Công ty Mỹ phát triển vaccine COVID-19 gốc thực vật không cần bảo quản lạnh

Mới đây, nhóm nghiên cứu tại ĐH California San Diego đã tìm ra giải pháp sản xuất vaccine bằng cách sử dụng virus từ thực vật hoặc vi khuẩn, có khả năng chịu nhiệt, từ đó cho phép bảo quản vaccine ở nhiệt độ thường

Mới đây, nhóm nghiên cứu tại ĐH California San Diego đã tìm ra giải pháp sản xuất vaccine bằng cách sử dụng virus từ thực vật hoặc vi khuẩn, có khả năng chịu nhiệt, từ đó cho phép bảo quản vaccine ở nhiệt độ thường

 Hầu hết các vaccine COVID-19 hiện nay đều cần phải bảo quản lạnh, thậm chí một số loại cần quy trình bảo quản vô cùng phức tạp khiến việc phân phối vaccine tới các nước gặp nhiều khó khăn. Nhưng mới đây, các kỹ sư nano tại Đại học California San Diego (Mỹ) đang phát triển một loại vaccine được tạo ra bằng cách sử dụng virus từ thực vật hoặc vi khuẩn và có khả năng chịu nhiệt.

"Điều đặc biệt trong công nghệ vaccine của chúng tôi là ổn định về nhiệt độ, nên có thể dễ dàng tiếp cận những nơi không thể lắp đặt tủ lạnh nhiệt độ siêu thấp, hoặc các điểm mà xe tải trữ lạnh không tới được", Nicole Steinmetz - giám đốc Trung tâm kỹ thuật nano miễn dịch ở Trường Jacobs thuộc UC San Diego cho hay. 

"Trồng cây tương đối dễ dàng và liên quan đến cơ sở hạ tầng không quá phức tạp. Trong khi đó, quá trình lên men bằng cách sử dụng vi khuẩn là quy trình phổ biển trong ngành công nghiệp dược phẩm sinh học từ lâu", ông Steinmetz nói thêm. 

Hiện vaccine này vẫn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu. Nhưng các thử nghiệm trên chuột cho thấy vaccine thúc đẩy sản sinh một lượng lớn kháng thể vô hiệu hóa ncoV.

Các nhà nghiên cứu hy vọng họ sẽ sớm hoàn thiện sản phẩm để có thể thử nghiệm vaccine trên người nhằm kiểm tra hiệu quả chống COVID-19 và các biến thể của nó.

Theo Steinmetz, nhóm nghiên cứu của ông sẽ tìm cách áp dụng công nghệ phát triển vaccine dựa trên thực vật và virus để đối phó với các loại virus mới trong tương lai. 

"Ngay cả khi công nghệ này không tạo ra tác động đối với COVID-19, nó có thể được điều chỉnh nhanh chóng cho mối đe dọa tiếp theo, loại virus tiếp theo”, Steinmetz nói.

Cùng trong nỗ lực loại bỏ những hạn chế trong việc phân phối vaccine liên quan đến việc bảo quản, công ty Vaxart, trụ sở tại San Francisco cũng đang trong quá trinh phát triển một loại vaccine dạng viên để vaccine có thể được vận chuyển và sử dụng an toàn trên khắp thế giới mà không vấp phải những khó khăn hiện hữu tại các sản phẩm dạng tiêm hiện nay.

Lợi thế nằm ở chỗ không cần những điều kiện y tế đủ tiêu chuẩn để tiếp nhận, không cần dây chuyền bảo quản lạnh", Tiến sĩ Sean Tucker, giám đốc khoa học hãng công nghệ sinh học Mỹ Vaxart chia sẻ.

Hồi tháng 5 vừa qua, ứng viên vaccine của họ đạt kết quả thử nghiệm Giai đoạn Một đầy hứa hẹn, cho thấy phản ứng của tế bào CD8+ T mạnh hơn so với các vaccine của Pfizer và Moderna. Đây là một loại tế bào bạch cầu chịu trách nhiệm tạo ra phản ứng miễn dịch.

Vaccine Covid-19 dạng viên tiềm năng của Vaxart đang được thử nghiệm Giai đoạn II.

Nếu mọi thứ suôn sẻ, Vaxart hy vọng có thể nộp đơn xin phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine dạng viên của mình trong vòng một năm tới, đồng thời hướng đến sản xuất hàng triệu, thậm chí hàng tỷ liều vaccine mỗi năm với giá cả hợp lý.

An An - SHTT

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/cong-ty-my-phat-trien-vaccine-covid-19-goc-thuc-vat-khong-can-bao-quan-lanh-a902.html