Quả chuối 157 tỷ đồng đắt nhất thế giới và cơn bĩ cực của thị trường đấu giá nghệ thuật: Doanh số sụt giảm 60%, kỳ vọng về chiến thắng của ông Donald Trump sụp đổ

Việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ đã thúc đẩy thị trường chứng khoán và tiền số, khiến giới nghệ thuật cũng kỳ vọng vào một đợt bùng nổ. Thế nhưng mọi chuyện lại không như dự đoán.

Tờ New York Times (NYT) các nhà bán đấu giá đã bán được khoảng 1.600 tác phẩm nghệ thuật trong tuần qua và khoảnh khắc phấn khích nhất là khi một quả chuối dán băng keo mang tên "Comedian" của Maurizio Cattelan được bán với giá 6,2 triệu USD, tương đương 157 tỷ đồng cho một tỷ phú tiền số.

Thế nhưng quả chuối đắt nhất thế giới này lại chỉ là điểm sáng le lói cho một thị trường đấu giá nghệ thuật ảm đạm khi những kỳ vọng về làn sóng mua sắm của các tỷ phú tiền số, chứng khoán hậu chiến thắng của ông Donald Trump không trở thành hiện thực.

Trong năm nay, 3 nhà đấu giá lớn là Sotheby's, Christie's và Phillips đã bán được 1,3 tỷ USD tác phẩm nghệ thuật, thấp hơn 40% so với tháng 11 năm ngoái và 60% so với mức đỉnh năm 2022.

Điều trớ trêu là sự sụt giảm này lại chẳng hề gây bất ngờ khi nhiều tác phẩm đấu giá còn chẳng nhận được một nhà thầu nào ra giá.

Vậy chuyện gì đang diễn ra?

Quả chuối 157 tỷ đồng đắt nhất thế giới và cơn bĩ cực của thị trường đấu giá nghệ thuật: Doanh số sụt giảm 60%, kỳ vọng về chiến thắng của ông Donald Trump sụp đổ- Ảnh 1.

Justin Sun- Vị tỷ phú tiền số đã chi 6,2 triệu USD mua tác phẩm "Comedian"

Theo NYT, nguồn cung khan hiếm trong mùa bầu cử Tổng thống Mỹ là một phần nguyên nhân khi không nhiều nhà sưu tập giàu có muốn bán ra do lo ngại tình hình kinh tế có thể biến đổi theo kết quả bỏ phiếu.

Tuy nhiên theo giáo sư tài chính Roman Kraussl tại Trường Kinh doanh Bayes ở London, thị trường nghệ thuật đã đi ngang trong hơn 10 năm qua và có vẻ "đã mất đi động lực cũng như sự cường điều vốn có của nó".

Trên thực tế, một số nhà phân tích đã kỳ vọng chiến thắng của ông Donald Trump sẽ thúc đẩy thị trường nghệ thuật như những gì mảng chứng khoán, tiền số và đồng USD đang diễn ra.

Thế nhưng kỳ vọng về một lớp nhà giàu mới nổi nhờ chứng khoán, tiền số sẽ đổ về các sàn đấu giá đã tan thành mây khói.

Số liệu của Sotheby’s và Christie’s, 2 nhà đấu giá lớn nhất thế giới đã cho thấy giá thầu các phiên không được đẩy lên cao mà được cân nhắc rất thận trọng. Hầu hết các các tác phẩm đều được bán trong phạm vi giá đã được ước tính.

Thậm chí một số tác phẩm đắt giá của những tên tuổi lớn đã không bán được, ví dụ bức chân dung đầu những năm 1920 của Henri Matisse về một người phụ nữ ngực trần đội mũ lông vũ được ước tính thấp nhất là 12 triệu USD nhưng không ai đấu thầu.

Nói cách khác, quả chuối 157 tỷ đồng chỉ là điểm sáng hiếm hoi khi được bán cho một tỷ phú tiền số.

Khủng hoảng Sotheby’s

Ở một khía cạnh khác, nhiều người cho rằng sự thay đổi về phí hoa hồng của Sotheby’s, một trong 2 nhà đấu giá lớn nhất thế giới cũng ảnh hưởng đến thị trường. Mặc dù cách tính mới có lợi cho người mua nhưng chúng lại tổn hại đến lợi ích của các nhà môi giới và người bán.

Trong khi đó tờ Wall Street Journal (WSJ) cho hay thị trường nghệ thuật đang trải qua giai đoạn khó khăn khiến khiến các hãng đấu giá nổi tiếng như Sotheby’s lâm vào khủng hoảng.

Quả chuối 157 tỷ đồng đắt nhất thế giới và cơn bĩ cực của thị trường đấu giá nghệ thuật: Doanh số sụt giảm 60%, kỳ vọng về chiến thắng của ông Donald Trump sụp đổ- Ảnh 2.

Việc suy giảm doanh số do không bán được tranh mà một phần là do kinh tế Trung Quốc khó khăn khiến các đại gia tại đây không mặn mà với nghệ thuật nữa đã ảnh hưởng nặng đến Sotheby’s.

Giới nhà giàu hiện chỉ quan tâm đến vàng hay những tài sản trú ẩn có tính thanh khoản cao hơn là các tác phẩm nghệ thuật cần tốn thời gian để chuyển đổi thành tiền. Thêm vào đó, việc thổi giá ngày càng cao cho các tác phẩm đến mức phi lý cũng khiến người mua ngày càng chán ghét việc bị "móc túi".

Số liệu của Bloomberg cho thấy tổng giá trị 10 tác phẩm nghệ thuật đắt nhất được đấu giá thành công năm 2022 là 760 triệu USD nhưng con số này đã giảm xuống chỉ còn 403 triệu USD năm 2023 và sang năm nay chỉ còn là 312 triệu USD.

Hậu quả là Patrick Drahi, vị tỷ phú sở hữu đến 61% cổ phần của Sotheby’s đang lâm vào tình cảnh bi đát. Năm 2019, vị đại gia sở hữu hãng viễn thông Altice nổi tiếng của Pháp này đã vay nợ để mua lại cổ phần chi phối Sotheby’s.

Thế nhưng trong khi Sotheby’s kinh doanh bết bát thì Altice lại vẫn phải gánh trên vai khoản nợ 60 tỷ USD. Xin được nhắc rằng dưới thời điều hành của Drahi, tổng số nợ của Sotheby’s đã tăng từ 1 tỷ USD lên 1,8 tỷ USD.

Bởi vậy nhiều người cho rằng tỷ phú Drahi sẽ sớm vỡ nợ, buộc phải đàm phán với chủ nợ để tái cấu trúc lại doanh nghiệp và thậm chí sẽ phải bán một phần Sotheby’s để bảo toàn Altice.

Với Sotheby’s, việc ông chủ nợ nần khiến nhà đấu giá này cũng khó khăn theo khi phải nợ lương nhân viên suốt nhiều tháng.

Nhà bán đấu giá này đã sửa đổi cơ chế lương thưởng khi cắt giảm lương của 20% nhân viên khiến nhiều giám đốc giỏi rời đi. Xin được nhắc rằng trong giới nghệ thuật, kiến thức, kinh nghiệm và danh tiếng của nhân viên là thứ cực kỳ quan trọng để mời chào khách hàng mua tác phẩm.

Tháng 2/2024, Sotheby’s tiếp tục gây sốc cho giới nghệ thuật khi thay đổi cách trả phí hoa hồng đấu giá.

Quả chuối 157 tỷ đồng đắt nhất thế giới và cơn bĩ cực của thị trường đấu giá nghệ thuật: Doanh số sụt giảm 60%, kỳ vọng về chiến thắng của ông Donald Trump sụp đổ- Ảnh 3.

Thông thường cả Sotheby’s và Christie’s đều miễn phí hoa hồng cho người bán để thu hút tác phẩm đến các nhà đấu giá của mình. Thậm chí một số trường hợp, họ còn chia sẻ phí hoa hồng lên đến 27% cho người bán nếu đấu giá thành công.

Thế nhưng Drahi đã thay đổi tất cả khi tính phí cố định 10% với người bán cho bất kỳ tác phẩm nào bán được với giá 5 triệu USD trở xuống.

*Nguồn: NYT, WSJ