Khi app hẹn hò thành 'chiến trường' của phụ huynh Trung Quốc

Khi ngày càng nhiều người trẻ Trung Quốc trì hoãn hôn nhân, một thế hệ ứng dụng hẹn hò mới nổi lên - nhưng lần này, người sử dụng chính là các bậc phụ huynh.

Với các nền tảng hẹn hò kiểu mới, phụ huynh Trung Quốc có thể lọc hồ sơ, chọn đối tượng tiềm năng, và bắt đầu các cuộc kết nối với gia đình đối phương, trước cả khi con cái họ biết đến.

Hồ sơ mai mối xuất hiện mỗi sáng

Trên một ứng dụng hẹn hò nhưng được thiết kế dành riêng cho phụ huynh của các cô dâu chú rể tương lai, một hồ sơ viết: “Con gái, sinh năm 1994. Tốt nghiệp cao đẳng, đang làm việc tại một công ty xây dựng. Thu nhập hàng năm: 50.000-100.000 nhân dân tệ (7.000–14.000 USD). Cao 1m70. Tốt bụng, hào phóng, điềm đạm. Mong tìm được người đồng điệu. Nếu con bạn phù hợp, xin hãy liên hệ".

Những dòng cuối cùng thể hiện đúng bản chất của các nền tảng hẹn hò thế hệ mới ở Trung Quốc: tập trung vào cha mẹ những người độc thân, chứ không phải bản thân họ.

Các ứng dụng như Perfect In-Laws (Thông gia hoàn hảo) hay Family Match (Kết duyên gia đình) được thiết kế riêng cho các phụ huynh với đặc điểm phù hợp người ở độ tuổi trung niên: phông chữ lớn, giao diện đơn giản, bộ lọc dựa trên học vấn, thu nhập, tài sản sở hữu và hộ khẩu.

Một số còn cung cấp dịch vụ ngoại tuyến như phỏng vấn qua điện thoại hoặc mai mối chuyên nghiệp để hỗ trợ cha mẹ đánh giá đối tượng bên kia.

Khi app hẹn hò thành 'chiến trường' của phụ huynh Trung Quốc- Ảnh 1.

Giao diện một ứng dụng tìm kiếm ứng viên con dâu, con rể tương lai.

Khi giới trẻ trì hoãn, cha mẹ sốt ruột

Tỉ lệ kết hôn ở Trung Quốc tiếp tục giảm, khiến nhiều bậc phụ huynh cảm thấy cần phải "nhúng tay". Động cơ của họ xuất phát từ những kỳ vọng truyền thống, lo lắng về nguyện vọng nối dõi và niềm tin rằng con cái quá bận rộn - hoặc quá thụ động - để tự tìm người yêu.

Theo Huang Yixuan, người sáng lập công ty mai mối Jinsheng Youxing ở Thành Đô, từ năm 2019 đến 2024, cha mẹ đã trở thành nhóm khách hàng chiếm đa số của công ty này. Hiện nhóm này chiếm 65% số khách hàng.

Huang nói: “Nhiều phụ huynh có con độc nhất trong độ tuổi 28–38 thường lo lắng hơn cả con mình”. Ban đầu công ty bà chỉ phục vụ người độc thân, nhưng giờ đã mở thêm nền tảng riêng cho phụ huynh.

Giá trị thị trường hẹn hò trực tuyến của Trung Quốc đã tăng từ 373 triệu USD năm 2014 lên 1,3 tỷ USD vào năm 2023. Và xu hướng “cha mẹ chủ động, con cái tiếp nhận sau” đang định hình cách mai mối mới.

Các chuyên gia cho rằng đây không phải trở lại thời hôn nhân sắp đặt, mà là một quy trình trong đó phụ huynh “dọn đường” trước, còn quyết định cuối cùng vẫn nằm ở con cái. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng khi con cái tham gia thì phần lớn đã an bài.

Khi app hẹn hò thành 'chiến trường' của phụ huynh Trung Quốc- Ảnh 2.

Phụ huynh Trung Quốc cầm hồ sơ thông tin về con tại công viên Thượng Hải.

Mai mối qua đại diện

Nancy Xu, 27 tuổi, ở tỉnh Quảng Đông, chỉ biết cha mẹ đã đăng ký hồ sơ cho mình khi nhận được một loạt ảnh hồ sơ qua WeChat kèm lời nhắn: “Rảnh thì xem nhé".

Choáng váng, cô đăng bài trên mạng xã hội: “Bạn sẽ không tin cha mẹ bây giờ thay mình tham gia hẹn hò ở mức nào đâu”. Bài viết nhanh chóng thu hút sự chú ý.

“Cha mẹ lọc trước, rồi mới báo cho con”, Xu giải thích. Cha mẹ cô sử dụng ứng dụng Chengjia Xiangqin (Kết duyên gia đình). Gần như mỗi ngày, cha mẹ lại gửi cô một ứng viên mới. Nếu cô trò chuyện ngắn gọn với đối tượng, cha mẹ phàn nàn cô không nghiêm túc. Khi Xu gửi lại ảnh chụp màn hình để chứng minh, cha mẹ bảo tin nhắn của cô “cụt lủn”, so với các cuộc trao đổi thân tình giữa hai bên phụ huynh.

“ Càng thúc ép, tôi càng thấy mệt mỏi”, cô nói.

Tuy vậy, Xu cũng thừa nhận: “Lựa chọn của cha mẹ thường có điều kiện vật chất tốt hơn”. Khi cha mẹ chọn, họ ưu tiên học vấn, gia thế – những điều mà giới trẻ như cô không coi trọng bằng ngoại hình.

Trực tiếp hay trực tuyến, cha mẹ vẫn sốt sắng

Tại góc mai mối công viên Nhân dân ở Thượng Hải, vào một cuối tuần tháng 5, hàng chục phụ huynh lật giở những cuốn hồ sơ nhựa chứa ảnh và thông tin cá nhân. Trong số 17 người được phỏng vấn, chỉ ba người từng dùng ứng dụng.

Một bà mẹ nói: “Không tin được hồ sơ trên mạng. Phí thì cao, mà chẳng ai theo đuổi tới cùng”. Phần lớn họ vẫn thích gặp mặt trực tiếp - vừa rõ ràng, vừa nghiêm túc.

Một số đang dần thử nghiệm công cụ mới. Bà Li Dengyun, 52 tuổi ở An Huy, dành cả năm qua tìm bạn đời cho con gái. “Nó đã 26 tuổi rồi. Tôi bắt đầu lo”, bà nói. Ban đầu bà nhờ người quen giới thiệu, nhưng sau khi không còn ai phù hợp, bạn bè giới thiệu cho bà ứng dụng Family Match.

Dù bị thu hút bởi những đối tượng có học vấn, công việc và xuất thân rõ ràng, bà Li vẫn lo bị lừa đảo. Cuối cùng bà đăng hồ sơ con lên nhưng không chủ động liên lạc - như một bước thử thăm dò.

Khi app hẹn hò thành 'chiến trường' của phụ huynh Trung Quốc- Ảnh 3.

Giao diện một ứng dụng mai mối khác dành cho phụ huynh.

Mai mối bằng "chỉ đỏ kỹ thuật số"

Trên ứng dụng Hongxian Qinjia (Gia đình chỉ đỏ), do công ty Huang phát triển, cha mẹ bắt đầu bằng việc điền thông tin chi tiết về mình và con. Hệ thống sau đó lên lịch phỏng vấn qua điện thoại, mời xác minh danh tính, rồi gợi ý 20 hồ sơ mỗi ngày.

Ứng dụng còn có gói “Siêu đề xuất” với giá từ 98 nhân dân tệ (5 lần) đến 168 tệ (10 lần). Gói thành viên thường niên 365 tệ cung cấp thêm nhiều tiện ích: thêm 20 hồ sơ/ngày, cho gửi tới 1.000 tin nhắn, và kết nối không giới hạn.

“Sau khi hiểu rõ dịch vụ, cha mẹ chủ động hơn nhiều”, Huang nói. Một cặp đôi từng cưới sau 35 ngày gặp mặt, một cặp khác thì thành đôi sau 41 ngày. Cả hai có nền tảng rất tương đồng: học vấn, nghề nghiệp, thu nhập, thậm chí cùng quê.

“Ở thị trường hôn nhân Trung Quốc, nguyên tắc ‘môn đăng hộ đối’ vẫn rất quan trọng”, bà nhấn mạnh.

Một thế giới số tách biệt

Theo nhà xã hội học Du Shichao từ Đại học Phúc Đán, đây là bước tiến mới trong hành trình dài của mai mối Trung Quốc: từ sắp đặt truyền thống, đến giới thiệu trực tiếp, giờ là kết nối trực tuyến.

Không như các app hẹn hò dành cho người trẻ, các nền tảng này hoạt động như dịch vụ chuyên biệt. Phụ huynh đăng thông tin, chat qua trung gian, duyệt có chọn lọc, và xem đây như một cuộc đàm phán hơn là hẹn hò.

Ông nói: “ Đó là hai thế giới kỹ thuật số tách biệt. Tôi nghĩ cha mẹ làm vậy cũng để giải trí".

Dù vậy, Du thừa nhận, quyết định cuối cùng vẫn thuộc về con cái — nhưng điều đó không đồng nghĩa họ không chịu áp lực.

Như trong câu chuyện của Xu. Gần đây, cô chia tay bạn trai vì cha mẹ cho rằng gia đình anh “không phù hợp”. Khi họ bảo cô “kiếm người mới ngay đi”, Xu phản pháo: “Sao bố mẹ không chọn giùm rồi gọi con ký giấy kết hôn luôn?”

Bây giờ, cha mẹ đe dọa ngưng chu cấp tài chính nếu cô không hợp tác. “ Tôi chưa thể tự lập nên chưa dám phản kháng. Khi nào tôi kiếm ra tiền, tôi sẽ không phải nhân nhượng nữa”, Xu nói.

Cô vẫn sẵn lòng nghe lời khuyên — nếu được hỏi ý kiến. Xu nói: “Tôi không phản đối cha mẹ giúp. Tôi chỉ không chấp nhận việc bị xem như người không biết suy nghĩ".

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/khi-app-hen-ho-thanh-chien-truong-cua-phu-huynh-trung-quoc-a253349.html