"Lên xu hướng hay lùi lại?" - Áp lực phải viral trên TikTok

TikTok không còn là nơi chỉ để giải trí. Với nhiều bạn trẻ, việc “lên xu hướng” đã trở thành một mục tiêu, thậm chí là một nỗi ám ảnh.

Thuật toán của TikTok ưu tiên những nội dung có khả năng giữ chân người xem, tạo ra một cuộc "đua ngầm" giữa các nhà sáng tạo nội dung. Cùng lý do đó, nhiều bạn trẻ cảm thấy bị cuốn vào vòng xoáy "phải đăng đều, phải bắt trend, phải nổi bật" để không bị lãng quên.

Theo một nghiên cứu được công bố trên PubMed Central, một kho lưu trữ miễn phí các bài báo khoa học trong lĩnh vực y sinh và khoa học sức khỏe (do Thư viện Y học Quốc gia Hoa Kỳ vận hành), việc sử dụng TikTok một cách không kiểm soát có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe tâm thần, bao gồm lo âu và trầm cảm.

Cơ hội khẳng định bản thân và phát triển kinh tế

"Lên xu hướng hay lùi lại?" - Áp lực phải viral trên TikTok- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Khi một người dùng tạo ra nội dung hấp dẫn, có cá tính và giữ được chất lượng ổn định, họ dễ dàng tạo dựng được một cộng đồng trung thành. Đây là nền tảng để xây dựng thương hiệu cá nhân – một giá trị bền vững trong thời đại số.

Trần Phúc Lâm (24 tuổi) – một nhà sáng tạo nội dung mảng "tự học tiếng Anh" chia sẻ: "TikTok giúp mình tiếp cận hàng triệu người chỉ với một chiếc điện thoại. Từ chỗ chia sẻ miễn phí, giờ mình có học viên, tài trợ và cả lời mời hợp tác từ các doanh nghiệp."

Nhiều bạn trẻ khởi nghiệp thành công nhờ TikTok. Một số người chọn bán hàng online, làm affiliate marketing, hoặc quảng bá dịch vụ sáng tạo (chụp ảnh, vẽ tranh, make-up…).Nền tảng này đóng vai trò như một kênh tiếp thị không chi phí khởi đầu, và người nổi tiếng ở mức vừa phải (micro influencer) lại có tỉ lệ chuyển đổi đơn hàng cao do cộng đồng gắn bó thật sự.

Quá trình làm nội dung TikTok đòi hỏi khả năng kể chuyện ngắn gọn, sáng tạo hình ảnh, kỹ năng dựng clip, hiểu biết về xu hướng, thậm chí là kỹ năng thương thảo khi làm việc với nhãn hàng. Đây những điều không trường lớp nào dạy hiệu quả bằng "thực chiến".

Vòng xoáy áp lực phải viral

Khi đã lên "xu hướng", áp lực phải tiếp tục duy trì "nhiệt" khiến nhiều người bị kiệt sức. Họ cảm thấy nếu không tiếp tục sáng tạo, không "giữ trend" thì sẽ bị lãng quên. Một hot TikToker 19 tuổi (giấu tên) tiết lộ: "Có tuần mình quay tới 14 video vì sợ mất tương tác. Mình nhận ra dần mất cảm xúc và chỉ đang làm cho xong."

"Lên xu hướng hay lùi lại?" - Áp lực phải viral trên TikTok- Ảnh 2.

Màn hình chỉnh sửa video quen thuộc gây áp lực với nhiều bạn trẻ. Ảnh minh hoạ

Nhiều bạn trẻ bị hội chứng FOMO (Fear of Missing Out) nghĩa là nỗi sợ bị bỏ lỡ. Đây là một hiện tượng tâm lý phổ biến, khi một người cảm thấy lo âu, bồn chồn hoặc khó chịu vì nghĩ rằng mình đang bị bỏ lại phía sau, không theo kịp người khác trong một xu hướng, trải nghiệm, hay cơ hội nào đó.

Thấy người khác nổi tiếng, bán được hàng, có hợp đồng quảng cáo, thay vì tìm chất riêng, họ lao vào bắt trend, làm nội dung tương tự nhau, thiếu chiều sâu và dễ bị "chìm". Nội dung TikTok đang có dấu hiệu "đồng hóa" khi 10 clip thì có đến 8 sử dụng cùng một nhạc nền, điệu nhảy hoặc mẫu thoại, gây nhàm chán và làm suy giảm khả năng sáng tạo của người dùng trẻ.

Việc bị công khai đánh giá qua lượt view, comment, like… khiến nhiều người gắn giá trị bản thân với phản ứng của người khác. Khi clip "flop" tức là kém tương tác, họ dễ cảm thấy thất vọng, nghi ngờ chính mình và có thể dẫn đến lo âu, trầm cảm.

Cân bằng giữa ảo và thực

Thực tế cho thấy, TikTok là mảnh đất màu mỡ nhưng cũng đầy rủi ro. Việc nổi tiếng không sai – điều quan trọng là bạn nổi tiếng bằng điều gì, và có đủ bản lĩnh để không lệ thuộc vào nó hay không.

Để làm chủ TikTok thay vì bị nó điều khiển, người dùng cần xác định rõ mục tiêu cá nhân khi sử dụng nền tảng: để học hỏi, chia sẻ hay xây dựng thương hiệu. Đặc biệt, không đánh giá bản thân qua lượt view hay like – đó chỉ là con số tức thời. 

Việc chọn lọc trend phù hợp với bản sắc sẽ giúp nội dung có chiều sâu và bền vững hơn. Thay vì đăng dồn dập để giữ tương tác, hãy ưu tiên chất lượng và cảm xúc thật. Bên cạnh đó, đặt giới hạn thời gian dùng ứng dụng mỗi ngày để tránh rơi vào trạng thái nghiện. Khi cảm thấy căng thẳng, hãy nghỉ ngơi khỏi mạng xã hội và tìm lại nhịp sống thực.

Chia sẻ áp lực với người thân hoặc chuyên gia tâm lý cũng là cách để vượt qua stress mạng. Quan trọng nhất, hãy để TikTok phục vụ bạn – đừng để nó định nghĩa bạn.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/len-xu-huong-hay-lui-lai-ap-luc-phai-viral-tren-tiktok-a238576.html