Ngày 12-7, Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 20 về các nhiệm vụ cấp bách nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Chỉ thị yêu cầu Hà Nội triển khai các giải pháp để từ ngày 1-7-2026 cấm xe máy chạy xăng lưu thông trong khu vực Vành đai 1.

Hà Nội dự kiến cấm xe máy chạy xăng trong Vành đai 1 từ tháng 7- 2026
Tuyến Vành đai 1 là trục chính đô thị kết nối từ Đông sang Tây, đi qua khu vực trung tâm của Hà Nội. Phạm vi của tuyến đường sẽ chạy qua địa bàn các quận cũ là Cầu Giấy, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa.
TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia, cho rằng quy định cấm xe máy xăng vào khu vực Vành đai 1 thể hiện quyết tâm của nhà nước trong việc giải quyết dứt điểm và nhanh chóng các vấn đề liên quan đến môi trường, sinh thái, nhằm bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Chương trình này hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển bền vững.
Theo TS Khương Kim Tạo, vấn đề hiện nay không còn là có làm hay không, mà là làm như thế nào cho hiệu quả. Cần bàn đến các giải pháp cụ thể để triển khai tốt chỉ đạo của Thủ tướng, đặc biệt là trong việc thay thế xe máy xăng bằng xe máy điện.

Hà Nội hiện có hàng triệu xe máy chạy xăng lưu thông hàng ngày
Cấm xe máy chạy xăng: Yếu tố quyết định là sự đồng thuận của nhân dân
TS Khương Kim Tạo cho rằng muốn giải quyết được, phải có bản lĩnh và xác định rõ trách nhiệm. Các bộ, ngành, cơ quan liên quan phải rà soát những công việc, nội dung có liên quan đến quá trình chuyển đổi này để chủ động vào cuộc. Tùy theo trách nhiệm và năng lực, mỗi đơn vị cần nghiên cứu, tổng hợp và đề xuất các giải pháp hỗ trợ phù hợp.
Ví dụ là khả năng cung ứng phương tiện chạy điện. Cần làm rõ năng lực sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe điện ra sao, giá thế nào, chất lượng có đảm bảo hay không. Xe phải có độ tin cậy cao, ít xảy ra sự cố, hoặc nếu có thì chỉ là lỗi nhỏ, không ảnh hưởng đến an toàn vận hành.
Một yếu tố nữa là kiểm soát chất lượng phương tiện. Cuối cùng, yếu tố quyết định là sự đồng thuận của nhân dân. Nếu người dân chưa sẵn sàng thì chúng ta phải làm tốt công tác tuyên truyền, giải thích rõ ý nghĩa của chương trình để họ ủng hộ. "Khi người dân đã tích cực tham gia, nếu được nhà nước hỗ trợ thêm về tài chính, ví dụ có thể xem xét hỗ trợ 30-50% chi phí mua xe điện thì hiệu quả thực hiện sẽ thuận lợi hơn rất nhiều" - ông Tạo nói.
Theo PGS-TS Vũ Thanh Ca, giảng viên cao cấp ĐH Tài nguyên và môi trường Hà Nội, để cấm xe máy hay ô tô xăng thì trước hết Hà Nội và các đô thị lớn cần khẩn trương xây dựng và vận hành hệ thống giao thông công cộng, đặc biệt là hệ thống đường sắt đô thị.
Nhìn nhận thành phố ít xe máy thì rất văn minh, nhưng PGS Vũ Thanh Ca nêu vấn đề: Ít xe máy thì dân Hà Nội đi lại bằng gì khi hệ thống giao thông công cộng còn hạn chế như hiện nay? "Cho dù có tiền mua xe máy điện thì sẽ sạc ở đâu? Đấy là chưa kể an toàn cháy nổ. Đó là những câu hỏi cần lời giải" - ông nói.
Theo PGS Vũ Thanh Ca, việc cấm/hạn chế phương tiện cá nhân chỉ nên thực hiện từng bước cùng với hệ thống giao thông công cộng hiệu quả. Đối với xe máy chạy xăng, nên kiểm định khí thải nghiêm ngặt càng sớm càng tốt và loại bỏ những xe cũ, không đạt chuẩn. Việc kiểm định khí thải sẽ giúp giảm thiểu ô nhiễm không khí mà vẫn đảm bảo sinh kế của người dân, hạn chế tác động kinh tế - xã hội.
Người dân sống trong Vành đai 1 Hà Nội nói gì về cấm xe máy chạy xăng?
Anh Lê Quốc Hiếu ở phường Hoàn Kiếm, người đã chuyển sang sử dụng xe máy điện từ năm 2024, cho rằng chính sách này sẽ thúc đẩy nhiều người dân thay đổi thói quen, nhưng cần đi kèm với cơ chế hỗ trợ cụ thể.
"Muốn người dân bỏ xe xăng thì phải khiến xe điện trở thành lựa chọn dễ tiếp cận. Nếu giá xe điện vẫn cao, pin yếu, sạc bất tiện thì rất khó thuyết phục. Thành phố cần có chính sách ưu đãi tài chính, đồng thời phát triển trạm sạc công cộng ở các khu dân cư"- anh Hiếu nói thêm.

Ông Nguyễn Kim Sơn: "Tôi nhất trí, ủng hộ với chủ trương cấm xe máy chạy xăng nhưng TP Hà Nội cần có chính sách hỗ trợ tài chính cụ thể như thế nào để người dân chuyển đổi phương tiện"
Ông Nguyễn Kim Sơn, 69 tuổi, sống ở đường Đội Cấn, phường Ngọc Hà mới (phường Liễu Giai, quận Ba Bình cũ), cho biết theo quy hoạch, gia đình nhà ông nằm trọn trong khu vực vùng lõi của tuyến Vành đai 1 Hà Nội và gia đình ông hiện có 3 xe máy chạy xăng. Suốt 40 năm qua, ông Sơn mưu sinh bằng nghề chạy xe ôm trên phố Đội Cấn.
Theo ông Sơn, bản thân ông và gia đình đang dùng xe chạy bằng xăng, giờ chủ trương của Nhà nước là phải chuyển sang xe chạy bằng điện, ông hoàn toàn nhất trí, ủng hộ. "Nhưng TP Hà Nội cần có chính sách hỗ trợ tài chính cụ thể như thế nào để người dân chuyển đổi phương tiện bởi cả thành phố này có hàng triệu xe máy chạy xăng" - ông Sơn nói.
Cùng với đó, theo ông Sơn, việc chuyển đổi từ xe máy chạy xăng sang xe máy điện phải có lộ trình, phải đánh giá tác động đến những người dân sinh sống, làm việc trong khu vực Vành đai 1 bị ảnh hưởng.