Chuyến thám hiểm Alaska mang lại nhiều trải nghiệm vô giá cho nữ luật sư từ TP.HCM - Ảnh: NVCC
Thanh Nhã và nhà leo núi Aili Farquhar trên sườn núi Denali - Ảnh: Holly Mackin
Hành trình leo núi ở Alaska bắt đầu từ Trại căn cứ (Base camp) độ cao 2.195m trên cao nguyên bốn bề tuyết phủ trắng xóa. Đi cùng Thanh Nhã là hai nữ huấn luyện viên/hướng dẫn viên chuyên nghiệp là chị Aili Farquhar (44 tuổi, leo Denali từ năm 2011 và có 15 lần chinh phục đỉnh núi thành công) và cô Holly Mackin (28 tuổi), đều thuộc đơn vị Mountain Trip có gần 50 năm tổ chức thám hiểm Denali.
"Điểm khác biệt và thử thách lớn nhất so với các chuyến leo núi khác như Everest, Kilimanjaro, Aconcagua… là bạn phải đủ sức tự mình khuân vác balô và kéo xe trượt đựng toàn bộ đồ đạc chứ không được thuê ai mang giúp.
Như tôi đã tự mang tổng cộng 51kg hành lý được cân đo cẩn thận. Kế nữa là Denali rất thách thức về mặt say độ cao do không khí loãng cùng cái lạnh cực độ của vùng cực bán cầu. Tôi nếm trải ngay kiểu thời tiết bất thường, nhiệt độ thay đổi "trở mặt hơn người yêu cũ" ở Alaska khi đang 20oC nắng chói chang chỉ cần một đám mây sà xuống là lạnh dưới 0oC ngay, kèm gió thổi rét buốt thấu xương" - Thanh Nhã kể.
Ngoài ra người leo núi Denali phải tuân thủ luật bảo vệ môi trường tuyệt đối và cực kỳ nghiêm ngặt. Tất cả loại rác, bao bì, đồ đã dùng… đều phải mang xuống núi toàn bộ. Kể cả mọi chất thải vệ sinh cá nhân phải đựng trong can chuyên dụng suốt chuyến đi chứ không bừa bãi.
Nhóm thám hiểm Thanh Nhã gom dọn rác, bảo vệ môi trường núi - Ảnh: Holly Mackin
21 ngày thám hiểm khốc liệt
Tại phòng tập tư gia ở phường An Khánh, TP.HCM, Thanh Nhã in tấm bản đồ lớn đánh dấu các chặng leo Denali để lấy cảm hứng. Còn khi đến ngọn núi mang tính biểu tượng này, chị tận mắt ngắm nhìn địa hình thiên nhiên tuyệt mỹ của nó với sự chan hòa núi non, sông hồ, sông băng, rừng nguyên sơ với nhiều loài động vật được bảo vệ như gấu, chó sói, hươu…
"Chúng tôi đi lên cao theo tuyến đường phía tây hình chữ S lần lượt qua trại 1, 2, 3, 4 với mỗi chặng đều phải đào hố sâu chôn tạm (cache) trang vật dụng dự trữ, gas, thực phẩm… và thích nghi độ cao. Ở từng trại, mỗi người phải tự đào tuyết dựng lều, làm nơi đặt bếp lò, khu vực vệ sinh riêng… Tôi mang theo nhiều gói cháo, sợi khô bún bò, bánh đa cua từ Việt Nam để ăn cho đảm bảo sức từng chặng" - Thanh Nhã cho biết.
Thật không may là bão tuyết, gió xoáy, mưa đá, kể cả sấm sét… đều xuất hiện bất thường nơi địa hình hiểm trở trên núi, trở thành vô số thử thách cực đại cho nhóm Thanh Nhã, Aili và Holly. Chị cho biết: "Nhịp tim tôi tăng chóng vánh. Tôi vẫn ăn ngon nhưng ngủ không được, chỉ chợp mắt 2-3 tiếng/ngày".
Vậy mà ba người phụ nữ vẫn đến được cột mốc High Camp 5.243m - điểm cao cuối cùng cách đỉnh núi không xa. Do nguy cơ tuyết lở ảnh hưởng tính mạng là quá cao nên họ phải trú trong lều cá nhân ở High Camp chờ đợi cơ hội suốt mấy ngày liền.
Cuối cùng cả ba người cùng đoàn đều thống nhất với quyết định "vô cùng tiếc nuối và khó khăn song an toàn" là rời High Camp trở xuống núi. Nguy cơ tuyết lở bất thường là thủ phạm khiến tỉ lệ người lên được đỉnh Denali 6.190m trong mùa leo núi 2025 cực kỳ ít ỏi. Riêng đợt leo cuối hè - thời điểm Thanh Nhã đi - không có đoàn nào hay bất cứ ai dám liều lĩnh lên đỉnh.
Khép lại 21 ngày thám hiểm tại núi Denali, cơ thể Thanh Nhã sụt 5kg, toàn thân đau nhừ, da cháy nắng vì thời tiết nóng lạnh thất thường. Dù vậy chị trải nghiệm được chuyến phiêu lưu nhớ đời đúng nghĩa của một "explorer" (nhà thám hiểm) có sức mạnh sinh tồn thật sự chứ không chỉ là người leo núi thông thường.
Céline Thanh Nhã sẽ trở lại Denali lần nữa vào mùa leo núi năm 2026
Thanh Nhã nói cô rất nhớ những ngày trú ẩn tránh bão tuyết, đọc sách, dùng phở gói, cơm chiên trong lều cũng như ngắm vẻ đẹp kỳ vĩ siêu thực nơi "thiên đường băng giá" Alaska... Denali còn giúp cô gắn kết tinh thần đồng đội mạnh mẽ, sự khôn ngoan trong việc quyết định ưu tiên an toàn, rèn luyện thêm kỹ năng leo núi tuyết, thu hoạch nhiều kinh nghiệm bổ ích giữa thiên nhiên hoang dã.
Trở về Việt Nam bên gia đình với ba con nhỏ luôn là điểm tựa hạnh phúc, nguồn động viên lớn lao giúp hồi phục sức khỏe tinh thần và thể chất, Thanh Nhã trải lòng: "Chắc chắn tôi sẽ trở lại Denali vào mùa leo núi 2026. Tôi cần thêm chút may mắn khách quan (thời tiết tốt chẳng hạn) để hoàn thành tâm nguyện. Ngọn núi của mẹ thiên nhiên muôn đời vẫn còn ở đó, chờ tôi".
Kỹ sư tin học Khải Nguyễn hiện làm việc ở California (Mỹ) là người Việt đầu tiên và duy nhất đến nay chinh phục đỉnh Denali vào năm 2021. Ông Khải nhìn nhận: "Ngay cả những người thám hiểm rất thành công ở các ngọn núi dãy Himalaya cũng chưa chắc thành công tại Denali bởi điều kiện thời tiết khắc nghiệt, quy định người leo núi phải tự lực cánh sinh mang đồ đạc nặng nề bên mình và được ví như phải leo hai lần với hành trình mang đồ lên - xuống, thích nghi giữa bốn trại nền.
Nhưng dĩ nhiên phần thưởng cho những người leo núi ở Alaska luôn là cách nhìn tuyệt vời về ý nghĩa của việc phiêu lưu khám phá mạo hiểm để theo đuổi, nuôi dưỡng những ước mơ dung chứa ý chí, lòng kiên trì và tinh thần quả cảm không sợ hãi".
Cảnh tượng ngoạn mục ở Alaska: đoàn người nhỏ bé thám hiểm giữa bốn bề thiên nhiên bao la - Ảnh: THANH NHÃ
Mùa leo núi Denali 2025 kết thúc đột ngột
Theo đơn vị Mountain Trip Alaska, mùa leo núi Denali 2025 khép lại đột ngột hơn các năm do thời tiết quá bất thường, tuyết tích tụ quá dày ở mọi độ cao dẫn đến nguy cơ tuyết lở nghiêm trọng trên đỉnh kéo dài. Tất cả nhóm người leo, hướng dẫn viên đã rời vùng núi và trở về nhà an toàn. Nỗ lực hết sức mình cho hành trình nhưng tùy hoàn cảnh phải ra quyết định sáng suốt và trở về nhà an toàn bên người thân luôn là mục tiêu quan trọng nhất của mọi đoàn thám hiểm.
Trong quyển sách Khuất phục tử thần, tác giả - nhà leo núi người Mỹ Bo Parfet cho biết chuyến thám hiểm McKinley/Denali đầu tiên của con người diễn ra năm 1913. "Denali có thể tương đối đơn giản trong điều kiện thời tiết tốt nhưng sẽ là một thảm họa nếu bạn bị cuốn vào một cơn bão lớn. Bạn phải tôn trọng ngọn núi này" - Bo Parfet viết.
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/tham-hiem-thien-duong-bang-gia-alaska-a253357.html