1.500 tỷ đồng cho 'bộ não' cao tốc

Dự án Trung tâm Quản lý giao thông thông minh quốc gia đặt tại Cục Đường bộ Việt Nam có tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng, sử dụng 100% vốn đầu tư công, được kỳ vọng là “bộ não” của toàn tuyến cao tốc.

Là cú hích về công nghệ, dự án mang theo những kỳ vọng lớn lao đối với việc hiện đại hóa hệ thống điều hành giao thông, song cũng bộc lộ những lo ngại về hạ tầng kỹ thuật, cơ chế vận hành và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Bộ Xây dựng và các đơn vị trực thuộc tập trung triển khai các hệ thống điều hành giao thông thông minh (ITS) tại các tuyến cao tốc trên toàn quốc. Trong năm 2025, dự kiến sẽ có 17 dự án ITS được đưa vào vận hành trên tuyến cao tốc Bắc - Nam.

Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) - Bộ Xây dựng dự định triển khai dự án Trung tâm Quản lý ITS quốc gia, đặt tại trụ sở của Cục, có chức năng quản lý, giám sát toàn bộ hệ thống ITS trên toàn quốc, được coi như “bộ não” của mạng lưới đường cao tốc Việt Nam.

1.500 tỷ đồng cho 'bộ não' cao tốc- Ảnh 1.

Ứng dụng hệ thống ITS tại Trung tâm Điều hành đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Đầu mối kết nối

Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng, sử dụng 100% vốn đầu tư công, dự kiến được triển khai trong giai đoạn 2026-2030. Cục ĐBVN đang báo cáo, đề xuất Bộ Xây dựng chấp thuận chủ trương đầu tư.

Ông Bùi Quang Thái, Cục trưởng Cục ĐBVN, nói: “Chúng tôi đặt mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát tổng thể toàn bộ hệ thống đường cao tốc trên cả nước. Từ đó, Trung tâm sẽ hoạch định và đưa ra các chỉ đạo, điều hành mang tính vĩ mô. Chẳng hạn như xây dựng phương án phòng chống thiên tai lũ lụt hay điều tiết giao thông từ xa, tránh ùn tắc cục bộ…”, ông Thái nói.

Theo ông Bùi Quang Thái, Cục Đường bộ Việt Nam dự định bố trí một khu vực riêng tại Trung tâm Quản lý ITS quốc gia cho phóng viên đến lấy tin tức về giao thông. Cục cũng đặt mục tiêu xây dựng một kênh truyền hình riêng ngay tại Trung tâm, để tăng cường khả năng cập nhật thông tin trong thời gian thực cho các tài xế.

Theo ông Tô Nam Toàn, Trưởng phòng Khoa học công nghệ, môi trường và hợp tác quốc tế (Cục ĐBVN), Trung tâm là sự học hỏi, kế thừa mô hình tương tự ở các nước phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản... “Họ luôn có một trung tâm điều hành ITS cấp quốc gia, làm đầu mối kết nối với các trung tâm thành phần tại địa phương để đảm bảo khả năng điều phối liên tuyến, giám sát xuyên suốt toàn bộ mạng lưới giao thông”, ông Toàn nói.

1.500 tỷ đồng cho 'bộ não' cao tốc- Ảnh 2.

Hệ thống cân tự động - một trong những cải tiến nổi bật mà ITS mang lại cho tuyến cao tốc

Không chỉ kết nối đồng bộ với tất cả hệ thống ITS trên toàn quốc, Trung tâm còn được liên kết với các trung tâm chỉ huy giao thông của Bộ Công an nhằm nâng cao hiệu quả phân tích dữ liệu, điều hành liên tuyến, phản ứng nhanh…

Trung tâm là nơi giải quyết những bài toán giao thông ở tầm quốc gia, nên sẽ phải ứng dụng và liên tục cập nhật các công nghệ hiện đại nhất như xử lý dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI)… Bên cạnh việc nhập khẩu trang thiết bị, Cục ĐBVN sẽ ưu tiên áp dụng các công nghệ và phần mềm của Việt Nam, nhằm đảm bảo tính chủ động trong việc tùy chỉnh, nâng cấp và bảo trì hệ thống khi cần thiết.

Nhân lực chất lượng cao

Ông Tô Nam Toàn đánh giá, những nước phát triển đang áp dụng công nghệ ITS ở các phiên bản 3.0, 4.0; tại Việt Nam, công nghệ ITS đang tiệm cận mức 2.0, vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Điều này đòi hỏi cơ chế đào tạo nhân lực chất lượng cao để đáp ứng sự phát triển của công nghệ, hạ tầng.

Cục ĐBVN đã thành lập một tổ chuyên môn về ITS để đào tạo, tham mưu, xây dựng cơ chế, chính sách, tổ chức vận hành khai thác… Nhân sự của tổ chuyên môn khoảng 50-60 người, gồm đại diện tất cả các phòng, ban của Cục ĐBVN và các Khu Quản lý đường bộ. Chương trình đào tạo được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến qua nền tảng Cisco Webex. Đội ngũ đào tạo quy tụ các giảng viên là chuyên gia ITS giàu kinh nghiệm trong nước và quốc tế.

Ông Nguyễn Viết Huy, Cục Phó Cục ĐBVN, đánh giá, việc bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu về ITS sẽ giúp nâng cao nhận thức, chuẩn hóa đội ngũ triển khai, vận hành hệ thống. Thời gian tới, Cục ĐBVN sẽ tiếp tục tổ chức các đợt tập huấn chuyên sâu, đồng thời xây dựng lộ trình áp dụng ITS phù hợp với điều kiện từng khu vực, gắn với mục tiêu phát triển tổng thể của ngành giao thông vận tải.

TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông, nguyên Giám đốc NXB Giao thông vận tải, cho biết, Bộ Giao thông vận tải trước đây từng vận hành một trung tâm điều độ giao thông, nhưng mọi thông tin, liên lạc chỉ được thực hiện qua điện thoại nên không hiệu quả. Do đó, một trung tâm tích hợp các trang thiết bị, máy móc, công nghệ hiện đại để liên tục cập nhật thông tin sẽ mang đến rất nhiều cải thiện cho giao thông đường bộ.

Để khoản đầu tư công 1.500 tỷ đồng phát huy tối đa hiệu quả, TS Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho Trung tâm Quản lý ITS quốc gia. Theo ông, ITS là lĩnh vực khá phức tạp, đòi hỏi sự tích hợp đồng bộ giữa nhiều phần mềm, thiết bị và giải pháp công nghệ tiên tiến. Vì vậy, đội ngũ vận hành không chỉ cần được đào tạo bài bản, mà còn phải có chuyên môn sâu và khả năng thích ứng linh hoạt với công nghệ mới.

“Việc Cục ĐBVN chủ động tổ chức đào tạo về ITS là một tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, để thu hút và giữ chân nhân lực chất lượng cao, cần có thêm các cơ chế, chính sách cụ thể từ phía Bộ Xây dựng, chẳng hạn chính sách về đãi ngộ, môi trường làm việc, cơ hội phát triển nghề nghiệp…”, TS Thủy nhấn mạnh.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/1500-ty-dong-cho-bo-nao-cao-toc-a250211.html