Quán cà phê ‘bán’ sự yên tĩnh ở TP.HCM

Ghé vào quán cà phê trên đường Võ Văn Ngân, Ngọc Trân tự giác hành động nhẹ nhàng vì không gian quá yên tĩnh, đến mức chỉ nghe thấy tiếng bước chân của cô và âm thanh bàn phím.

Tối cuối tuần, quán cà phê kín khách, chỉ còn lại 1-2 chiếc bàn nhỏ ở tầng trệt. Gọi xong đồ uống, Trân và nhóm bạn chọn chỗ ngồi gần cửa ra vào.

Trong vài phút đầu, không ai bảo ai, nhưng tất cả đều làm mọi thứ thật khẽ khàng, tránh gây ra tiếng động.

"Tôi có cảm giác mình bước nhầm vào thư viện chứ không phải quán cà phê", Trân đùa vui.

Cô gái 25 tuổi kể rằng tất cả khách hàng trong quán cà phê đều rất chăm chú trước máy tính cá nhân. Mỗi người một laptop, một số còn mang theo sách vở, chăm chú ghi chép.

"Mọi người đều chăm chú học bài hoặc làm việc mà mình lại lớn tiếng thì rất kỳ cục", Trân nói thêm

Không chỉ là nơi tụ tập bạn bè, thưởng thức đồ uống, các quán cà phê giờ đây còn trở thành không gian học tập, làm việc của nhiều người. Không ít quán ở TP.HCM còn nổi tiếng "yên tĩnh như thư viện", là nơi dành riêng cho những "công dân laptop". Một số quán treo biển đề nghị khách hàng tránh làm ồn, nhưng những nơi khác không có quy định rõ ràng.

quan ca phe lam viec anh 1

Khách đến quán cà phê trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) để học bài, thi online.

Làm việc, học bài, thi online

Cứ 2 lần/tuần, Phương Linh (21 tuổi) lại ghé quán cà phê quen thuộc trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh). Quán cà phê này được giới thiệu dành riêng cho sinh viên, freelancer vì có không gian rộng, yên tĩnh.

"Tôi thường đến đây để học bài, làm bài tập nhóm, đôi khi còn thi online", Linh cho biết.

Những quán như này còn có bàn ghế cao, nhiều ổ cắm điện, wifi mạnh, ghế thoải mái nếu ngồi làm việc lâu.

"Nếu ngồi học ở nhà một mình, tôi dễ bị phân tâm. Nhưng khi ra ngồi ở quán, xung quanh là những người chạy deadline như mình, tôi cảm thấy tập trung và có động lực hơn".

Vào những đợt sát ngày thi, cô sẽ ngồi từ sáng đến tối. Khi đó, cô thường mua thức ăn từ bên ngoài, gọi khoảng 2-3 ly nước của quán.

"Những quán cà phê học bài này thường sẽ có không gian mở như ban công, tầng thượng, bàn bên ngoài để khách ngồi ăn. Hơn nữa, một số quán còn mở cửa 24h nên khá lý tưởng để ngồi ôn bài".

Trái ngược với Linh, Minh Nguyên (26 tuổi) không thường xuyên đến các quán cà phê làm việc. Anh cho biết mình đi cà phê chủ yếu để gặp gỡ, trò chuyện với bạn bè, nên cảm thấy không thoải mái khi đến những nơi quá yên tĩnh.

"Khi tới không gian như vậy, dù không ai cấm cản gì mình, nhưng chúng tôi cũng không thể cứ lớn tiếng nói cười như bình thường được. Nhân viên quán không nhắc nhở, thì khách hàng xung quanh cũng sẽ nhìn mình chằm chằm", anh chia sẻ.

Nguyên kể anh từng nhiều lần gặp tình huống khó xử vì "vào nhầm" quán cà phê.

"Nhầm ở đây là do mình muốn tới tụ tập bạn bè, trò chuyện nhưng nhiều khả năng không dám nói lớn hoặc chuyển ra ngồi ban công không có điều hòa để tránh làm phiền những người khác".

"Bây giờ có rất nhiều mô hình cà phê khác nhau, nhưng thường những quán mà giới thiệu mình là 'nơi dành cho tất cả', 'hay cái gì cũng có' thì chẳng thể đáp ứng đầy đủ cho bất kỳ nhóm khách nào cả", Nguyên nói.

Bài toán khó

Mong muốn xây dựng không gian yên tĩnh là một phần lý do khiến Okee Cafe quyết định mở cả hai chi nhánh bên trong chung cư cũ ở TP.HCM, bên cạnh vấn đề về tiền thuê mặt bằng và chi phí vận hành.

Kim Ngọc, quản lý Okee Cafe chi nhánh Nguyễn Trãi (quận 1), cho biết diện tích nhỏ gọn không chỉ tạo ra bầu không khí ấm cúng, mà còn giúp quán thuận lợi hơn trong việc đáp ứng nhu cầu và duy trì không gian tĩnh lặng, thoải mái cho khách hàng.

Cùng với đó, quản lý nhận định rằng khách hàng cũng góp phần công sức không nhỏ khi giúp định hình quán trở thành một không gian phù hợp để học tập, làm việc. Cửa hàng vốn không có quy định nào liên quan đến việc yêu cầu khách hàng giữ trật tự, song “ai nấy đều cư xử nhẹ nhàng”.

“Tôi không biết có phải do không gian quán khiến cho khách hàng tự có ý thức giữ yên lặng hay không. Nhưng quán tôi ít khi ồn ào, dù khách học tập, làm việc hay đến chụp ảnh check-in, tán gẫu bạn bè”, cô chia sẻ.

Kim Ngọc không phủ nhận rằng đôi khi, có trường hợp nhóm khách vô ý cười nói lớn tiếng do mải trò chuyện. Dù không có quy định, nhân viên quán sẽ nhắc nhở nhẹ nhàng, yêu cầu giữ trật tự để tránh ảnh hưởng đến không gian chung.

“Khi được nhắc nhở, họ đều vui vẻ chấp nhận và nói chuyện nhỏ nhẹ hơn”, cô kể lại.

Quản lý cho biết không gian yên tĩnh của quán cà phê đã thu hút lượng lớn khách hàng là dân văn phòng, freelancer và học sinh, sinh viên.

Đó là lý do cửa hàng thiết lập một “góc học tập” nhỏ, gồm một máy in kèm giấy A4 trắng, cùng một số văn phòng phẩm như bút viết, thước kẻ, máy dập ghim…

Phía dưới chiếc bàn văn phòng phẩm là một rổ đựng các ổ điện cắm rời dành cho những ai ngồi học tập, làm việc ở vị trí không có ổ điện âm tường. Biện pháp này khá thích hợp cho một quán cà phê nhỏ nằm trong chung cư cũ, gặp hạn chế trong việc sửa mặt bằng.

“Ý tưởng này được cửa hàng thêm vào sau một thời gian vận hành và quan sát trải nghiệm của khách đến quán. Tất cả đều miễn phí”, cô nói.

Việc bổ sung các trang thiết bị văn phòng, đồ dùng văn phòng phẩm tại quán cũng được Sống Cà phê quan tâm bởi đối tượng khách hàng chính của quán là học sinh, sinh viên và nhân viên văn phòng.

Ngoài ra, quán trang bị thêm một số đồ dùng như ổ cắm điện, móc treo ba lô hoặc giỏ đựng đồ, cũng như mở cửa xuyên suốt 24/7 nhằm phục vụ những khách hàng “chạy deadline”.

Ái Lan, cửa hàng trưởng của chi nhánh Lê Thị Riêng (quận 1), cho biết quán chia thành hai không gian riêng biệt nhằm đáp ứng nhu cầu của từng nhóm khách hàng.

Trong khi tầng trệt dành cho những vị khách uống cà phê và tán gẫu, tầng trên được dùng làm “không gian học tập” (Study space), dành cho những người tìm kiếm không gian yên tĩnh để tập trung làm việc, nghiên cứu. Khi gọi món tại quầy ở tầng trệt, khách sẽ được hướng dẫn để lựa chọn chỗ ngồi phù hợp nhu cầu.

quan ca phe lam viec anh 6

Quán cà phê trên đường D5 (quận Bình Thạnh) treo biển đề nghị khách giữ yên lặng trong không gian học bài, đọc sách.

Bên cạnh đó, một bảng quy định được đặt ngày ở quầy order, trong đó ghi rõ “Vui lòng không làm ồn hoặc to tiếng ở khu vực Study, tránh làm phiền đến người khác”. Một số ghi chú nhắc nhở tương tự cũng được dán trên tường và tại bàn ở khu vực không gian học tập.

Dù vậy, cửa hàng trưởng thừa nhận rằng thật khó để đảm bảo trật tự hoàn toàn do vẫn có những trường hợp làm ồn, gây ảnh hưởng không gian chung. Dù nhân viên chủ động nhắc nhở, hoặc hướng dẫn khách xuống tầng trệt để tránh ảnh hưởng đến những người khác, tình trạng vẫn có thể tái diễn.

Câu chuyện khách “ngồi 4-6 tiếng mà chỉ gọi một ly nước” cũng là một vấn đề nan giải đối với cửa hàng. Thậm chí, có những người đi cùng nhóm đông, sử dụng dịch vụ quán nhưng không gọi đồ ăn, uống.

Ái Lan cho biết chi phí vận hành của quán cà phê mở cửa 24/7 là “rất cao”, nên việc khách hàng chỉ dùng một ly nước trong khi ngồi lâu gần như không đem lại lợi nhuận. Trong khi đó, quán lại không thể nhận thêm khách mới khi đã kín chỗ ngồi.

“Chúng tôi đang tìm cách để giải quyết ‘bài toán khó’ này, sao cho vừa có thể duy trì kinh, vừa làm hài lòng khách hàng. Hiện cửa hàng chưa có giới hạn thời gian ngồi tại quán của khách hàng, chỉ mới đề ra quy định phụ thu 40.000 đồng/khách đối với những ai không gọi đồ ăn, thức uống”, cô chia sẻ.

Vị trí của cà phê Việt Nam trên bản đồ thế giới

Theo sách Bản đồ thế giới cà phê của James Hoffmann, sản lượng cà phê lớn ở Việt Nam từ thập niên 1990 đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành công nghiệp cà phê toàn cầu. Sản lượng cà phê Việt Nam tăng gấp đôi trong giai đoạn 1996-2000, tác động lớn đến giá cà phê thế giới. Đến nay, Việt Nam vẫn là quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới. Dù vậy, tác giả James Hoffmann cho rằng chất không đi với lượng ở thị trường tiềm năng này.