Ngăn những chuyến học tập kinh nghiệm vô bổ

Dư luận đang ồn ào việc hai huyện U Minh và Phú Tân (Cà Mau) cho các đại biểu HĐND và lãnh đạo chủ chốt ban, ngành huyện đi học tập kinh nghiệm ở Côn Đảo và Phú Quốc trước ngày giải thể cấp huyện.

học tập kinh nghiệm - Ảnh 1.

Nhiều cán bộ cấp huyện U Minh đi học tập kinh nghiệm ở Côn Đảo dù cấp huyện sắp bị bỏ - Ảnh: Mạng xã hội

Trước đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị phải dừng việc cho một số cán bộ trưởng phó sở, ngành tỉnh này sắp nghỉ hưu, nghỉ chế độ trước tuổi đi học tập kinh nghiệm tại các tỉnh phía Nam.

Lãnh đạo các địa phương cho rằng các chuyến đi nói trên không sai, chỉ là sự trùng hợp do kế hoạch đã được chuẩn bị từ năm trước; kinh phí dự trù trước và cũng không lớn; nhiều cán bộ có đóng góp cho địa phương nhiều năm chưa được đi học tập, về nguồn giáo dục truyền thống nên dịp này tri ân...

Có nơi còn khẳng định trước khi đi đã cân nhắc, được lãnh đạo địa phương đồng thuận cao.

Thế nhưng khi được hỏi việc đi Côn Đảo (không có cấp xã) học tập như thế nào để ứng dụng khi bỏ cấp huyện và có rút kinh nghiệm gì sau khi đi về chưa thì có vị lãnh đạo địa phương lại ậm ừ rằng chưa có báo cáo cụ thể, báo cáo chưa làm xong(?!).

Chấn chỉnh ngay những chuyến đi 'học tập kinh nghiệm' không đúng lúcCán bộ sắp về hưu đi học tập kinh nghiệm, đừng dùng khái niệm 'lập lờ'

Bình luận việc này, nhiều người nói thẳng các vị trả lời như trên là sự lấp liếm vì địa chỉ nơi đến như Côn Đảo hay Phú Quốc đặc thù khác biệt hoàn toàn với địa phương có đoàn đi, chưa kể là cấp huyện sắp kết thúc rồi còn gì mà học tập.

Thực ra, sở dĩ dư luận bức xúc còn do lâu nay quy định việc cử cán bộ đi học tập kinh nghiệm phải xin phép trước, đoàn về phải báo cáo kết quả thu hoạch được cho cấp trên nhưng nhiều nơi không thực hiện nghiêm, thiếu kiểm tra, giám sát, bị lợi dụng.

Tình trạng du lịch núp bóng dưới dạng tham quan, học tập kinh nghiệm, du lịch quà tặng, ban phát cho người đi mà khi về chẳng áp dụng được gì ai cũng nhìn thấy nhưng vẫn cứ diễn ra nhiều nơi.

Để không còn những chuyến "học tập kinh nghiệm" tiêu tốn tiền ngân sách nhà nước một cách vô bổ, đã đến lúc tạm dừng hoặc kiểm duyệt nghiêm ngặt các chuyến công tác ngoài tỉnh trong giai đoạn sáp nhập.

UBND cấp tỉnh, thành phố cần chỉ đạo tạm hoãn hoặc yêu cầu giải trình chi tiết, minh bạch mục đích, nội dung, chi phí từng chuyến đi liên quan đến học tập kinh nghiệm.

Người đứng đầu cấp huyện phải chịu trách nhiệm nếu để "lọt" các đoàn công tác không đúng quy định; kiểm điểm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kể cả sau khi đã nghỉ hưu.

Song song đó cần thay đổi phương thức học tập, chia sẻ kinh nghiệm thay vì tổ chức các chuyến đi tốn kém, có thể thực hiện trao đổi qua hội thảo trực tuyến, tọa đàm giữa các địa phương lân cận và khuyến khích sử dụng công nghệ thông tin, tránh phô trương hình thức.

Việc học tập kinh nghiệm là cần thiết nhưng chỉ có ý nghĩa khi đúng thời điểm, đúng người và đúng mục tiêu.

Trong bối cảnh sáp nhập đơn vị hành chính, mọi hành động sử dụng ngân sách đều phải có trách nhiệm, hiệu quả và minh bạch, tránh trở thành "gánh nợ" để lại cho bộ máy mới sau sáp nhập.

Ngăn những chuyến học tập kinh nghiệm vô bổ - Ảnh 1.Lãnh đạo Gia Lai, Bình Định: Không có chủ trương 'đi học tập kinh nghiệm' vào lúc này

Ngày 17-5, lãnh đạo hai tỉnh Gia Lai và Bình Định thông tin không có chủ trương tổ chức, cử các đoàn cán bộ đi học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước ở thời điểm sáp nhập tỉnh thành.

Đọc tiếp Về trang Chủ đề

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/ngan-nhung-chuyen-hoc-tap-kinh-nghiem-vo-bo-a239144.html