Khoa học báo loạt tin vui cho người thích ăn cay

() - Ớt không chỉ là gia vị đơn thuần mà còn là "siêu thực phẩm" tiềm năng trong phòng ngừa các bệnh mạn tính như mỡ máu cao, tim mạch và ung thư.

Ớt là một nguyên liệu quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày của người Việt. Không chỉ làm tăng hương vị món ăn mà còn được khoa học ghi nhận là có khả năng giảm mỡ máu, bảo vệ tim mạch và thậm chí hỗ trợ phòng ngừa ung thư. Điều này xuất phát từ hợp chất đặc biệt có trong ớt: capsaicin.

Ăn cay đúng cách - "khắc tinh" của mỡ máu

Mỡ máu cao, hay còn gọi là rối loạn lipid máu, là tình trạng tăng cholesterol "xấu" (LDL) và triglyceride trong máu, gây lắng đọng chất béo trong thành mạch, từ đó tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, bệnh tim và đột quỵ. Điều trị mỡ máu thường cần kết hợp giữa thuốc, chế độ ăn uống và vận động hợp lý.

Khoa học báo loạt tin vui cho người thích ăn cay - 1

Ăn cay hợp lý được chứng minh đem lại nhiều giá trị sức khỏe (Ảnh: Getty).

Tuy nhiên, một tin vui cho những người yêu thích món ăn cay là ớt - một loại quả giá rẻ, phổ biến - lại có thể là "vị thuốc tự nhiên" hỗ trợ kiểm soát mỡ máu.

Theo nghiên cứu công bố trên Frontiers in Nutrition, capsaicin - hợp chất tạo nên vị cay của ớt - đã cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc giảm tổng lượng cholesterol và LDL sau khi phân tích dữ liệu từ 9 thử nghiệm lâm sàng với 461 bệnh nhân mắc hội chứng chuyển hóa.

Các nhà khoa học nhận định rằng việc bổ sung capsaicin trong thời gian ngắn (dưới 12 tuần) đặc biệt có hiệu quả ở phụ nữ, giúp giảm lượng chất béo trung tính trong máu - một yếu tố quan trọng trong việc kiểm soát mỡ máu.

Giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim

Không dừng lại ở việc cải thiện chỉ số máu, ớt còn được chứng minh có liên quan đến việc giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch.

Một nghiên cứu quy mô lớn được công bố trên Journal of the American College of Cardiology đã theo dõi hơn 22.000 người dân miền Nam nước Ý trong hơn 8 năm. Kết quả cho thấy những người ăn ớt hơn 4 lần mỗi tuần có nguy cơ tử vong do bệnh tim thấp hơn khoảng 33% so với những người không ăn.

Điều đặc biệt là lợi ích bảo vệ tim mạch của ớt không phụ thuộc vào chế độ ăn Địa Trung Hải - vốn được xem là kiểu ăn lý tưởng cho tim mạch. Điều này cho thấy capsaicin có thể đóng vai trò độc lập trong việc bảo vệ sức khỏe tim.

Tác động tích cực tới tuổi thọ

Một phân tích khác được công bố trên tạp chí Angiology đã tổng hợp dữ liệu từ 564.748 người tham gia các nghiên cứu kéo dài trung bình 9,7 năm. Kết quả cho thấy:

- Những người ăn cay thường xuyên có nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân thấp hơn 12% so với người ít ăn cay.

- Nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch cũng thấp hơn đáng kể.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu không ghi nhận lợi ích rõ ràng của việc ăn cay đối với bệnh mạch máu não. Các tác giả kêu gọi cần thêm nghiên cứu để xác nhận mối liên hệ này ở nhiều nhóm dân số khác nhau.

Hỗ trợ chống ung thư và béo phì

Không chỉ có lợi cho tim mạch, capsaicin còn được ghi nhận có tác dụng chống viêm, hỗ trợ kiểm soát cân nặng và phòng chống ung thư.

Một công bố trên tạp chí Molecules cho thấy, capsaicin có khả năng ngăn ngừa béo phì, hỗ trợ giảm cholesterol và thậm chí ức chế sự phát triển của một số tế bào ung thư. Ngoài ra, hợp chất này còn được ứng dụng trong điều trị viêm khớp nhờ đặc tính giảm đau tự nhiên.

Ăn ớt thế nào cho đúng?

Dù ớt mang lại nhiều lợi ích, việc tiêu thụ quá nhiều ớt cay hoặc capsaicin ở nồng độ cao có thể gây kích ứng dạ dày, trào ngược axit và rối loạn tiêu hóa ở một số người. Do đó, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị:

- Nên ăn ớt vừa phải, tùy theo khả năng chịu cay của mỗi người.

- Kết hợp ớt với chế độ ăn đa dạng, nhiều rau xanh, cá béo và ngũ cốc nguyên cám.

- Nếu có tiền sử bệnh dạ dày hoặc bệnh lý tiêu hóa, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tăng lượng ớt trong khẩu phần.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/khoa-hoc-bao-loat-tin-vui-cho-nguoi-thich-an-cay-a237295.html