Ông Huỳnh Tấn Đạt, cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật - Ảnh: C.TUỆ
Sáng 22-5, ông Huỳnh Tấn Đạt, cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), thông tin về việc Trung Quốc phê duyệt thêm gần 1.000 vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng và các giải pháp kiểm soát kim loại nặng (vàng O, cadimi)...
Tăng cường kiểm tra chất lượng đầu vào của phân bón, hóa chất
Theo ông Đạt, Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa phê duyệt thêm 829 vùng trồng cùng 131 cơ sở đóng gói.
Hiện tại Việt Nam đã có tổng cộng 1.369 vùng trồng và 188 cơ sở đóng gói sầu riêng được phép xuất khẩu sang Trung Quốc.
"Việc Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt số lượng lớn mã số lần này có ý nghĩa quan trọng và kịp thời. Trong bối cảnh xuất khẩu sầu riêng Việt Nam sang Trung Quốc đang gặp khó khăn do tần suất kiểm tra tăng cao và cạnh tranh từ các nước như Thái Lan, Malaysia, Campuchia.
Việc mở rộng số lượng mã số giúp nới rộng cửa cho các vùng nguyên liệu mới, giảm áp lực lên những vùng trồng đã quá tải và bị tạm dừng trước đó.
Điều này cũng phản ánh niềm tin của phía Trung Quốc vào hệ thống kiểm soát chất lượng của Việt Nam, đồng thời mở ra cơ hội khôi phục đà tăng trường xuất khẩu trong nửa cuối năm 2025.
Đây là kết quả từ nỗ lực đồng bộ của các cơ quan chức năng, đặc biệt là trong kiểm soát an toàn thực phẩm (cadimi, vàng O) và truy xuất nguồn gốc vùng trồng" - ông Đạt nói.
Để tận dụng tốt cơ hội này, ông Đạt lưu ý các địa phương cần quản lý chặt mã số đã được cấp, đảm bảo duy trì điều kiện kỹ thuật theo đúng yêu cầu của phía Trung Quốc, tránh tình trạng "được cấp - bị tạm dừng" do vi phạm.
"Để phát triển bền vững, các địa phương, doanh nghiệp và bà con nông dân cần nâng cao nhận thức, phải có trách nhiệm với chính mã số vùng trồng mình đang sở hữu bởi đây không chỉ là công cụ quản lý mà còn là thương hiệu, tài sản và uy tín gắn liền với chất lượng sản phẩm nông sản.
Doanh nghiệp và hợp tác xã cần tăng cường liên kết vùng nguyên liệu, đảm bảo truy xuất rõ ràng, kiểm tra chất lượng đầu vào của phân bón, hóa chất và đầu ra là kiểm nghiệm chất vàng O, cadimi.
Về phía người trồng, cần tuân thủy quy trình canh tác an toàn, không sử dụng hóa chất cấm, ghi chép nhật ký sản xuất đầy đủ và nâng cao nhận thức về tầm qua trọng của việc giữ mã số để duy trì kênh xuất khẩu" - ông Đạt nhấn mạnh.
Vườn sầu riêng tại xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ, Gia Lai - Ảnh: TẤN LỰC
3 giải pháp để giảm thiểu nguy cơ nhiễm kim loại nặng
Liên quan các giải pháp để kiểm soát các kim loại nặng, nhất là cadimi trong sầu riêng, ông Đạt cho biết đơn vị đã phối hợp với cơ quan liên quan triển khai chương trình khảo sát, giám sát và lấy mẫu tại các vùng trồng sầu riêng trọng điểm thuộc khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.
Qua kết quả phân tích, lấy mẫu đất, nước, cây, lá, trái sầu riêng,... thấy rằng nguy cơ chỉ có ở một vài vùng trồng thuộc Tây Nam Bộ và bắt nguồn từ hai nguyên nhân chính.
Thứ nhất là mức tồn dư cadimi trong đất cao bất thường. Thứ hai là trong quá trình canh tác, có những người dân sử dụng phân bón quá nhiều, thậm chí có nơi vượt tới hơn 10 lần sản xuất thông thường, dẫn đến tình trạng ô nhiễm đất.
Ông Đạt cho biết cục đã làm việc trực tiếp với một số tỉnh để thống nhất giải pháp đồng bộ. Trước hết là rà soát, xây dựng lại quy trình canh tác. Mục tiêu là kiểm soát toàn diện từ khâu lựa chọn vùng trồng, kiểm tra đất - nước trước khi trồng sầu riêng đến quy trình bón phân, nhằm giảm thiểu tối đa việc sử dụng phân bón có chứa kim loại nặng.
Bên cạnh đó cục khuyến cáo người dân tăng cường sử dụng phân hữu cơ, cân đối tỉ lệ với phân vô cơ. Đối với các vùng có nguy cơ cao, áp dụng đồng bộ các biện pháp giảm thiểu nguy cơ nhiễm kim loại nặng.
Một là sử dụng biochar (than sinh học), có khả năng giữ lại kim loại nặng, điều chỉnh độ pH của đất, đồng thời thúc đẩy hệ vi sinh vật có lợi giúp cây sầu riêng phát triển tốt.
Hai là bổ sung phân bón vi sinh để tăng mật độ vi sinh vật trong đất, hỗ trợ phân giải và làm giảm khả năng hấp thụ cadimi vào sản phẩm.
Ba là trồng xen các loại cây thân ngập nước để hấp thụ và lưu giữ kim loại nặng. Đồng thời, những cây trồng xen này có thể tận dụng làm phân bón hữu cơ.
Cục cũng chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vật tư đầu vào. Đồng thời phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, thanh tra việc kinh doanh vật tư nông nghiệp, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kinh doanh sản phẩm không đảm bảo chất lượng.
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/cuc-truong-noi-ve-giai-phap-kiem-soat-kim-loai-nang-trong-sau-rieng-a239734.html