Kinh tế TP HCM tăng trưởng ấn tượng

TP HCM tập trung tháo gỡ điểm nghẽn để đẩy nhanh giải ngân vốn công; thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển; kiện toàn bộ máy phục vụ người dân và doanh nghiệp...

Ngày 8-5, UBND TP HCM tổ chức phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) tháng 4 và 4 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp tháng 5-2025.

Nhiều kết quả tích cực

Báo cáo tại phiên họp, Giám đốc Sở Tài chính Lê Thị Huỳnh Mai cho biết tình hình KT-XH TP HCM tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2025 tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực. Các chỉ tiêu đều tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ.

Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 của TP HCM ước đạt 128.886 tỉ đồng, tăng 37,6% so với cùng kỳ. Tổng thu du lịch tháng 4 ước đạt 19.919 tỉ đồng, tăng 29,9% so cùng kỳ năm 2024. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4 ước tăng 6,6% so với tháng trước và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng thu ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm là 202.193,12 tỉ đồng, đạt 38,88% dự toán, tăng 3,76% so cùng kỳ...

Theo Giám đốc Sở Tài chính TP HCM, kinh tế tư nhân tiếp tục giữ vai trò là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thành phố. Các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng 2 con số trên địa bàn được tập trung đẩy mạnh, thực hiện quyết liệt.

Dù 4 tháng qua, kinh tế TP HCM có những tín hiệu tích cực song sắp tới được dự báo sẽ đối mặt nhiều khó khăn khi lao động, việc làm có nguy cơ giảm; số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm 34,6%. Trong khi đó, đầu tư công mới giải ngân được 7,2% trong tổng vốn hơn 85.500 tỉ đồng là thách thức nội tại của thành phố.

TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, đánh giá tình hình KT-XH tháng 4 có nhiều kết quả tích cực. Trong đó, du lịch tăng đột biến với "cú hích" quan trọng từ lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc 2025.

"Việc tổ chức 2 sự kiện này thành công, an toàn, gắn với các hoạt động du lịch, thương mại, kích cầu văn hóa đã tạo sức bật rất lớn cho dịch vụ" - TS Vũ nhìn nhận. Tuy nhiên, ông đề nghị cần tiếp tục phân tích kỹ các vấn đề liên quan việc giải ngân vốn đầu tư công và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Trong bối cảnh TP HCM và Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu chuẩn bị hợp nhất, TP HCM cần có chiến lược để đón làn sóng đầu tư, kinh doanh. Trong đó, chú trọng đầu tư công để dẫn dắt, cải thiện môi trường đầu tư, cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị thành các dự án cụ thể… TP HCM cần đi đầu xây dựng các chương trình, sáng kiến thúc đẩy kinh tế tư nhân. Đây là đòn bẩy để thúc đẩy kinh tế TP HCM phát triển trong giai đoạn tới.

Khẩn trương sắp xếp bộ máy

Đối với công tác chuẩn bị cho việc sắp xếp tổ chức đơn vị hành chính các cấp và chính quyền địa phương 2 cấp, TP HCM thực hiện khẩn trương, chủ động, kịp thời.

Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM Võ Ngọc Quốc Thuận cho biết sau khi hợp nhất với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, thành phố mới có 168 đơn vị hành chính cấp xã. Dự kiến Quốc hội sẽ thông qua đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn TP HCM trong kỳ họp này.

Liên quan việc Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Sở Giao thông Công chánh đã hợp nhất theo nghị quyết của HĐND TP HCM, ông Thuận thông tin cuối tuần này, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ quyết nhân sự chủ chốt.

Kinh tế TP HCM tăng trưởng ấn tượng- Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan phát biểu kết luận phiên họpẢnh: Trung tâm Báo chí TP HCM

Thanh tra TP HCM cũng đã hoàn chỉnh đề án về việc kết thúc thanh tra quận, huyện. Việc sắp xếp Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TP HCM trực thuộc Văn phòng UBND TP HCM, các cơ quan tham mưu đang xây dựng tờ trình gửi UBND TP HCM và chuẩn bị công tác nhân sự.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ, trước đây Chính phủ chọn 5 địa phương xây dựng trung tâm phục vụ hành chính công, trong đó có TP HCM. Thành phố cũng đã thông qua đề án này. Văn phòng UBND TP HCM đang hoàn chỉnh lại dự thảo đề án gắn với 102 trung tâm hành chính công phường, xã mới.

Đối với việc sắp xếp Ban Quản lý dự án và Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng, ông Thuận cho hay Sở Nội vụ tham mưu cho UBND TP HCM theo hai hướng. Một là, hợp nhất Ban Quản lý dự án và Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng thành một ban như Bình Dương đang thực hiện. Hai là, trường hợp cần thiết sẽ thành lập theo khu vực.

Cần giải pháp đủ mạnh

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho hay việc sắp xếp bộ máy, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đang được thành phố làm rất khẩn trương trên tinh thần chỉ đạo của Trung ương.

"Việc sắp xếp phường, xã được thực hiện bài bản vì đây là một trong những yếu tố tác động đến công tác điều hành chung và chỉ tiêu phát triển của thành phố" - ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM giao Sở Nội vụ rà soát, thu hồi lại các quyết định phân cấp, ủy quyền cho quận, huyện, TP Thủ Đức trước đây. Đồng thời, chuẩn bị ban hành các quyết định mới về phân cấp, ủy quyền cho UBND phường, xã. Sở Nội vụ khẩn trương thực hiện ngay, không để chậm trễ, cùng lúc với quá trình thành lập phường, xã mới.

Trong thời gian tới, ông Võ Văn Hoan đề nghị các đơn vị tập trung các biện pháp để thúc đẩy giải ngân đầu tư công và tháo gỡ vướng mắc các dự án đầu tư tư nhân. Trong đó, phát huy vai trò của từng cán bộ, công chức; tăng cường người có chuyên môn nghiệp vụ, có trách nhiệm.

TP HCM đang thực hiện nhiều dự án lớn nhưng lực lượng chưa đáp ứng nên có tình trạng quá tải. Vì vậy, cần tính toán để mỗi chuyên viên phụ trách một dự án và đeo bám tới cùng; đặt chỉ tiêu cụ thể làm căn cứ thưởng phạt xứng đáng. Bên cạnh đó, đề cao trách nhiệm người đứng đầu của các ban quản lý dự án, địa phương, thủ trưởng sở, ngành.

"Nếu giải ngân vốn đầu tư công không đạt chỉ tiêu, đề nghị không xét thi đua quý và công bố công khai. Những địa phương, đơn vị liên tục không có chuyển biến thì đề xuất chuyển công tác khác; phải có giải pháp mạnh mẽ để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công" - ông Võ văn Hoan nêu rõ.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM đề nghị nếu dự án làm nhanh, kết thúc sớm, chi phí thấp hơn thì trích trong 2% chi phí quản lý dự án để khen thưởng cho đơn vị thi công, đơn vị quản lý dự án, cán bộ, công chức thực hiện. Bởi theo ông, nếu làm lợi 10 tỉ đồng, bỏ ra 1 tỉ đồng để khen thưởng sẽ không mất gì mà dự án xong sớm, đời sống người dân được ổn định sớm và thu hút đầu tư.

Ông Võ Văn Hoan cũng đề nghị các cơ quan tập trung đẩy mạnh những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng; tiếp tục cải cách hành chính mạnh mẽ, thực chất hơn; tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; giải quyết dứt điểm các dự án chống ngập; thúc đẩy các dự án trọng điểm... 

Tổ chức Đại lễ 30-4 thành công

Theo UBND TP HCM, công tác chuẩn bị, phối hợp tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025) tại thành phố được thực hiện khẩn trương, bám sát chỉ đạo của Trung ương; bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn và yêu cầu đề ra. Các cá nhân, tập thể đã thể hiện sự sáng tạo, trí tuệ, tâm huyết trong từng công đoạn, từ nội dung, hình thức đến công tác phối hợp. Không khí rộn ràng, phấn khởi đến với các tầng lớp nhân dân thành phố, lan tỏa rộng ra cả nước và kể cả đồng bào ta ở nước ngoài, bạn bè quốc tế quan tâm.

Các dự án, công trình quan trọng, trọng điểm, công trình giao thông kết nối tiếp tục đẩy nhanh tiến độ; các công trình, dự án chào mừng Đại lễ 30-4 được tập trung nguồn lực thực hiện.

Tháo gỡ hơn 63.800 hồ sơ liên quan sổ hồng

Chiều cùng ngày, Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy, Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.

Tại buổi họp báo, ông Phạm Tấn Lộc, Phó trưởng Phòng Đăng ký - Văn phòng Đăng ký đất đai, Sở Nông nghiệp và Môi trường TP HCM, đã thông tin về tình hình cấp sổ hồng trên địa bàn. Ông Lộc cho biết trong quá trình giải quyết thủ tục cấp sổ hồng tại các dự án, Sở Nông nghiệp và Môi trường cùng các sở quản lý chuyên ngành của thành phố đã xác định được 81.085 hồ sơ chưa hoàn tất việc tháo gỡ vướng mắc để giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà tại các dự án phát triển nhà ở thương mại.

6 nhóm vướng mắc chính được Sở Nông nghiệp và Môi trường xác định, đồng thời thực hiện phân nhóm và phân loại gồm: nhóm chờ thuế, nhóm dự án chậm nộp hồ sơ cấp giấy chứng nhận, nhóm bất động sản mới, nhóm dự án phải thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung, nhóm dự án có vướng mắc khác, nhóm dự án đang thanh tra, điều tra.

Đến nay, tiến độ tháo gỡ vướng mắc đã đạt tỉ lệ 78,7% với 63.821/81.085 hồ sơ. Số lượng hồ sơ vướng mắc còn lại tập trung vào các dự án đang bị thanh tra, điều tra và một số dự án đang xác định lại nghĩa vụ tài chính bổ sung do có điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch.


Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/kinh-te-tp-hcm-tang-truong-an-tuong-a236594.html