Samsung sắp được cứu khỏi khủng hoảng: Sau hơn 110 lần hầu tòa, bị giới hạn cả các chuyến công tác nước ngoài, Chủ tịch Lee Jae-yong sắp được ‘cởi trói’

10 năm căng não của Chủ tịch Samsung có thể sắp kết thúc.

Tờ KoreaTimes đưa tin, cuộc chiến pháp lý của Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong – liên quan đến thương vụ sáp nhập gây tranh cãi giữa Samsung C&T và Cheil Industries có khả năng sẽ đi đến hồi kết trong tuần này. Nếu mọi chuyện suôn sẻ, đây sẽ là thời khắc khép lại chương pháp lý vốn đã đè nặng lên vị doanh nhân quyền lực nhất Hàn Quốc trong suốt một thập kỷ qua.

Tòa án Tối cao Hàn Quốc dự kiến sẽ ra phán quyết cuối cùng vào lúc 11 giờ sáng thứ năm, liên quan đến các cáo buộc ông Lee dính líu đến giao dịch không công bằng, thao túng giá cổ phiếu và gian lận kế toán trong thương vụ sáp nhập năm 2015.

Phán quyết này trùng đúng vào thời điểm kỷ niệm 10 năm kể từ khi kế hoạch sáp nhập giữa Samsung C&T và Cheil Industries được thông qua trong cuộc họp cổ đông của Samsung C&T vào ngày 17/7/2015.

Ông Lee bị truy tố vào tháng 9/2020 với cáo buộc tham gia vào một kế hoạch do Văn phòng Chiến lược Tương lai (đã giải thể) của Samsung dàn dựng nhằm giành quyền kiểm soát tập đoàn với chi phí tối thiểu thông qua thương vụ sáp nhập.

Vào tháng 2 năm ngoái, Tòa án Quận Trung tâm Seoul đã tuyên bố ông Lee vô tội với tất cả 19 cáo buộc, và Tòa án Phúc thẩm Seoul cũng giữ nguyên phán quyết này vào tháng 2 năm nay.

Thương vụ sáp nhập này từng gây tranh cãi gay gắt ngay cả trước khi ông Lee bị truy tố, khi vấp phải đơn kiến nghị của quỹ đầu tư Elliott Management và cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt, cáo buộc thương vụ có liên quan đến bê bối lạm dụng quyền lực của cựu Tổng thống Park Geun-hye.

Kể từ khi bị truy tố, ông Lee đã phải tham dự hơn 110 phiên tòa, tiêu tốn rất nhiều thời gian và năng lượng để xử lý các rủi ro pháp lý – đến mức giới hạn cả các chuyến công tác nước ngoài.

Nay khi cả hai cấp tòa đều tuyên trắng án với tất cả 19 cáo buộc, giới kinh doanh kỳ vọng ông Lee sẽ thoát khỏi các rủi ro pháp lý nghiêm trọng nhất và có thể toàn tâm toàn ý cho vai trò lãnh đạo tại Samsung Electronics.

Điều này là rất quan trọng trong bối cảnh Samsung Electronics hiện đang đối mặt với khủng hoảng lợi nhuận do sự suy thoái kéo dài trong mảng kinh doanh bán dẫn.

Tuần trước, công ty ước tính lợi nhuận hoạt động quý II/2025 chỉ đạt 4,6 nghìn tỷ won (3,33 tỷ USD) – giảm 56% so với cùng kỳ năm trước, và thấp hơn nhiều so với dự báo trung bình 6,3 nghìn tỷ won của các công ty chứng khoán.

Samsung sắp được cứu khỏi khủng hoảng: Sau hơn 110 lần hầu tòa, bị giới hạn cả các chuyến công tác nước ngoài, Chủ tịch Lee Jae-yong sắp được ‘cởi trói’- Ảnh 1.

Bộ phận Bán dẫn (Device Solutions Division) của hãng đã mất vị thế dẫn đầu công nghệ trong lĩnh vực chip AI, khiến lợi nhuận hoạt động sụt giảm mạnh. Các nhà phân tích cho rằng bộ phận này chỉ đạt lợi nhuận 400 tỷ won, so với 6,45 nghìn tỷ won cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, công ty còn đối mặt với tranh chấp lao động leo thang và sự bất định từ các chính sách thuế và trợ cấp của Mỹ, khiến giới chuyên gia cho rằng Samsung đang rơi vào khủng hoảng toàn diện trên nhiều mặt trận.

Tuy nhiên, thời điểm này, dường nhưu ông Lee lại ưu tiên sự ổn định hơn là cải tổ mạnh mẽ.

Cuối năm ngoái, khi các dấu hiệu suy giảm kinh doanh bắt đầu xuất hiện, ông đã tiến hành bổ nhiệm nhân sự theo hướng duy trì liên tục thay vì thay đổi mạnh, khiến nhiều người suy đoán rằng các quyết định này bị ảnh hưởng bởi rủi ro pháp lý đang diễn ra.

Kể từ sau khi được tuyên trắng án tại tòa phúc thẩm hồi tháng 2, Samsung đã thực hiện các khoản đầu tư lớn, chẳng hạn mua lại bộ phận âm thanh của Masimo và mới đây là startup chăm sóc sức khỏe Xealth của Mỹ, tuy nhiên vẫn chưa có thương vụ nào mang tính bước ngoặt.

Hiện tại, ông Lee đang tham dự Hội nghị Sun Valley do Allen & Company tổ chức tại Idaho, Mỹ (từ 9–13/7, theo giờ địa phương). Đây là sự kiện thượng đỉnh của giới công nghệ và tài chính toàn cầu, quy tụ các lãnh đạo như CEO Apple Tim Cook, CEO GM Mary Barra, CEO OpenAI Sam Altman, CEO Disney Bob Iger và đồng CEO Netflix Ted Sarandos.

Sự hiện diện của ông Lee tại hội nghị này thu hút sự quan tâm về những bước đi tiếp theo của Samsung, bởi đây thường là nơi nhiều mối quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu được hình thành. Năm 2014, tại Sun Valley, ông Lee từng gặp Tim Cook và sau đó Samsung – Apple rút các vụ kiện bản quyền smartphone bên ngoài nước Mỹ.

Hiện có nhiều đồn đoán rằng ông Lee sẽ trở lại hội đồng quản trị Samsung Electronics, cho phép ông đóng vai trò chính thức hơn trong việc điều hành công ty và chịu trách nhiệm cao hơn về chiến lược.

Một phương án cải tổ khác cũng đang được nhắc đến là tái lập “tháp điều phối trung tâm” cho toàn bộ Tập đoàn Samsung – nhằm điều phối hoạt động của các công ty con và gia tăng hiệu quả tổng thể.

Tuy nhiên, một quan chức trong tập đoàn cho biết: “Kể từ sau khi Văn phòng Chiến lược Tương lai bị giải thể do liên quan đến bê bối của cựu Tổng thống Park, việc tái lập một cơ quan điều phối trung tâm sẽ là gánh nặng nếu các rủi ro pháp lý vẫn còn tồn tại”.

“Dù tái lập cơ quan điều phối hay trở lại hội đồng quản trị đều là những giải pháp quan trọng để tái cơ cấu Samsung, nhưng chúng chỉ khả thi nếu mọi vấn đề pháp lý được giải quyết hoàn toàn”.

Theo: KoreaTimes

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/samsung-sap-duoc-cuu-khoi-khung-hoang-sau-hon-110-lan-hau-toa-bi-gioi-han-ca-cac-chuyen-cong-tac-nuoc-ngoai-chu-tich-lee-jae-yong-sap-duoc-coi-troi-a252301.html