Tự hào vì con khác biệt, người mẹ không ngờ sự thật khó chấp nhận

() - "Con tôi là thiên tài, sao lại bị tự kỷ?", phản ứng của một bà mẹ khi nhận được khuyến cáo đưa con đi đánh giá rối loạn phổ tự kỷ.

"Con tôi là thiên tài"

Bé G. (3 tuổi, Hà Nội) sở hữu khả năng vẽ đáng ngưỡng mộ, dù chưa từng được hướng dẫn hay đi học. Những bức tranh của em rất đẹp, khiến nhiều người xem cho rằng bé G. là một thiên tài hội họa.

Tuy nhiên, sau những lời khen là những biểu hiện gây lo lắng: bé G. chỉ quan tâm đến một số hình ảnh cố định, nhớ lại rồi vẽ lặp đi lặp lại; các thái độ giao tiếp, biểu cảm cũng hạn chế. Đối với đồ chơi, sách truyện hay bạn bè, bé nhanh chán, thiếu hứng thú.

Khi bị bạn bè, người quen khuyên đưa con đi đánh giá rối loạn phổ tự kỷ, chị H. (mẹ bé G.) đã phản ứng mạnh: "Con tôi là thiên tài, sao lại bị tự kỷ!".

Tự hào vì con khác biệt, người mẹ không ngờ sự thật khó chấp nhận - 1

Không ít trẻ cho thấy một khả năng đặc biệt, điển hình như hội họa, làm toán, nói ngoại ngữ từ khi còn rất nhỏ (Ảnh minh họa: Getty).

Chỉ đến khi những biểu hiện bất thường rõ ràng hơn, gia đình mới đưa con đi khám.

"Con chỉ mê một vài thứ cố định như vậy thôi, ngoài ra thì hầu như ít quan tâm đến mọi thứ.

Đồ chơi, sách truyện, hay hoạt động với bạn bè đều ít hứng thú và nhanh chán. Cái bàn vẽ mà tôi đổi chỗ là con khó chịu, không chịu vẽ nữa.

Mua bộ bút màu mới cũng không chịu dùng vì không giống bộ cũ. Con hay vẽ lại những thứ quen thuộc - có thể là cái xe, ngôi nhà, hay hình ảnh từ chương trình hội họa con từng xem. Nói sao cũng không đổi", chị H. chia sẻ.

Trực tiếp thăm khám cho bé G., ThS Hoàng Quốc Lân - Chuyên gia tâm lý lâm sàng kết luận: Bé G. mắc rối loạn phổ tự kỷ điển hình.

Tự hào vì con khác biệt, người mẹ không ngờ sự thật khó chấp nhận - 2

ThS Hoàng Quốc Lân - Chuyên gia tâm lý lâm sàng (Ảnh: Bác sĩ cung cấp).

ThS Lân khuyến nghị cần duy trì can thiệp tích cực, phát triển các kỹ năng xã hội, các lĩnh vực phát triển khác để cháu có thể hòa nhập và thích nghi tốt hơn.

"Khi can thiệp, liệu con tôi có mất đi tài năng hội họa không", chị H. bày tỏ lo lắng.

Chuyên gia này giải đáp: Can thiệp để trẻ phát triển đồng đều các kỹ năng xã hội, giao tiếp, nhận thức, hòa nhập, chứ không làm mai một tài năng đặc biệt của trẻ.

Không riêng trường hợp của G., ThS Lân đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ tự kỷ sở hữu những khả năng đặc biệt như nhớ con số, đọc tiếng Anh, tính toán, nhận biết thông số phức tạp... dù chưa học qua. Tuy nhiên, trẻ gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp, ứng xử và biểu đạt cảm xúc.

"Không ít gia đình khi nhận ra biểu hiện siêu việt ở con đã ngay lập tức đưa đi khám vì lo sợ con gặp vấn đề phát triển. Ngược lại, một bộ phận lại phủ nhận, xem đó là thiên tài và bỏ qua giai đoạn vàng can thiệp, điển hình như trường hợp của G.", ThS Lân nhấn mạnh.

Lưu ý khi trẻ phát triển thiên lệch về kỹ năng

Chuyên gia tâm lý này cho biết, trẻ thông minh thực sự cần phát triển đồng đều nhiều kỹ năng: giao tiếp, tư duy, hiểu biết, sự tương tác... Không thể chỉ vì một tài năng nổi trội mà đánh đồng rằng đó là thiên tài.

Thực tế, những trẻ rối loạn phổ tự kỷ có xu hướng rập khuôn, ghi nhớ và lặp lại hành vi, ít sáng tạo. Cái mà người lớn nhận định là tài năng, nhiều khi chỉ là kỹ năng sao chép.

Việc can thiệp cho trẻ tự kỷ không nhằm đồng nhất, mà là hướng đến sự hòa nhập xã hội, phát triển toàn diện và giúp trẻ tự phục vụ trong tương lai.

Theo ThS Lân, hiện nay tại Việt Nam, việc phát hiện và can thiệp rối loạn phát triển còn nhiều hạn chế: Chưa đủ cơ sở can thiệp đạt chuẩn, thiếu chương trình giáo dục chính quy, chính sách hỗ trợ còn mờ nhạt. Việc xây dựng tiêu chuẩn cơ sở can thiệp sẽ góp phần tăng hiệu quả giáo dục, hòa nhập cho trẻ.

"Bài học từ bé G. là lời nhắc nhở với các bậc bố mẹ: đừng để một đặc điểm vượt trội che mờ những bất thường phát triển. Nhìn thẳng vào thực tế, can thiệp sớm và đúng cách chính là cánh cửa để trẻ được vận dụng, phát triển và hội nhập xã hội", ThS Lân cho biết.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/tu-hao-vi-con-khac-biet-nguoi-me-khong-ngo-su-that-kho-chap-nhan-a239143.html