Một nghiên cứu mới đây từ Đại học bang Bắc Carolina (Mỹ) đã khiến giới khoa học bất ngờ khi phát hiện rằng protein từ lòng trắng trứng - một thực phẩm vốn được ưa chuộng vì hàm lượng dinh dưỡng cao và ít chất béo - lại có thể gây ra những tác động tiêu cực đến hệ vi sinh vật đường ruột.
Phát hiện về lòng trắng trứng từ nghiên cứu trên chuột
Trong nghiên cứu được công bố trên Scitech Daily, các nhà khoa học đã thử nghiệm tác động của nhiều nguồn protein khác nhau đối với hệ vi sinh vật đường ruột của chuột.
Mỗi con chuột được cho ăn một chế độ ăn giàu protein duy nhất kéo dài trong một tuần. Các nguồn protein bao gồm: lòng trắng trứng, gạo lứt, đậu nành và nấm men.
Chế độ ăn chỉ nạp mỗi lòng trắng trứng tác động tiêu cực đến chuột (Ảnh: Getty).
Điều khiến nhóm nghiên cứu ngạc nhiên là những thay đổi mạnh mẽ trong hệ vi sinh vật đường ruột khi chuột tiêu thụ protein từ lòng trắng trứng.
Tiến sĩ Alfredo Blakeley-Ruiz, tác giả chính của nghiên cứu, nhận định: "Thành phần hệ vi sinh vật đường ruột thay đổi đáng kể đối với mỗi nguồn protein, nhưng lòng trắng trứng, gạo lứt và nấm men tạo ra tác động lớn nhất".
Gia tăng quá trình phân hủy axit amin - lợi hay hại?
Một trong những phát hiện chính của nghiên cứu là khả năng thúc đẩy quá trình phân hủy axit amin trong hệ vi sinh của lòng trắng trứng.
Thay vì giúp tổng hợp hoặc bảo tồn các axit amin thiết yếu, việc tiêu thụ lòng trắng trứng dường như lại làm tăng tốc độ phân hủy các axit amin trong ruột.
Đây là một cơ chế có thể mang lại rủi ro.
TS Blakeley-Ruiz nói: "Một số axit amin có thể phân hủy thành độc tố, số khác có thể ảnh hưởng đến trục ruột - não, từ đó tiềm ẩn những hệ lụy cho sức khỏe toàn thân".
Nói cách khác, những chất được tạo ra từ quá trình phân hủy không kiểm soát này có thể vượt ra khỏi hệ tiêu hóa, ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể, bao gồm cả não bộ.
Tác động enzyme
Không chỉ dừng lại ở việc thúc đẩy phân hủy axit amin, chế độ ăn giàu lòng trắng trứng còn ảnh hưởng tới các enzyme tiêu hóa glycan - một dạng carbohydrate quan trọng trong nhiều hoạt động sinh lý.
TS Blakeley-Ruiz cho biết, trong nhóm chuột ăn lòng trắng trứng, một loại vi khuẩn đã "chiếm lĩnh" hệ vi sinh vật đường ruột và kích hoạt hàng loạt enzyme tương tự như enzyme phân hủy mucin - chất nhầy lót thành ruột có vai trò bảo vệ niêm mạc khỏi axit và vi khuẩn có hại.
Việc các enzyme này hoạt động quá mức có thể phá vỡ lớp mucin, dẫn đến tổn thương niêm mạc ruột và tạo điều kiện cho vi khuẩn gây hại xâm nhập - làm suy giảm sức khỏe tiêu hóa.
PGS Manuel Kleiner, đồng tác giả nghiên cứu, khẳng định: "Lòng trắng trứng không chỉ làm thay đổi thành phần hệ vi sinh vật, mà còn thay đổi cả chức năng của chúng. Điều này thực sự đáng lưu ý".
Gợi ý thận trọng trong chế độ ăn giàu protein
Từ trước đến nay, lòng trắng trứng thường được xem là thực phẩm "vàng" trong chế độ ăn lành mạnh - giàu protein, không cholesterol, ít calo.
Tuy nhiên, nghiên cứu này cho thấy việc tiêu thụ quá mức hoặc đơn lẻ một nguồn protein, dù lành tính đến đâu, vẫn có thể tiềm ẩn những tác động sinh học không mong muốn.
Phát hiện mới không có nghĩa là chúng ta phải loại bỏ hoàn toàn lòng trắng trứng khỏi thực đơn, nhưng là lời nhắc rằng sự đa dạng trong chế độ ăn là điều cần thiết để duy trì sự cân bằng của hệ vi sinh vật đường ruột - yếu tố có liên hệ mật thiết đến sức khỏe tiêu hóa, miễn dịch và cả tâm trạng.
Nhóm nghiên cứu cho biết, giai đoạn tiếp theo sẽ tập trung phân tích kỹ hơn về tác động của các nguồn protein hỗn hợp, thay vì chỉ đơn lẻ từng loại. Điều này sẽ giúp làm rõ hơn về cơ chế tương tác giữa thực phẩm và hệ vi sinh vật - vốn ngày càng được coi là "bộ não thứ hai" của con người.
Trong lúc chờ đợi kết quả, người tiêu dùng được khuyến nghị nên kết hợp các loại protein từ nhiều nguồn khác nhau - thịt, trứng, đậu, ngũ cốc - thay vì ăn thiên lệch một nhóm nhất định, dù có là "siêu thực phẩm" đi nữa.
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/phat-hien-moi-ve-mat-trai-cua-viec-chi-an-long-trang-trung-a237245.html