Chân dung nhà sáng chế ra vắc xin AstraZeneca giá rẻ

Nhà khoa học Sarah Gilbert chính là “mẹ đẻ” của vaccine ngừa COVID-19 AstraZeneca. Bà đã giúp tạo niềm hy vọng lớn góp phần chấm dứt đại dịch.

Nhà khoa học Sarah Gilbert chính là “mẹ đẻ” của vaccine ngừa COVID-19 AstraZeneca. Bà đã giúp tạo niềm hy vọng lớn góp phần chấm dứt đại dịch.

Ngày 23/11/2020, Đại học Oxford và đối tác AstraZeneca công bố thông tin quan trọng với thế giới: vaccine ngừa Covid-19 do họ hợp tác sản xuất có hiệu quả từ 70-90% trong các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối. Điều này mang lại hi vọng cho hàng triệu người trên thế giới. Cho đến ngày 16/8, theo thống kê của Wego Travel Blog, vaccine của Oxford/AstraZeneca đã được 121 quốc gia và vùng lãnh thổ cho phép sử dụng.

Và trong khi giá của các loại vaccine đang được cung cấp khác không dưới 10$/liều (Novavax 16$/liều, Pfizer là 19.5$/liều, Moderna 32-37$/liều, Sinopharm 20-30$/liều) thì giá của vaccine Astra Zeneca chỉ 3-4$/liều.

Nhà khoa học Sarah Gilbert chính là “mẹ đẻ” của vaccine ngừa COVID-19 AstraZeneca 

Đứng sau thành công của vaccine AstraZeneca là nỗ lực từ hai nữ giáo sư Sarah Gilbert và Catherine Green, những người dẫn đầu nhóm nghiên cứu Viện Jenner, Đại học Oxford. Trong đó, Giáo sư Sarah Gilbert (58 tuổi) là một trong số các nữ nhà khoa học được tờ BBC vinh danh trong danh sách 100 Phụ nữ Tiêu biểu năm 2020 vì những đóng góp không mệt mỏi cho cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

"Ngay từ đầu, chúng tôi coi đây là một cuộc chạy đua với virus chứ không phải một cuộc chạy đua với các nhà phát triển vaccine khác. Chúng tôi là trường đại học và chúng tôi không làm việc này để kiếm tiền",bà Gilber chia sẻ về quá trình nghiên cứu của mình và các cộng sự.

Được biết, bà Gilbert sinh vào tháng 4/1962 tại Kettering, nước Anh. Cha bà làm việc trong lĩnh vực kinh doanh giày và mẹ là giáo viên tiếng Anh.

Bà Gilbert lấy bằng cử nhân ngành sinh học tại Đại học East Anglia rồi tiếp tục học tiến sĩ hóa sinh chuyên ngành di truyền học tại Đại học Hull. Lúc đó, bà nhận ra rằng mình không thích chuyên ngành đã chọn và có ý định từ bỏ. Tuy nhiên, bà vẫn tiếp tục theo đuổi việc học của mình.

 Sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ, bà làm việc tại trung tâm nghiên cứu bia và tập trung vào cách kiểm soát men bia rồi mới chuyển sang làm việc trong lĩnh vực liên quan đến sức khoẻ con người.

Bà Gilbert chưa từng có ý định trở thành một chuyên gia về vaccine. Tuy vậy, vào năm 1994, bà đã đến Đại học Oxford để làm việc với giáo sư Adrian Hill, Giám đốc Viện Jenner về nghiên cứu về ký sinh trùng sốt rét (plasmodium). Bà Gilbert nhanh chóng bắt tay vào nghiên cứu vaccine thử nghiệm, bắt đầu với loại vaccine kích thích tế bào bạch cầu để chống lại bệnh sốt rét, sau đó là vaccine cúm "phổ thông".

Sự nghiệp khoa học của bà Gilbert gián đoạn vào năm 1998, khi bà sinh ba con, 2 gái và một trai. "Tiền đưa chúng đi nhà trẻ còn nhiều hơn thu nhập của tôi lúc đó" - bà Gilbert chia sẻ. Sau đó, chồng bà, nhà khoa học Rob Blundell, đã hy sinh sự nghiệp để chăm sóc con cái.

Sau mọi gian truân, bà đã ở lại với khoa học. Như bà thừa nhận, việc làm mẹ đã giúp bà chuẩn bị tốt cho những sức ép lớn liên quan các nghiên cứu cần được tăng tốc tối đa trong đại dịch COVID-19 vừa qua. Nó cũng buộc bà phải tổ chức mọi thứ khoa học hơn và học cách thích nghi với những giấc ngủ rất ngắn khi chỉ được ngủ khoảng 4 tiếng mỗi đêm.

“Lời khuyên của tôi cho những phụ nữ vừa muốn duy trì một gia đình và sự nghiệp khoa học là cần chấp nhận đó sẽ là công việc đặc biệt khó khăn. Điều quan trọng là phải biết lập kế hoạch và cần đảm bảo sự hỗ trợ hết lòng từ người bạn đời. Dù bằng cách gì chăng nữa, kế hoạch và thực tế về những gì bạn cần mới có thể giúp ích về lâu dài”, Sarah Gilbert chia sẻ.

Hiện các con của bà Gilber đều chọn ngành hóa sinh. Hai con gái là Caitlin và Susannah, theo học tại Oxford và con trai bà, Freddie, là sinh viên Đại học Bath.

Hà Trang - SHTT

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/chan-dung-nha-sang-che-ra-vac-xin-astrazeneca-gia-re-a689.html