Rối loại nhịp tim gây nhiều biến chứng nguy hiểm

() - Rối loạn nhịp tim hiểu một cách đơn giản là tim không thể hoạt động một cách đều đặn, nhịp nhàng như bình thường. Căn bệnh này có thể gây ra các biến chứng như suy tim, ngừng tim, đột quỵ, đột tử…

Thông tin trên được TS.BS Phạm Trần Linh, Phó chủ tịch Phân hội Nhịp tim Việt Nam cho biết tại Hội nghị chuyên gia Rối loạn nhịp tim toàn quốc 2025, diễn ra ngày 19/7 ở Đà Nẵng.

TS Linh cho biết, có nhiều bệnh lý ảnh hưởng đến tim mạch, trong đó rối loạn nhịp tim là một trong những nhóm bệnh lý tiêu biểu và nguy hiểm nhất. Các dạng phổ biến như rung nhĩ, nhịp nhanh thất, nhịp chậm, block nhĩ thất... đang ảnh hưởng đến hàng chục triệu người trên toàn cầu.

Rối loại nhịp tim gây nhiều biến chứng nguy hiểm - 1

Các chuyên gia tham dự hội nghị (Ảnh: K.V).

Theo Tổ chức Y tế thế giới, rung nhĩ ảnh hưởng đến khoảng 33 triệu người, chiếm khoảng15-20% tổng số ca đột quỵ do huyết khối.

Tại Việt Nam, tỷ lệ rung nhĩ ở người trên 60 tuổi dao động 1-2%, song số liệu thực tế có thể cao hơn do tầm soát còn hạn chế. Riêng năm 2024, số ca phát hiện rung nhĩ mới là 38.000, tăng hơn 10.000 ca so với 5 năm trước.

TS Linh cho biết, những triệu chứng hay gặp nhất ở rối loạn nhịp tim nhanh là hồi hộp, đánh trống ngực. Ngoài ra, có thể có các biểu hiện khó thở, đau ngực, nuốt nghẹn; nhiều trường hợp có cơn choáng khi đứng lên ngồi xuống; hay có biểu hiện ngất, sau vài phút bệnh nhân tự tỉnh lại.

Rối loại nhịp tim gây nhiều biến chứng nguy hiểm - 2

TS.BS Phạm Trần Linh, Phó chủ tịch Phân hội Nhịp tim Việt Nam (Ảnh: K.V).

Tuy nhiên, nhiều người bị rối loạn nhịp tim mà không có biểu hiện triệu chứng. Bệnh nhân hoàn toàn không biết là mình mắc bệnh cho đến khi đi khám sức khỏe và phát hiện ra bệnh thông qua việc đo điện tâm đồ.

TS.BS Tôn Thất Minh - Chủ tịch Phân hội Nhịp tim Việt Nam cho biết, việc khảo sát điện sinh lý tim và điều trị bằng các thiết bị giúp chẩn đoán và điều trị hiệu quả hơn bệnh rối loạn nhịp.

“Trong những năm qua, kỹ thuật điều trị rối loạn nhịp của Việt Nam đã rất phát triển, tiệm cận thế giới. Từ những năm đầu của thế kỷ, Việt Nam chỉ có 2 bác sĩ thực hiện được khảo sát điện sinh lý tim và cắt đốt để điều trị loạn nhịp, đến nay chúng ta đã có trên 200 bác sĩ thực hiện được thủ thuật này, với hơn 20 trung tâm trên toàn quốc”, TS Minh thông tin.

Rối loạn nhịp tim có hai phương pháp điều trị là dùng thuốc và can thiệp.

Với phương pháp can thiệp, tùy thuộc vào dạng rối loạn nhịp tim mà bệnh nhân có thể được chỉ định dùng các thiết bị phù hợp nhằm khôi phục chức năng tim.

Chuyên gia lưu ý, để phòng ngừa rối loạn nhịp tim, cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát các yếu tố nguy cơ như kiểm soát tốt huyết áp, cholesterol máu, duy trì cân nặng hợp lý.

Thực hiện chế độ ăn uống tốt cho tim. Tránh khói thuốc lá và thuốc lá điện tử. Duy trì hoạt động thể chất mỗi ngày.

Hội nghị Chuyên gia Rối loạn Nhịp Toàn quốc 2025 quy tụ các chuyên gia đầu ngành, các báo cáo viên giàu kinh nghiệm nhằm chia sẻ kiến thức, kỹ thuật tiên tiến và những kinh nghiệm lâm sàng thực tiễn.

Trong đó, các nội dung chuyên môn nổi bật được chia sẻ gồm: Cập nhật kỹ thuật triệt đốt rung nhĩ, rối loạn nhịp thất nguy hiểm bằng catheter; ứng dụng công nghệ bản đồ điện học 3D; các nguồn năng lượng điều trị mới như sóng radio, đốt lạnh cryo, từ xung...

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/roi-loai-nhip-tim-gay-nhieu-bien-chung-nguy-hiem-a253800.html