.

Đồng thời giao cho Quốc hội quyền quyết định mô hình tổ chức chính quyền phù hợp với từng địa phương trên cơ sở đề nghị của Chính phủ.

Cách tiếp cận này vừa giữ được tính ổn định của Hiến pháp vừa mở ra không gian thể chế đủ rộng để thích ứng với sự đa dạng trong phát triển.

Sửa đổi Hiến pháp lần này không chỉ đơn thuần để cải tổ cơ cấu tổ chức chính quyền mà còn mang ý nghĩa biểu tượng và thực tiễn rất lớn: thể hiện tư duy cải cách dũng cảm, sự vận động mềm dẻo của thể chế để thích ứng với yêu cầu phát triển mới.

Đó cũng là minh chứng cho một Hiến pháp "sống" - một đạo luật nền tảng nhưng không bất biến, luôn biết đồng hành và phục vụ tốt nhất cho sự phát triển của đất nước.

Việc thành lập ủy ban sửa đổi Hiến pháp là bước đi đúng đắn, có tính chiến lược. Vấn đề còn lại là phải có một tầm nhìn cải cách rõ ràng, lộ trình chặt chẽ và sự đồng thuận chính trị cao.

Chỉ khi đó Hiến pháp mới thật sự là chiếc chìa khóa mở đường cho một nền hành chính hiện đại, hiệu quả và phục vụ nhân dân.

Thiết kế lại 'bản thiết kế thể chế' - Ảnh 1.Hướng dẫn chi tiết các hình thức để người dân góp ý sửa Hiến pháp

Người dân có thể góp ý trực tiếp về sửa Hiến pháp trên VNeID, Cổng thông tin điện tử Quốc hội, Chính phủ hoặc gửi ý kiến bằng văn bản đến các cơ quan có trách nhiệm tổng hợp ý kiến.

Đọc tiếp Về trang Chủ đề

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/thiet-ke-lai-ban-thiet-ke-the-che-a235796.html