Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot - Ảnh: REUTERS
Sau hơn hai năm chiến tranh, bầu trời Ukraine tới nay vẫn liên tục đón nhận hiểm họa từ hàng trăm tên lửa và drone xuất phát từ Nga.
Giữa cuộc chiến ngày càng khốc liệt, một cái tên nổi bật lên như "tấm khiên" sống còn, "biểu tượng của cam kết và ủng hộ chính trị" từ đồng minh phương Tây dành cho Kiev, đó là hệ thống phòng không Patriot.
Vũ khí hàng đầu
Theo Hãng tin Reuters, hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot (Phased Array Tracking Radar to Intercept On Target) là một trong những lá chắn phòng không tinh vi nhất thế giới, được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và máy bay chiến đấu.
Theo Reuters, tháng 6-2024, Tổng thống Zelensky đã tới một khu vực huấn luyện quân sự tại Đức để tìm hiểu quá trình huấn luyện binh lính sử dụng hệ thống tên lửa phòng không Patriot - Ảnh: REUTERS
Niềm tin liên minh?
Trong bối cảnh Matxcơva tăng cường tấn công, Kiev "tha thiết" gửi đi lời kêu gọi đồng minh Mỹ và phương Tây viện trợ "lá chắn" mới này.
Với Ukraine, Patriot không chỉ là công nghệ quân sự, mà còn là biểu tượng của cam kết và sự ủng hộ chính trị từ phương Tây. Sở hữu thêm Patriot đồng nghĩa với việc Ukraine có thể tăng năng lực phòng thủ, tiến gần hơn tới chiếc ô an ninh của NATO và Mỹ - hai đối tác được xem là then chốt trong cuộc chiến chống Nga.
Sau nhiều tháng vận động của ông Zelensky, ngày 4-7 Thủ tướng Đức Friedrich Merz đã điện đàm với ông Trump, thảo luận đề xuất nước này muốn mua các hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine.
Thậm chí mới đây, ngày 9-7, trang Axios (Mỹ) đưa tin Tổng thống Trump đã bày tỏ sự "thất vọng" về ông Putin, đồng thời cam kết gửi thêm 10 Patriot dù trước đó Lầu Năm Góc tạm dừng việc chuyển giao đạn dược cho Kiev.
Theo ông Mark F. Cancian - cựu đại tá thủy quân lục chiến Mỹ: "Việc gửi hệ thống Patriot đến Ukraine không chỉ là tăng cường khả năng phòng thủ, mà còn là một tuyên bố chính trị rõ ràng về cam kết của Mỹ đối với Ukraine".
Đồng tình với quan điểm trên, ông Tom Karako - giám đốc dự án Phòng thủ tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) - nhận định: "Hơn cả một loại tên lửa đánh chặn, Patriot là biểu tượng cao nhất cho cam kết mà Mỹ và các đồng minh đã tuyên bố".
Ngoài ra, theo phân tích của truyền thông Mỹ, việc Nhà Trắng cân nhắc chuyển giao thêm Patriot không chỉ nhằm hỗ trợ chiến thuật, mà còn là quyết định mang tính chiến lược nhằm kìm hãm sức ép chính trị từ Nga.
Tuy nhiên không phải muốn là được, hiện Mỹ và các đồng minh NATO cũng lo ngại việc hỗ trợ Ukraine quá nhiều sẽ đẩy họ vào tình thế không kịp sản xuất đạn dược để bù đắp tiêu hao.
Một cố vấn của ông Trump chia sẻ với Axios: "Tên lửa Patriot không giống như hàng ở Walmart mà chọn 10 quả trên kệ rồi mang về nhà".
Song song đó, các hệ thống này cần được bảo trì thường xuyên và đào tạo kỹ lưỡng để vận hành - một thách thức lớn khi chiến sự còn kéo dài và kho tên lửa đánh chặn toàn cầu đang dần cạn kiệt.
Đặc biệt, một mối đe dọa khác trong cuộc chiến này buộc các đồng minh Ukraine phải phản ứng nhanh chóng, đó là "chu trình thích nghi liên tục" của Nga.
"Đối phương đang không ngừng rút kinh nghiệm từ trận chiến với các hệ thống phòng thủ phương Tây, trong đó có Patriot. Nguy hiểm hơn hết, họ đang nhanh chóng điều chỉnh chiến thuật để vượt qua các lá chắn của chúng ta" - sĩ quan cấp cao Sanjeev Jay Siva đưa ra cảnh báo.
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/he-thong-patriot-la-chan-song-con-cua-ukraine-a251274.html