Thấy gì khi Hải Tú bị công kích vì chụp ảnh khỏa thân

Ảnh khỏa thân cũ của Hải Tú gây tranh cãi: táo bạo hay nghệ thuật? Tranh luận về quyền tự chủ cơ thể, tiêu chuẩn kép nam - nữ lại bùng lên.

anh khoa than Hai Tu anh 1

Đầu tháng 7, loạt ảnh khỏa thân được cho là của Hải Tú, chụp vào tháng 7/2018 bởi nhiếp ảnh gia Lê Tuấn Anh, bất ngờ bị “đào lại” và lan truyền trên mạng xã hội. Hiện studio vẫn để công khai loạt ảnh, dù phần bình luận tràn ngập lời chỉ trích, phê phán.

Nhiều người cho rằng các hình ảnh này quá táo bạo, không phù hợp với hình tượng "nàng thơ" mà nữ nghệ sĩ sinh năm 1997 đang xây dựng. Có cả những bình luận soi mói ngoại hình, công kích Hải Tú với lý lẽ bộ ảnh "thô tục" hoặc "khiêu dâm".

Ở chiều ngược lại, một số ý kiến bênh vực Hải Tú vì cho rằng các bức ảnh được thực hiện với mục đích nghệ thuật và đã chụp cách đây 7 năm. Không ít người nhấn mạnh khía cạnh nghệ thuật và quyền tự chủ của phụ nữ đối với cơ thể họ trong những bộ ảnh khỏa thân. Từ góc nhìn giới, ảnh khỏa thân có thể được coi như một phần của quá trình khẳng định quyền lực và sự hiện diện của nữ giới, thay vì chỉ là sản phẩm phục vụ ánh nhìn tình dục.

Tiêu chuẩn kép sau bức ảnh khỏa thân

Chụp ảnh khỏa thân không phải hiện tượng quá hiếm lạ, đặc biệt là trong giới giải trí toàn cầu. Song, phản ứng của công chúng khác biệt rõ rệt trong từng trường hợp. Hải Tú không phải lần đầu bị "đào lại" ảnh 18+ và cũng không phải nghệ sĩ nữ duy nhất vấp phải những ý kiến trái chiều. Trong khi đó, một số ngôi sao nam được ủng hộ hoặc thông cảm khi rời vào trường hợp tương tự - dù là lộ ảnh nhạy cảm hay khỏa thân với tuyên bố vì nghệ thuật.

Tháng 1/2011, nam ca sĩ chính của nhóm nhạc Maroon 5 đình đám, Adam Levine, khoe thân hình săn chắc trên tạp chí Cosmopolitan UK (Vương quốc Anh). Anh xuất hiện trần truồng, chỉ mượn tay của bạn gái để che bộ phận sinh dục. Mục đích của bộ ảnh là kêu gọi nâng cao ý thức về ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới.

anh khoa than Hai Tu anh 2

Công chúng dành lời khen về thông điệp tích cực mà Adam Levine truyền tải thông qua bộ ảnh với Cosmopolitan UK. Ảnh: Cosmopolitan UK.

Levine hài hước chia sẻ anh “dành phần lớn cuộc đời trong trạng thái không mảnh vải che thân” và thoải mái với cơ thể mình. Công chúng đón nhận tích cực và xem bộ ảnh như một thông điệp ý nghĩa, củng cố sự tự tin vào cơ thể của nam giới, theo CBS News.

Trái lại, nữ diễn viên Emma Watson lại bị chỉ trích “đạo đức giả” khi chụp ảnh bán khỏa thân trên tạp chí Vanity Fair. Nhiều người cho rằng cô “không còn tư cách nói về bình đẳng giới khi dám khoe ngực trước công chúng”, theo E!.

Ngôi sao Harry Potter phản bác: “Chủ nghĩa nữ quyền nghĩa là trao cho phụ nữ quyền tự do lựa chọn chứ không phải cây gậy tấn công vào những người phụ nữ. Nó chú trọng sự tự do, giải phóng và bình đẳng. Bộ ngực của tôi không liên quan gì”.

Các ý kiến chỉ trích vẫn tiếp diễn. Ở trường hợp khác, các nghệ sĩ nữ vô tình đăng nhầm ảnh khỏa thân lên mạng xã hội và cũng bị phê phán gay gắt. Tiêu biểu là vụ Cardi B đăng nhầm ảnh nhạy cảm lên Instagram rồi bị chê bai thậm tệ. Nhiều bình luận khiếm nhã, miệt thị ngoại hình xuất hiện dưới các bài đăng của nữ rapper.

anh khoa than Hai Tu anh 3

Emma Watson bị chỉ trích vì khoe ngực trong bộ ảnh của tạp chí Vanity Fair. Ảnh: Vanity Fair.

Cùng là vô tình lộ ảnh nhạy cảm và chỉ cách nhau vài tuần vào năm 2020, tài tử Chris Evan lại được thông cảm khi đăng ảnh khỏa thân. Phần lớn cư dân mạng “chữa cháy” giúp nam diễn viên bằng cách bình luận meme trêu chọc, cho rằng đây là một “kỷ niệm dễ thương”, theo Teen Mag.

Cuộc tranh luận về những bức ảnh khỏa thân đến nay vẫn chưa dừng lại, dù trên mạng xã hội hay trong các cuộc tranh luận nghiêm túc về giới. Nhiều người cho rằng đây là cách “vật thể hóa phụ nữ”, “đặt cơ thể phụ nữ vào góc nhìn đàn ông” trong khi số khác xem ảnh khỏa thân là lời tuyên ngôn về quyền tự chủ cơ thể nữ giới.

Đừng chỉ nhìn vào hình ảnh

Petra Collins - nghệ sĩ, người mẫu kiêm giám đốc hình ảnh ở Canada - là một trong những người tiên phong sử dụng ảnh khỏa thân để đấu tranh cho quyền cho phụ nữ. Nghệ sĩ 32 tuổi từng bị Instagram cấm vì đăng ảnh lông ở bộ phận sinh dục nữ hay vết rạn da, những chi tiết vốn bị xem là “không phù hợp”.

Chính điều đó càng khiến Collins quyết liệt khẳng định: “Phụ nữ có quyền được hiện diện với cơ thể thật của họ, không cần chỉnh sửa để chiều lòng ai”. Theo cô, ảnh khỏa thân không phải lời mời gọi tình dục mà là tuyên ngôn nữ quyền.

“Nhiều ảnh khỏa thân ngày nay không được sử dụng đúng cách, nó thường bị tình dục hóa một cách máy móc. Nhưng với tôi, khỏa thân không liên quan gì đến tình dục, phụ nữ trong ảnh của tôi không cần quyến rũ ai”, giám đốc hình ảnh chia sẻ.

anh khoa than Hai Tu anh 4

Petra Collins, nghệ sĩ kiêm giám đốc hình ảnh người Canada, cho rằng nhiều ảnh khỏa thân ngày nay không được sử dụng đúng cách. Ảnh: Vogue.

Theo Collins, ảnh khỏa thân gửi đi thông điệp về một vẻ đẹp không che đậy, là quyền tự chủ bản thân của nữ giới. Thể loại ảnh này cho phép phụ nữ nắm quyền kiểm soát ống kính, ánh sáng và cách họ được nhìn nhận.

Không phải ai cũng đồng tình ảnh khỏa thân là trao quyền. Không ít nhà nữ quyền cho rằng bộ ảnh theo thể loại này củng cố các định kiến giới cũ kỹ. Giám tuyển kiêm sử gia nghệ thuật người Anh Lynda Nead là một trong những ý kiến nổi trội.

Trong tác phẩm The Female Nude: Art, Obscenity and Sexuality (tạm dịch: Phụ nữ khỏa thân - Nghệ thuật, Tục tĩu và Tính dục) của mình, nữ giám tuyển chỉ ra những bức ảnh khỏa thân truyền thống không đơn giản là “gợi cảm” mà còn là công cụ kiểm soát và kỷ luật cơ thể phụ nữ.

Nead phân tích những bức tranh, ảnh phụ nữ khỏa thân ở vài thế kỷ trước là một hình thức “lý tưởng hóa”, gieo vào đầu người xem những đặc điểm cần có ở cơ thể nữ giới. Chính sự mô tả này tạo ra “male gaze” (tạm dịch: ánh nhìn nam giới), khái niệm nữ quyền nhắc đến hiện tượng phụ nữ nhìn nhận và đánh giá cơ thể bản thân theo ánh mắt của đàn ông.

anh khoa than Hai Tu anh 5

Giám tuyển kiêm sử gia nghệ thuật Lynda Nead cho rằng những bức ảnh khỏa thân truyền thống là một công cụ để kỷ luật cơ thể phụ nữ. Ảnh: Alamy.

Nếu hình ảnh khỏa thân chỉ tái hiện khuôn mẫu giới truyền thống, tiếp tục dùng cơ thể phụ nữ phục vụ ánh nhìn nam giới, không đặt người phụ nữ vào vị thế chủ động thì rất dễ rơi vào bẫy “objectification” (tạm dịch: vật thể hóa), tức là biến cơ thể phụ nữ thành đối tượng để giải trí, thỏa mãn.

Ngược lại, khi phụ nữ tự chọn cách khoe cơ thể, lựa chọn bối cảnh và thông điệp, bộ ảnh khỏa thân có thể trở thành công cụ để tuyên bố quyền tự chủ cơ thể, giải phóng họ khỏi các định kiến cũ kỹ, theo Nead.

Còn theo Micol Hebron - nhà hoạt động nữ quyền và phó giáo sư nghệ thuật tại Đại học Chapman (Mỹ) - không ai có quyền kiểm soát hay áp đặt cách phụ nữ thể hiện cơ thể của mình. Tuy vậy, Hebron cũng nhấn mạnh rằng xã hội cần nhận thức rõ những tiêu chuẩn sắc đẹp và ảnh hưởng của ánh nhìn nam giới vốn từ lâu đã định hình cách phụ nữ nhìn nhận giá trị bản thân và cơ thể họ.

Chuyên gia này đồng tình rằng ảnh khỏa thân chỉ thực sự mang ý nghĩa trao quyền khi người phụ nữ được làm chủ hoàn toàn: tự quyết định cách họ xuất hiện, tự lựa chọn thông điệp họ muốn gửi gắm. Ngược lại, khi cơ thể phụ nữ bị khai thác chỉ để thỏa mãn thị hiếu hoặc định kiến, ảnh khỏa thân dễ trở thành công cụ “vật thể hóa” hơn là tác phẩm nghệ thuật.

Vì vậy, để phân biệt ranh giới giữa nghệ thuật và khiêu dâm, hay để đánh giá giá trị của một bức ảnh khỏa thân, chúng ta không thể chỉ nhìn vào hình ảnh bề ngoài. Bối cảnh thực hiện, sự tự nguyện của nhân vật, mục đích sáng tác và cách xã hội đón nhận mới là những yếu tố then chốt. Quan trọng hơn cả, xã hội cần tôn trọng quyền tự do lựa chọn của phụ nữ, bảo vệ họ khỏi bạo lực, miệt thị trên mạng, đồng thời khuyến khích những cuộc đối thoại cởi mở để xóa bỏ định kiến và tạo không gian an toàn, nơi quyền tự chủ cơ thể được tôn trọng đúng nghĩa.

Tự chữa lành nhờ sách tâm lý

Sau chuỗi ngày rối loạn lo âu, mất ngủ, sợ hãi, Đặng Phước Thắng (TP.HCM) tìm đến sách và ngành tâm lý học để chữa lành. Nếu cuốn Sang chấn tâm lý - Hiểu để chữa lành giúp anh hiểu về những tổn thương và chọn cách sống hạnh phúc hơn, Bạn không thông minh lắm đâu và Bạn đã đỡ ngu ngơ hơn rồi đấy là cách tiếp cận tâm lý học hài hước nhưng sâu sắc trong các mối quan hệ thường ngày.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/thay-gi-khi-hai-tu-bi-cong-kich-vi-chup-anh-khoa-than-a249887.html