Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, đã chỉ đạo các huyện, thị, thành phố hạn chế được dịch và đáp ứng tiêu chí của “vùng xanh” (như huyện Phú Giáo, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng, Bàu Bàng) thì lên kế hoạch để dần tổ chức sản xuất trở lại.
Với các khu vực khác, bên cạnh việc nỗ lực dập dịch, Bình Dương đã có sự chuẩn bị để hướng dẫn, đồng hành với doanh nghiệp, người lao động sớm tổ chức sản xuất trở lại khi hết dịch bệnh để khôi phục kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho người dân.
Theo ông Minh, ngoài việc tập trung lực lượng thần tốc xét nghiệm diện rộng để bóc tách hoàn toàn F0 ra khỏi cộng đồng, địa phương đang tổ chức tiêm vắc-xin như trang bị “áo giáp” cho người lao động để tránh đứt gãy chuỗi sản xuất. “Trong quá trình sản xuất, doanh nghiệp ngoài việc tuân thủ quy tắc 5K còn phải chủ động tổ chức xét nghiệm định kỳ liên tục. Ngoài ra, có phương án cách ly F0 ngay khi phát hiện mà không ảnh hưởng đến quá trình sản xuất”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh nhấn mạnh.
Trong khi đó, TS.BS Nguyễn Hồng Chương - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, F0 ghi nhận ở địa phương thời gian qua chủ yếu là người ở trọ trong điều kiện chật hẹp dễ lây chéo. “Để đảm bảo an toàn, các đơn vị liên quan đang phối hợp với các chủ nhà trọ sắp xếp cho công nhân của từng công ty ở chung khu trọ với nhau. Trường hợp một người mắc COVID-19 sẽ không ảnh hưởng đến nhiều công ty. Hiện tại, công nhân nhiều công ty ở cùng một khu trọ nên việc kiểm soát dịch bệnh gặp khó khăn”, ông Chương nói.
Xét nghiệm và tiêm vắc-xin cho người lao động
Ông Bùi Minh Trí, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cho biết, hiện có hơn 1.300 nhà máy duy trì sản xuất “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 địa điểm”. Đến nay, đã có 87% người lao động tham gia sản xuất “3 tại chỗ” được tiêm vắc-xin mũi 1, Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương sẽ phối hợp với chủ đầu tư các khu công nghiệp và doanh nghiệp tiếp tục tiêm mũi 2 cho người lao động.
Theo ông Nguyễn Quốc Thái, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần khu công nghiệp Tân Bình (Bình Dương), số lượng công nhân “3 tại chỗ” được tiêm đạt hơn 80% là tiền đề vững chắc để các doanh nghiệp tự tin khôi phục sản xuất, người lao động yên tâm gắn bó với công ty.
Tại Tây Ninh, UBND tỉnh này đã ban hành quyết định về phương án khôi phục sản xuất, trong điều kiện dịch COVID-19 trên địa bàn đang hạ nhiệt. Theo đó, việc khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, xây dựng cơ bản tạm thời áp dụng trong phạm vi các vùng xác định cấp độ dịch bệnh “vùng cam, vàng, xanh”. Riêng “vùng đỏ”, mọi hoạt động phải tạm dừng.
Các doanh nghiệp đã dừng hoạt động, nay muốn khôi phục sản xuất, phải xây dựng phương án “3 tại chỗ”, trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định. Ở lĩnh vực nông nghiệp, các hoạt động sản xuất trong “vùng xanh”, sử dụng lao động cư trú tại “vùng xanh” đảm bảo “5K”. Người lao động các “vùng cam, vàng” đến làm việc tại “vùng xanh” phải có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ, tuân thủ “5K” và “1 cung đường, 2 địa điểm”. Người lao động từ “vùng xanh” đến làm việc tại “vùng cam, vàng” phải đảm bảo “5K” và “1 cung đường, 2 địa điểm”.
Hoạt động nông hộ không thuê mướn lao động, tự đảm bảo “5K”, tự theo dõi sức khỏe. Đối với “vùng đỏ” đang thu hoạch vụ mùa thì đề nghị UBND các cấp xem xét, có kế hoạch thu hoạch, hạn chế thiệt hại. Hoạt động xây dựng cơ bản ở “vùng xanh”, sử dụng lao động “vùng xanh”… Nhà thầu xây dựng phương án trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định. Test nhanh cho người lao động và cho về nơi trọ tạm thời của doanh nghiệp, sau 3-5 ngày xét nghiệm PCR nếu âm tính thì được hoạt động.
Khôi phục sản xuất để đảm bảo việc làm, thu nhập cho lao động
Bộ Công Thương cho biết, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên vừa có cuộc làm việc với một số tập đoàn, doanh nghiệp sản xuất lớn thuộc nhiều lĩnh vực ngành hàng ở các tỉnh phía Nam để nắm bắt tình hình hoạt động và thảo luận các giải pháp cần thiết để hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì chuỗi sản xuất.
Tại buổi làm việc với Bộ Công Thương, các doanh nghiệp cũng đề cập đến vấn đề tiêm vắc-xin cho người lao động và qua đó kiến nghị Bộ Công Thương xem xét đề xuất kiến nghị Bộ Công Thương có ý kiến với Chính phủ và đề xuất giải pháp về liên kết chuỗi, lưu thông hàng hoá, di chuyển lao động giữa các địa phương, xác nhận quy tắc xuất xứ… để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, khôi phục các hoạt động sản xuất không chỉ đảm bảo cho nền kinh tế nhanh chóng phục hồi khi dịch bệnh dần được kiểm soát mà quan trọng hơn là đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, qua đó cũng giảm bớt gánh nặng về an sinh xã hội cho các địa phương.
Theo Tiền Phong Online
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/vung-tam-dich-phia-nam-len-ke-hoach-san-xuat-tro-lai-tao-vung-xanh-an-toan-a860.html