Binh sĩ Thái Lan trên xe quân sự tại tỉnh Buriram, Thái Lan hôm 25-7 - Ảnh: REUTERS
Campuchia kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức với Thái Lan
Đại sứ Campuchia tại Liên hợp quốc cho biết nước này đang kêu gọi "ngừng bắn ngay lập tức và vô điều kiện" với Thái Lan, theo Hãng tin AFP.
Phát biểu sau cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 25-7, Đại sứ Chhea Keo nhấn mạnh Campuchia mong muốn giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình.
Ông Trump trên chuyến bay khởi hành đến Scotland hôm 25-7 - Ảnh: REUTERS
Mỹ - Trung đối đầu ở Liên hợp quốc vì Ukraine
Phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 25-7, quyền Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Dorothy Shea kêu gọi các nước, đặc biệt là Trung Quốc, chấm dứt xuất khẩu hàng hóa lưỡng dụng (hàng hóa có thể dùng cho cả mục đích dân sự và quân sự - PV) cho Nga, cho rằng điều này đang tiếp tay cho các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái (drone) vào Ukraine.
"Việc Bắc Kinh nói họ kiểm soát chặt chẽ hàng hóa lưỡng dụng là không phù hợp với tình hình thực tế: mỗi ngày, chúng tôi đều tìm thấy linh kiện Trung Quốc trong vũ khí Nga dùng để tấn công Ukraine", bà Shea nhấn mạnh.
Đáp lại, Phó đại sứ Trung Quốc Geng Shuang bác bỏ cáo buộc, cho rằng Trung Quốc không phải là bên tham chiến, không cung cấp vũ khí sát thương và luôn kiểm soát nghiêm ngặt vật liệu lưỡng dụng, bao gồm cả drone.
"Chúng tôi kêu gọi Mỹ chấm dứt việc đổ lỗi và tạo thế đối đầu trong vấn đề Ukraine. Thay vào đó, họ nên đóng vai trò xây dựng hơn trong việc thúc đẩy ngừng bắn và đàm phán hòa bình", ông Geng nhấn mạnh.
Anh, Pháp, Đức kêu gọi chấm dứt thảm họa nhân đạo ở Gaza
Ba cường quốc châu Âu gồm Anh, Pháp và Đức ngày 25-7 cùng kêu gọi chấm dứt "thảm họa nhân đạo" đang diễn ra tại Dải Gaza, trong bối cảnh gần 1/3 dân số vùng lãnh thổ này đã phải nhịn ăn nhiều ngày liền, theo cảnh báo từ Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên hợp quốc.
Trong tuyên bố chung, lãnh đạo ba nước kêu gọi Israel lập tức dỡ bỏ các hạn chế đối với viện trợ nhân đạo và cho phép Liên hợp quốc cùng các tổ chức phi chính phủ can thiệp để ngăn chặn nạn đói lan rộng. Ba nước nhấn mạnh việc ngăn chặn thực phẩm và nước sạch cho dân thường là điều không thể chấp nhận và Israel phải tuân thủ luật nhân đạo quốc tế.
WFP cảnh báo cuộc khủng hoảng đã đạt tới "mức độ tuyệt vọng mới và đáng sợ", với gần 1/3 dân số không ăn gì trong nhiều ngày qua. Tổ chức này cho biết có tới 90.000 phụ nữ và trẻ em đang cần điều trị suy dinh dưỡng khẩn cấp.
Trong tuyên bố chung, Anh, Pháp và Đức cũng nhấn mạnh rằng "đã đến lúc chấm dứt chiến tranh ở Gaza" và kêu gọi tất cả các bên đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức.
Người dân Gaza nhận thức ăn viện trợ hôm 25-7 - Ảnh: REUTERS
Nhà Trắng yêu cầu Harvard và nhiều đại học Mỹ nộp phạt để được tài trợ lại
Chính quyền Tổng thống Trump đang yêu cầu nhiều trường đại học lớn ở Mỹ, bao gồm Harvard, phải nộp phạt với lý do không kiểm soát hiệu quả tình trạng bài Do Thái trong khuôn viên trường, nếu muốn được khôi phục nguồn tài trợ liên bang.
Theo một quan chức Nhà Trắng xác nhận với báo Wall Street Journal, chính quyền Washington đang đàm phán với các trường đại học Cornell, Duke, Northwestern và Brown, trong đó Northwestern và Brown sắp đạt được thỏa thuận, còn Harvard là mục tiêu trọng điểm.
Đây là một phần trong chiến dịch rộng lớn của ông Trump nhằm sử dụng đòn bẩy tài chính để buộc các trường đại học thay đổi, sau khi nhiều cơ sở giáo dục bị phản đối vì các phong trào ủng hộ Palestine.
Gần đây, Đại học Columbia đã đồng ý nộp hơn 200 triệu USD để dàn xếp các cuộc điều tra liên bang và được khôi phục phần lớn ngân sách bị đình chỉ. Trong khi đó, Harvard chọn cách kiện chính phủ liên bang để giành lại quyền tiếp cận nguồn tài trợ.
Các tàu container tấp nập bốc dỡ hàng tại cảng biển Liên Vân ở tỉnh Giang Tô vào sáng sớm 24-7. Đây là một trong những cảng biển lớn tại Trung Quốc - Ảnh: AFP