Quân bài mà Trung Quốc có thể buộc phải dùng để đối phó với ông Trump

Lần trước, khi ông Donald Trump áp thuế với Trung Quốc, Bắc Kinh đã phá giá đồng nhân dân tệ để đối phó. Lần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gửi tín hiệu rằng nước này nên bảo vệ đồng tiền của mình.

Quân bài mà Trung Quốc có thể buộc phải dùng để đối phó với ông Trump- Ảnh 1.

Trung Quốc có thể phải phá giá đồng nhân dân tệ để đối phó với biện pháp tăng thuế của chính quyền mới của Mỹ. (Ảnh: WSJ)

Vào mùa thu năm 2023, ông Tập có chuyến thăm hiếm thấy đến xưởng in tiền quốc gia và Ngân hàng Trung ương (PBOC), cho thấy mong muốn giữ đồng nhân dân tệ ở mức mạnh.

Giờ đây, khi một cuộc chiến thương mại mới với Washington đang cận kề, Bắc Kinh cân nhắc xem có nên làm suy yếu đồng nội tệ để đối phó nếu chính quyền Trump sắp tới tăng thuế hay không. Theo Wall Street Journal , đây là liều thuốc đắng mà "Trung Quốc không muốn nhưng có thể sẽ phải uống".

Trong cuộc điện đàm hôm 17/1 với Tổng thống đắc cử Donald Trump , ông Tập gửi tín hiệu rằng ông muốn thương lượng với đội ngũ mới trong Nhà Trắng, cho rằng cả hai bên nên "tìm ra giải pháp phù hợp cho các vấn đề".

Đồng nhân dân tệ không chỉ là phương tiện thanh toán, mà còn là một biểu tượng chính trị rất quan trọng để Trung Quốc thể hiện sức mạnh.

Trong cuộc chiến thương mại lần trước với Mỹ, Trung Quốc đã phá giá đồng nhân dân tệ khoảng 13% để đáp trả chính sách tăng thuế quan của ông Trump: Đồng nhân dân tệ yếu hơn khiến hàng xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn. Chiến lược này khiến ông Trump tức giận, nên vào năm 2019 chính quyền Mỹ đã dán nhãn Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ.

Lần này, tình hình phức tạp hơn. Đồng nhân dân tệ không còn miễn nhiễm với áp lực thị trường và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã phải để nó suy yếu, một phần vì tình trạng kinh tế bất ổn và một phần do tâm lý thị trường cho rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ có nhiều xung đột hơn. Điều này hạn chế khả năng Bắc Kinh có thể dùng đồng nhân dân tệ như một công cụ để chống lại chính sách thuế quan.

Wall Street Journal dẫn thông tin từ những người nắm được tình hình cho biết, tại Bắc Kinh đang có một cuộc tranh luận nội bộ về việc nên để đồng nhân dân tệ suy yếu đến mức nào.

Ở một bên, các quan chức theo định hướng thị trường và chuyên gia kinh tế của chính phủ cho rằng PBOC không nên can thiệp nhiều hơn, nghĩa là cứ để thị trường kéo đồng nhân dân tệ xuống thấp hơn. Theo họ, với cách này PBOC không còn phải bảo vệ đồng nhân dân tệ mà tập trung thúc đẩy tăng trưởng thông qua các chính sách tiền tệ như cắt giảm lãi suất.

Phe còn lại là những người muốn duy trì ổn định tài chính. Họ coi cách tiếp cận trên là quá rủi ro, lo ngại việc phá giá tiền tệ sẽ dẫn đến tình trạng chảy vốn đầu tư ra khỏi Trung Quốc.

Theo ông Brad Setser, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ và hiện là thành viên cấp cao của Hội đồng Quan hệ đối ngoại, cho rằng nếu ông Trump thực hiện lời hứa tăng thuế quan thì "việc phá giá có kiểm soát sẽ là điều khó có thể tránh khỏi đối với Trung Quốc, dù đó không hẳn là điều họ muốn".

Các nhà quan sát cho rằng ông Tập muốn ưu tiên bảo vệ đồng nhân dân tệ.

Trong chuyến thăm PBOC vào tháng 10/2023, ông dành nhiều thời gian với cơ quan giám sát dự trữ ngoại hối của đất nước, nơi quản lý khoảng 3 nghìn tỷ USD có thể dùng để bảo vệ đồng nhân dân tệ.

Một người tin nội bộ cho biết, sau khi đến PBOC, ông Tập thăm xưởng in tiền quốc gia, nơi sản xuất tiền xu và tiền giấy cho PBOC.

Chuyến thăm lần đó diễn ra khi đồng nhân dân tệ đang được giao dịch ở mức thấp nhất trong khoảng 16 năm so với đô la Mỹ, và nền kinh tế Trung Quốc đang chật vật phục hồi sau đại dịch.

Ngay sau chuyến thăm đó của ông Tập, các ngân hàng nhà nước của Trung Quốc tăng cường hỗ trợ đồng nhân dân tệ bằng cách bán lượng đô la họ nắm giữ.

Theo WSJ