Phó Chỉ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu (bìa phải) tham quan khoa Dược đạt tiêu chuẩn GMP-WHO |
Ngày 19.4, Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM khánh thành 2 khối nhà N5 - N6, tổng diện tích 10.709 mét vuông. Đây là 1 trong 6 công trình chào mừng 48 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30.4.1975 – 30.4.2023) của ngành y tế TP.HCM.
Bác sĩ Đỗ Tân Khoa, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM, cho biết bệnh viện này thuộc bệnh viện hạng 1, quy mô 300 giường nội trú, trực thuộc Sở Y tế TP.HCM.
Sản xuất vị thuốc cổ truyền tại Bệnh viện Y học cổ truyền TP HCM
Bệnh viện xây dựng và phát triển y tế chuyên sâu thế mạnh, gồm: điều trị đau cấp và mạn tính, phục hồi tai biến mạch máu não; xoa bóp bấm huyệt – phục hồi sức khỏe; sản xuất, bào chế thuốc và vị thuốc...
Đặc biệt, tháng 2.2023, Khoa Dược, Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM được Bộ Y tế chứng nhận đáp ứng yêu cầu về các tiêu chuẩn: thuốc (GMP WHO), thực hành tốt phòng thí nghiệm (GLP) và thực hành tốt bảo quản (GSP) đối với thuốc cổ truyền và vị thuốc cổ truyền.
Đây là khoa dược đầu tiên trong hệ thống các bệnh viện y dược cổ truyền trong nước đạt chuẩn thực hành tốt sản xuất GMP WHO, GLP, GSP.
Hiện Khoa Dược, Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM đang sản xuất 62 sản phẩm thuốc cổ truyền và hơn 240 vị thuốc từ dược liệu đạt tiêu chuẩn, có chất lượng cao, như: nhân sâm bại độc, đại tần giao, viên thấp khớp, lạc tiên tây, lục vị hoàn, cao bổ phổi, mát tiên bổ phế… Các sản phẩm trên điều trị các chứng bệnh xương khớp, hô hấp, tiêu hóa, bổ khí, an thần, trị đau, viêm thấp khớp…
"Bệnh viện sản xuất thuốc cổ truyền và vị thuốc cổ truyền không chỉ phục vụ nhu cầu của bệnh viện mà còn cung ứng cho các đơn vị trên địa bàn thành phố", lãnh đạo Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM thông tin.
Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM tin tưởng Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM sẽ sản xuất các vị thuốc cũng như thành phẩm thuốc y học cổ truyền đạt chất lượng để phục vụ nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân. Tạo điều kiện phát triển nền y học cổ truyền của nước ta. Đây là hướng đi đúng đảm bảo sự phát triển bền vững của bệnh viện.
Khu vực nấu cao lỏng trong khoa Dược, Bệnh viện Y học Cổ truyền TPHCM |
Lãnh đạo Sở Y tế cũng đề nghị bệnh viện tiếp tục nghiên cứu, kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại vào khám chữa bệnh. Tiếp tục nghiên cứu sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền để người dân sử dụng những sản phẩm thuốc y học cổ truyền trong nước đạt tiêu chuẩn chất lượng, phù hợp về chi phí điều trị. Từ đó, góp phần kế thừa và phát huy được thế mạnh của nền y học cổ truyền nước nhà, đồng thời gắn với chương trình du lịch y tế, nhằm quảng bá lĩnh vực y học cổ truyền đến với khách du lịch trong nước và quốc tế.
Minh Anh
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/benh-vien-y-hoc-co-truyen-dau-tien-dat-chuan-cua-to-chuc-y-te-the-gioi-a95666.html