COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm B, có cần cách ly?

COVID-19 không còn bắt buộc cách ly nghiêm ngặt, song Bộ Y tế khuyến cáo người mắc nên tự cách ly để hạn chế lây lan.

Trước diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới tăng trở lại, Bộ Y tế yêu cầu bệnh viện, cơ sở y tế cả nước chủ động rà soát kế hoạch thu dung, điều trị, không để bị động.

COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm B, có cần cách ly?- Ảnh 1.

Điều trị bệnh nhân COVID-19 thời điểm dịch bùng phát mạnh

Bộ Y tế cho biết trên thế giới đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 gia tăng tại một số quốc gia như Brazil, Anh, Thái Lan... Tại Việt Nam, từ đầu năm 2025 đến nay, ghi nhận rải rác 148 trường hợp mắc COVID-19 tại 27 tỉnh, thành; không có ca tử vong.

Theo quy định hiện hành, COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm B. Vậy với các bệnh nhóm B theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, cần phòng bệnh như thế nào?

Ở nước ta các bệnh truyền nhiễm được phân làm 3 nhóm: Nhóm A, B, C. Trong đó nhóm A là các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỉ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh bao gồm các bệnh bại liệt, cúm gia cầm A/H5N1, bệnh đậu mùa, bệnh sốt vàng…

Theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 được bổ sung bởi quyết định 3896/QĐ-BYT (năm 2023), nhóm B gồm các bệnh nguy hiểm, lây nhanh, có thể gây tử vong như: Viêm đường hô hấp do virus Corona (COVID-19), HIV/AIDS, bạch hầu, cúm, dại, ho gà, lao phổi, liên cầu lợn, lỵ amíp, lỵ trực trùng, quai bị, sốt xuất huyết, sốt rét, sốt phát ban, sởi, tay chân miệng, than, thủy đậu, thương hàn, uốn ván, rubella, viêm gan virus, viêm màng não do não mô cầu, viêm não virus, xoắn khuẩn vàng da, tiêu chảy do virus Rota, virus Zika, viêm đường hô hấp do virus Adeno.

Nhóm C gồm các bệnh truyền nhiễm ít nguy hiểm, khả năng lây truyền không nhanh (giang mai, lậu, bệnh sốt mò, sán lá gan, sốt xuất huyết do virus Hanta…).

COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm B, có cần cách ly?- Ảnh 2.

Bộ Y tế khuyến cáo đeo khẩu trang ở khu vực đông người

Từ tháng 10-2023, COVID-19 được chuyển từ nhóm A sang nhóm B và được phòng chống theo quy định của nhóm B. Theo Bộ Y tế, với ca bệnh xác định, việc thu dung, điều trị và phòng chống lây nhiễm được thực hiện theo quy định hiện hành tại các cơ sở y tế.

Người mắc COVID-19 điều trị ngoại trú phải đeo khẩu trang, khuyến khích tự cách ly tại nơi lưu trú ít nhất 5 ngày từ khi có triệu chứng hoặc khi có kết quả xét nghiệm dương tính. Nên đeo khẩu trang đến hết ngày thứ 10. Khi cần ra ngoài, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay thường xuyên, hạn chế tiếp xúc.

Người chăm sóc hoặc sống cùng: Đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc; thường xuyên rửa tay, vệ sinh bề mặt, giữ thông thoáng nơi ở.

Với trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19, cần tự theo dõi sức khỏe, đeo khẩu trang khi tiếp xúc hoặc ra ngoài, hạn chế tiếp xúc; rửa tay thường xuyên, vệ sinh bề mặt tiếp xúc.

Người có triệu chứng nặng hoặc thuộc nhóm nguy cơ cao (cao tuổi, bệnh nền, suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai) nên xét nghiệm sớm.

Người bệnh điều trị nội trú: Được cách ly tại khoa cấp cứu hoặc khoa chuyên môn; khi phát hiện ca bệnh tại các khoa lâm sàng, phải chuyển ngay vào buồng cách ly.

COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm B, có cần cách ly?- Ảnh 3.

Khuyến cáo mới nhất của Bộ Y tế về phòng chống COVID-19

Các khu vực như buồng khám, cấp cứu, cách ly cần đảm bảo thông khí và đủ điều kiện cách ly theo quy định.

Người mắc COVID-19 không bắt buộc cách ly nghiêm ngặt như trước, nhưng vẫn cần chủ động phòng bệnh để bảo vệ cộng đồng.

Từ đầu năm 2020 đến cuối năm 2023, Việt Nam đã trải qua 4 đợt dịch COVID-19, ghi nhận hơn 11,6 triệu ca mắc, xếp thứ 13/231 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính theo tỉ lệ ca nhiễm trên 1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 120, với bình quân 117.470 ca/1 triệu dân.

Tổng số ca khỏi bệnh là 10.640.953 ca. Số ca tử vong là 43.206, chiếm 0,4% tổng số ca nhiễm. Việt Nam xếp thứ 26 thế giới về tổng số ca tử vong, và thứ 141 về tỉ lệ tử vong trên 1 triệu dân. Trong khu vực châu Á, số ca tử vong xếp thứ 7/50 (thứ 3 ASEAN), tỉ lệ tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29 (thứ 5 ASEAN). Việt Nam cũng đã tiêm hơn 266,5 triệu liều vắc-xin phòng COVID-19.


Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/covid-19-la-benh-truyen-nhiem-nhom-b-co-can-cach-ly-a239195.html