Nhận biết dấu hiệu trầm cảm ở trẻ

() - Lầm tưởng con mình ở giai đoạn bốc đồng, nhiều phụ huynh đã bỏ lỡ các dấu hiệu mắc trầm cảm của con. Thế nhưng, đằng sau những lần im lặng, thu mình, có thể là tiếng kêu cứu tuyệt vọng của con trẻ.

Chia sẻ với phóng viên , thạc sĩ Phùng Thị Lụa, khoa Phòng khám chất lượng cao - Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 2, không khỏi đau lòng khi nhớ lại các trường hợp trầm cảm được điều trị gần đây. 

Trẻ rạch tay, co giật vì trầm cảm 

Nữ sinh H.H. (15 tuổi, ngụ quận 10) vào viện với triệu chứng co giật, đau bụng, khó thở lâu ngày. Trước đó, H. đã đi khám tại nhiều bệnh viện nhưng vẫn không phát hiện ra bệnh. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, gia đình em được tư vấn chuyển khám chuyên khoa Tâm lý. 

Nhớ lại lần gặp nữ sinh H., thạc sĩ Lụa không thể quên được gương mặt tái xanh vì những cơn đau bụng kéo dài, ánh mắt trầm buồn của cô bé. 

Trong quá trình tư vấn, H. cho hay 8 tháng qua em bị chán ăn, chỉ đi ngủ lúc 1-2h, đau đầu, đau bụng, mất hứng thú với cuộc sống. Nhiều lần, cô bé cáu gắt hoặc khóc lớn không có lý do. Em chỉ thích ở một mình trong phòng kín, từng có suy nghĩ rạch tay để tự tử. 

Tuy nhiên, phải đến 2 tuần gần đây, khi xuất hiện dấu hiệu co giật, gia đình mới đưa H. đi khám. 

“H. là con thứ 2 trong gia đình 3 người con, trong đó, anh lớn bị chậm phát triển trí tuệ, em thứ 3 đang học mẫu giáo. Cha mẹ kỳ vọng em phải học giỏi thay phần của anh hai nên H. luôn cảm thấy thất vọng mỗi khi không được điểm 10.

Cô bé cũng luôn tự áp lực bản thân sau này phải có công việc tốt để lo cho anh và gia đình, lâu dần sinh ra tiêu cực”, thạc sĩ Lụa kể.

Nhận biết dấu hiệu trầm cảm ở trẻ - 1

Việc tự áp lực bản thân khiến nữ sinh stress, lâu dần sinh ra trầm cảm (Ảnh minh họa: iStock).

Một trường hợp tương tự H. là một nữ sinh lớp 9 tại Vũng Tàu. Từ năm lớp 7, cô bé bắt đầu đối mặt với những ngày tháng khó khăn tại trường học. Nữ sinh yêu ca hát, sở hữu giọng hát trong trẻo nhưng mỗi khi cất tiếng hát trong các buổi sinh hoạt lớp, cô lại bị bạn bè chế giễu.

"Hát gì mà dở thế!", "Nghe chói tai quá!" - những lời nói cay nghiệt như mũi dao đâm vào trái tim nhạy cảm của cô bé 14 tuổi. Không chỉ vậy, nữ sinh còn bị chê bai về ngoại hình hay bị mỉa mai về thành tích học tập, dù em luôn cố gắng đạt điểm khá trong lớp.

Sống khép kín và ít bạn bè, nữ sinh trở thành mục tiêu dễ dàng cho những trò bắt nạt bằng lời nói. Những câu đùa ác ý, những ánh mắt giễu cợt trong lớp khiến cô bé ngày càng tự ti. Mỗi ngày đi học là một thử thách, em thường ngồi lặng lẽ ở góc lớp, cố gắng thu mình để không ai chú ý.

Nhưng áp lực không dừng lại. Từ lớp 7 đến lớp 9, những lời nói độc địa ấy như bóng mây đen đeo bám, khiến nữ sinh rơi vào tuyệt vọng. Cô bé bắt đầu tự làm đau bản thân, dùng lưỡi dao rạch lên cổ tay để giải tỏa nỗi đau trong lòng. Những vết sẹo được em giấu kín bằng cách luôn mặc áo dài tay. 

Điều đau lòng hơn cả là cha mẹ cô bé, dù là giáo viên giàu kinh nghiệm, lại không nhận ra những dấu hiệu bất thường của con. Họ bận rộn với công việc, luôn tin rằng con chỉ đang trải qua "giai đoạn nổi loạn" của tuổi teen.

Cô bé từng hy vọng ai đó sẽ nhận ra, sẽ hỏi han nhưng sự vô tư của cha mẹ khiến nữ sinh này cảm thấy mình càng cô đơn hơn.

Một ngày, khi nỗi đau lên đến đỉnh điểm, nữ sinh mới mở lời bảo bố mẹ đưa đi khám. 

"Lúc này, tôi vừa phải điều trị tâm lý cho người con, vừa phải hướng dẫn phụ huynh xử lý vấn đề sao cho triệt để. Sau 2 tháng, tình trạng của bé mới bắt đầu cải thiện và ổn định hơn", thạc sĩ Lụa nhớ lại.

Nhận biết dấu hiệu trầm cảm ở trẻ - 2

Phụ huynh cần có nhận thức đúng về trầm cảm trẻ em để sớm phát hiện và xử lý những bất thường của con trẻ (Ảnh minh họa: iStock).

Nhóm tuổi trẻ đến khám vì trầm cảm 

BSCKII Nguyễn Thanh Sang, Trưởng khoa Phòng khám chất lượng cao - Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết hằng năm, khoa tiếp nhận nhiều bệnh nhi đến khám các triệu chứng trầm cảm. Các trẻ thường có độ tuổi 13-16.

Khi đến khám, trẻ có các biểu hiện như buồn chán, lo lắng, đánh giá bản thân thấp kém, khó ngủ, ngủ ít, hoặc ngủ nhiều, chán ăn, hoặc ăn quá nhiều, không muốn tiếp xúc, mất hứng thú, mất tập trung, học hành sa sút…

Theo ThS Phùng Thị Lụa, trầm cảm là một rối loạn tâm thần, đặc trưng bởi cảm giác buồn bã, tuyệt vọng, thiếu động lực kéo dài trong một thời gian dài. 

Bệnh nhân trầm cảm có thể thấy mất hứng thú với những hoạt động trước đây mà họ yêu thích, cảm thấy lo âu, mệt mỏi hoặc có suy nghĩ tiêu cực về bản thân và cuộc sống.

Các triệu chứng trầm cảm của trẻ em và người lớn hầu như không có nhiều khác biệt.

Dấu hiệu nhận biết trầm cảm ở giai đoạn sớm bao gồm khó ngủ hoặc ngủ nhiều; chán ăn, ăn không ngon miệng hoặc ăn nhiều hơn bình thường; không muốn vận động, nằm trong phòng nhiều, thay đổi thói quen sinh hoạt, giảm chú ý; mệt mỏi, thiếu năng lượng; buồn bã, lo âu hoặc cảm thấy trống rỗng...

Trẻ  dễ khóc, dễ cáu gắt; tự ti vào bản thân, tự làm tổn hại đến cơ thể, suy nghĩ tiêu cực, có ý nghĩ tự tử….

Trẻ mắc trầm cảm có thể do nhiều nguyên nhân như di truyền, bị bạo lực học đường, có xung đột với phụ huynh, chịu nhiều áp lực học tập hoặc trải qua biến cố lớn…

Trầm cảm có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm. Theo thạc sĩ Lụa, phụ huynh cần có nhận thức đúng về bệnh trầm cảm ở trẻ em. Ngay khi nhận thấy trẻ có những dấu hiệu bất thường, phụ huynh nên đưa con đến các cơ sở chuyên khoa Nhi, phòng khám Tâm lý để sớm được thăm khám và điều trị kịp thời.

Trẻ bị trầm cảm không chỉ ảnh hưởng đến tâm trạng mà còn tác động đến sức khỏe thể chất, chất lượng cuộc sống. Trong trường hợp phát hiện muộn, bệnh có thể dẫn đến tình trạng nặng hơn, thời gian điều trị lâu hơn, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và các mối quan hệ xã hội của trẻ.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/nhan-biet-dau-hieu-tram-cam-o-tre-a250356.html