Có mặt tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) sáng 10/5, bé Vy (7 tuổi, tên nhân vật đã được thay đổi) nổi bật hơn cả với dáng người gầy gò, thấp bé, vai lệch, một bên gồ hẳn lên. Mẹ bé cho biết con bị đa dị tật bẩm sinh và đây là lần đầu tiên chị đưa con đi khám.
PGS.TS Đinh Ngọc Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật Cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), cho biết trường hợp bệnh nhi này khá đặc biệt, trẻ bị đa dị tật ở vai, cổ, bàn tay, thiếu xương sườn, vai bên phải bị lệch, đốt sống phát triển không bình thường, bên phát triển mạnh bên không dẫn đến mất cân đối.
Theo PGS Sơn, tình trạng vẹo cột sống của trẻ khá nặng, góc vẹo lên đến gần 90 độ (Ảnh: N.P).
Trẻ bị biến dạng cột sống nhiều, tình trạng vẹo của trẻ khá nặng, góc vẹo lên đến gần 90 độ.
5-8 tuổi là giai đoạn phát triển quan trọng của phổi của trẻ. Nếu không can thiệp thì góc vẹo có thể lên đến 100-150 độ, phổi không phát triển được, xẹp dần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Những trường hợp bị gù vẹo cột sống bẩm sinh thường tiến triển nặng lên rất nhanh.
"Với trường hợp này, chúng tôi sẽ hội chẩn kỹ với cả các chuyên gia nước ngoài để tìm phương án mổ tối ưu cho trẻ. Đây là ca mổ khó, nhiều thách thức làm sao vừa duy trì cho trẻ phát triển vừa nắn chỉnh cột sống", PGS Sơn nói.
Ông cho biết thêm, với những ca khó này có thể ứng dụng robot phẫu thuật, hệ thống định vị Navigation, O-arm và giám sát thần kinh trong mổ. Đây là bộ ba công nghệ tối tân giúp tăng độ chính xác khi can thiệp phẫu thuật, giảm thiểu tối đa rủi ro tai biến và tối ưu hóa hiệu quả điều trị và hồi phục của bệnh nhân.
Với trường hợp này, trẻ cần được can thiệp sớm để tránh góc vẹo tiến triển nặng lên (Ảnh: N.P).
Khoảng 0,5-1% dân số mắc bệnh lý gù vẹo cột sống
Theo PGS Sơn, gù vẹo cột sống là bệnh lý khá phổ biến ở trẻ với tỷ lệ mắc khoảng 0,5-1% dân số. Nhiều trường hợp không rõ nguyên nhân hoặc xuất phát từ yếu tố bẩm sinh, bệnh lý thần kinh - cơ hoặc thói quen sinh hoạt sai tư thế kéo dài.
Việc phát hiện sớm đóng vai trò then chốt trong điều trị hiệu quả, giúp ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng như biến dạng cột sống, ảnh hưởng đến phổi, lồng ngực, thậm chí gây suy hô hấp. Ngoài ra, bệnh còn tác động đến ngoại hình và tâm lý trẻ, khiến các em thiếu tự tin.
Nhờ điều trị kịp thời, trẻ có thể tránh được các ca phẫu thuật hoặc phẫu thuật nặng và cải thiện toàn diện chất lượng cuộc sống.
"Sau hai năm gián đoạn bởi Covid-19, nhiều trẻ không đến khám khiến mức độ gù vẹo tăng lên. Nhiều trẻ trước đó góc vẹo chỉ hơn 20 độ nhưng 2-3 năm sau đã lên tới 70-80 độ, có cháu lên cả trăm độ.
Lúc này việc xử lý sẽ phức tạp hơn rất nhiều. Nếu được phát hiện sớm, ở mức độ nhỏ, trẻ có thể chỉ cần tập luyện, mặc áo chỉnh hình, phẫu thuật đơn giản… Tuy nhiên, khi bệnh đã diễn biến nặng, việc phẫu thuật cũng khó khăn, có thể trẻ phải phẫu thuật nhiều lần", PGS Sơn nói.
Theo PGS Sơn, việc phát hiện sớm trẻ bị cong vẹo cột sống sẽ giúp việc điều trị đơn giản và hiệu quả hơn, thậm chí trẻ có thể không cần phẫu thuật (Ảnh: N.P).
Vì thế, bác sĩ khuyên trước 10 tuổi, cha mẹ cần luôn chú ý quan sát, theo dõi con nếu thấy bất thường ở cột sống như vai lệch, bướu lưng gồ lên khi cúi xuống thì cần cho đi viện khám.
Trong 2 ngày 10-11/5, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) tổ chức khám, tư vấn và chụp X-quang miễn phí nhằm sàng lọc và phát hiện sớm bệnh lý gù, vẹo cột sống ở trẻ em.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị cong vẹo cột sống
PGS Sơn cho biết, trẻ bị vẹo cột sống thường có một số dấu hiệu dễ nhận biết sau:
Thứ nhất là sự cân bằng vai. Cha mẹ để con đứng thẳng tựa vào tường, chân đi đất và so sánh 2 bên vai. Nếu 2 bên không cân mà bên cao bên thấp thì có thể trẻ có vấn đề ở cột sống.
Thứ hai là cho trẻ đứng thẳng, 2 cánh tay thõng xuống thân mình, với trẻ bình thường sẽ tạo thành hình tam giác cân đối 2 bên. Với trẻ bị vẹo cột sống, cha mẹ có thể thấy vai lệch, một bên tay sát thân, một bên xa thân.
Thứ ba là nhìn phía sau lưng, bình thường cột sống trẻ thẳng nhưng nếu nhìn lưng chữ S thì có thể là dấu hiệu của vẹo cột sống.
Thứ tư là nghiệm pháp Adam, phương pháp này được áp dụng để sàng lọc trường hợp bị cong vẹo cột sống học đường.
Cụ thể, trẻ đứng thẳng, cúi từ từ về phía trước, hai tay đặt lên đầu gối, cha mẹ quan sát con từ phía sau. Bình thường 2 vai sẽ cân xứng, nếu bị vẹo cột sống thì một bên vai sẽ nhô cao hơn, bên đối diện thấp xuống, xuất hiện ụ gồ vùng lưng.
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/dieu-can-chu-y-de-phat-hien-tre-bi-veo-cot-song-truoc-10-tuoi-a236996.html