Tiến sĩ đi làm shipper gây tranh cãi ở Trung Quốc

Ding Yuanzhao từng học tại Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) và Oxford (Anh) nay làm shipper, khiến dân mạng tranh cãi về giá trị bằng cấp trong thị trường lao động khó khăn.

Ding Yuanzhao, 39 tuổi, từng theo học Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh (Trung Quốc), Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) và Đại học Oxford (Anh) trước khi làm shipper. Ảnh: Weibo.

Một người đàn ông đã được mệnh danh ‘shipper học vấn cao nhất Trung Quốc’ do lấy bằng từ một số trường đại học danh tiếng toàn cầu như Thanh Hoa, Bắc Kinh, Oxford.

Câu chuyện về Ding Yuanzhao, 39 tuổi, làm dấy lên tranh luận dữ dội xoay quanh giá trị của bằng cấp học thuật trong bối cảnh thị trường việc làm đầy thử thách, theo 163.com

Ding, quê ở Phúc Kiến (Trung Quốc), tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia Trung Quốc (gaokao) vào năm 2004. Anh đỗ vào Đại học Thanh Hoa với số điểm gần 700/750. Sau khi tốt nghiệp cử nhân Hóa học, Ding học tiếp ở Đại học Bắc Kinh để lấy bằng thạc sĩ Kỹ thuật năng lượng.

Sau đó anh nhận bằng tiến sĩ Sinh học từ Đại học Công nghệ Nanyang, một trường hàng đầu ở Singapore. Cuối cùng, Ding lấy bằng thạc sĩ về đa dạng sinh học từ Đại học Oxford ở Anh.

Trước khi làm người giao đồ ăn, anh làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS). Song mọi việc thay đổi khi hợp đồng của anh kết thúc vào tháng 3/2024.

Mặc dù gửi nhiều hồ sơ xin việc và tham gia hơn 10 vòng phỏng vấn, tiến sĩ ngành Sinh học vẫn không thể tìm được công việc phù hợp. Kết quả, Ding đăng ký làm shipper giao đồ ăn ở Singapore, kiếm khoảng 550 USD/tuần và phải làm việc 10 tiếng/ngày.

"Đó là công việc ổn định. Tôi có thể nuôi gia đình với thu nhập này. Nếu làm việc chăm chỉ, bạn có thể sống khá. Một lợi thế của việc giao đồ ăn là bạn có thể tập thể dục cùng lúc", Ding chia sẻ trên mạng xã hội.

tien si di chay grab anh 1

Ding khoe một trong những tấm bằng của mình trong khi mặc trang phục shipper giao đồ ăn. Ảnh: Douyin.

Tiến sĩ bày tỏ anh chọn không làm gia sư riêng cho học sinh vì cảm thấy ‘quá ngại để tự tìm học sinh'. Vài tháng sau, anh quay lại Trung Quốc, tiếp tục làm shipper giao đồ ăn ở Bắc Kinh.

Gần đây, anh thu hút sự chú ý đáng kể trên mạng sau khi đăng video khích lệ các thí sinh vừa hoàn thành kỳ thi gaokao.

"Nếu bạn chưa đạt kết quả tốt, đừng bi quan hay nản chí. Nếu bạn làm tốt, hãy nhớ rằng công việc của hầu hết mọi người không tạo ra khác biệt lớn trong bức tranh tổng thể", "shipper có học vấn cao nhất Trung Quốc" khuyên.

Câu chuyện của Ding gây tranh cãi dữ dội trên mạng xã hội. "Vậy học để làm gì?", một người viết. "Anh ấy học rất nhiều nhưng vẫn kết thúc bằng việc giao đồ ăn", người khác đồng tình.

"Không có gì sai với quyết định của anh ấy. Ít nhất anh ấy không bỏ cuộc trong thời điểm khó khăn nhất của cuộc đời", không ít người ủng hộ quyết định của shipper 39 tuổi.

Khoảng 13 triệu học sinh đã tham dự kỳ thi gaokao ở Trung Quốc mỗi năm. Thị trường việc làm ở "xứ sở tỷ dân" gần đây chịu áp lực đáng kể, với tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên, bao gồm những người từ 16 đến 24 tuổi ở khu vực thành thị (không tính học sinh), đứng ở mức 14,9% vào tháng 5, theo Cục Thống kê Trung Quốc.

Đừng làm việc quá sức

Theo tác giả James Suzman, Đông Á được coi là khu vực đang phải chịu hậu quả nặng nề từ thực trạng nhân viên làm việc quá sức. Những con số đáng báo động về "văn hóa 996" ở Trung Quốc, hiện tượng "karoshi" (làm việc đến chết) tại Nhật Bản... được đề cập trong cuốn sách Lịch sử việc làm khiến chúng ta phải giật mình.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/tien-si-di-lam-shipper-gay-tranh-cai-o-trung-quoc-a250491.html