![]() |
Khoảnh khắc Andy Byron và Kristin Cabot bị bắt gặp âu yếm nhau trên kiss cam tại đêm diễn của Coldplay ở Mỹ. Ảnh cắt từ clip. |
Hơn một tuần qua, vụ ngoại tình bị bắt tại trận của Andy Byron, CEO hãng công nghệ Astronomer, và Kristin Cabot, trưởng bộ phận nhân sự của công ty, trở thành tâm điểm giải trí của mạng xã hội. Nhưng đằng sau những meme (ảnh và clip chế) hài hước là sự sụp đổ của hai gia đình và một bài học đáng lo ngại về thời đại viral (lan truyền trên mạng xã hội).
Khoảnh khắc kiss cam của cặp đôi được Grace Springer (28 tuổi), fan của nhóm nhạc Coldplay, ghi lại và đăng lên TikTok lúc 1h sáng (giờ Boston). Chỉ sau 2 tiếng, nhờ thuật toán lan truyền, video nhanh chóng gây bão, danh tính của Byron và Cabot bị cư dân mạng "truy tìm" ráo riết. Đến 3h sáng, Google ghi nhận số lượt tìm kiếm tên hai người này tăng đột biến.
"Tôi ngủ dậy và thấy clip đã có 7 triệu lượt xem", Springer kể.
Chưa đầy 48 giờ sau, CEO Andy Byron phải từ chức. Vợ ông, Megan Kerrigan Byron, bỏ họ Byron trên Facebook và khóa tài khoản. Kristin Cabot cũng rời Astronomer, xuất hiện trước báo chí mà không còn đeo nhẫn cưới.
Chỉ trong vòng 12 tiếng, từ những nhân vật cấp cao ít được biết đến, cả hai bỗng trở thành "người nổi tiếng" bất đắc dĩ, bị soi mói trên toàn thế giới. Video gốc của Springer đạt 127 triệu lượt xem, cộng thêm các tài khoản X như Pop Base, tổng số lượt xem lên tới 344 triệu - gần bằng dân số toàn nước Mỹ.
Các kênh truyền thông lớn như New York Times, Wall Street Journal, CNN đồng loạt đưa tin. "Cuộc sống của họ và gia đình như bị nổ tung", một nguồn tin nhận xét.
Kristin Cabot (56 tuổi) từ một nhân viên cấp cao vô danh bỗng trở thành tâm điểm của paparazzi. Nhiều tờ báo như Us Weekly, Page Six, Daily Mail liên tục đăng bài, đứng chờ trước cửa nhà bà để chụp ảnh.
![]() |
Andy Byron và Kristin Cabot đã từ chức sau vụ ngoại tình bị bắt tại trận ở concert. Ảnh: Bain Capital Ventures. |
Andy Warhol, họa sĩ của nghệ thuật đại chúng, từng nói mỗi người sẽ có "15 phút nổi tiếng". Trong thời đại này, câu nói ấy nghe như một lời đe dọa hơn là một sự hứa hẹn.
Ngày nay, chỉ một khoảnh khắc vô tình lọt vào ống kính cũng có thể phá hủy cuộc đời một con người. "Quyền riêng tư coi như đã chết. Ở đâu, lúc nào cũng có người đang dõi theo", một bài báo nhận định.
Trước đây, để thay đổi cuộc đời, phải có một biến cố lớn như bệnh hiểm nghèo, tai nạn hoặc thiên tai. Còn giờ đây, chỉ cần một chiếc điện thoại giơ lên đúng lúc không may, mọi thứ có thể đảo lộn.
Giáo sư Scott Galloway, Đại học New York (Mỹ), cho rằng sự kiện "Coldplaygate" (chỉ vụ ngoại tình bị bắt gặp trên kiss cam tại concert Coldplay) phản ánh xu hướng "bêu riếu tập thể" đang trở thành một hình thức giải trí. Ông ví điều này như trò "cột trói" thời Trung cổ, khi kẻ phạm lỗi bị công khai nhục mạ và ném rau thối.
"Coldplaygate chỉ là phiên bản hiện đại của trò đó, không còn những quả bí mốc mà thôi", bài viết ví von.
Trong câu chuyện này, có lẽ chỉ những người bạn đời của Byron và Cabot, những người phát hiện sự thật cay đắng, là “thắng”. Nhưng đây cũng là cú sốc tột cùng khi sự phản bội bị phơi bày trước hàng triệu ánh mắt tò mò trên Internet.
Ngay cả Grace Springer, người đăng tải video, cũng không hưởng lợi lộc gì. Dù có thêm 51.000 người theo dõi và 11 triệu lượt thích, cô nói trên truyền hình Anh: "Tôi chưa kiếm được xu nào từ video hay số lượt xem".
Quan hệ độc hại 'núp bóng' tình yêu
Nhiều người khăng khăng họ làm điều gì đó vì "muốn tốt cho bạn", nhưng lại đòi hỏi bạn phải thỏa mãn yêu cầu của họ. Đó là tình yêu "cấp thấp", tồn tại ở nhiều loại quan hệ như bạn bè, người yêu, vợ chồng, cha mẹ và con cái. Nếu chấp nhận, bạn sẽ bị ràng buộc bởi sự hẹp hòi của đối phương, mất đi sự tự do, luôn chìm đắm trong muộn phiền, u sầu.
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/15-giay-huy-hoai-cuoc-song-cua-cap-doi-ngoai-tinh-bi-tom-o-concert-a255402.html