Quan hệ Việt - Lào có ý nghĩa chiến lược

Trải qua hơn 60 năm, sự đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau trong nhiều hoàn cảnh là điều thường trực trong quan hệ Việt - Lào.

Quan hệ Việt - Lào có ý nghĩa chiến lược - Ảnh 1.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith vẫy tay chào thiếu nhi Hà Nội tại lễ đón ngày 10-9 - Ảnh: DANH KHANG

21 phát đại bác đã rền vang trong lễ đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith tại Hà Nội vào ngày 10-9, mở đầu chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên và kéo dài bốn ngày của ông tới Việt Nam.

Trải qua hơn 60 năm, sự đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau trong nhiều hoàn cảnh là điều thường trực trong quan hệ Việt - Lào. Hai tổng bí thư, chủ tịch nước Việt Nam và Lào đã nhấn mạnh đó là nguồn sức mạnh to lớn nhất, có ý nghĩa sống còn với cả hai đảng, hai nước.

Bảo đảm thiết thực, hiệu quả

Tại hội đàm ngay sau lễ đón trọng thể, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định Việt Nam sẽ cùng với Lào giữ gìn, vun đắp cho mối quan hệ Việt Nam - Lào và mối quan hệ đoàn kết giữa ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia ngày càng phát triển đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả trên các lĩnh vực.

Hai tổng bí thư, chủ tịch nước nhấn mạnh quan hệ Việt Nam - Lào là tài sản chung vô giá của hai dân tộc và có ý nghĩa chiến lược đối với sự ổn định và phát triển của mỗi nước. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh sự đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai đảng, hai nước là tất yếu khách quan, quy luật lịch sử và là một trong những nguồn sức mạnh to lớn nhất, có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp cách mạng, xây dựng và bảo vệ tổ quốc của hai đảng, hai nước.

Đi sâu trao đổi phương hướng thúc đẩy hợp tác giữa hai nước thời gian tới, hai bên nhất trí tiếp tục đưa quan hệ chính trị đi vào chiều sâu. Trong bối cảnh các thách thức an ninh ngày càng đa dạng và phức tạp, hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường trụ cột hợp tác về quốc phòng - an ninh, bảo đảm chỗ dựa vững chắc cho nhau.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith cũng nhất trí nhận thức chung nỗ lực thúc đẩy tạo bước đột phá, nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật.

Hai bên khai thác, phát huy tối đa tiềm năng và thế mạnh của mỗi nước, đẩy mạnh thực chất kết nối hai nền kinh tế về thể chế, hạ tầng cơ sở, giao thông, viễn thông, du lịch để tạo sự hợp tác, cùng phát triển lâu dài cho cả hai nước.

Lào ghi nhận sự giúp đỡ của Việt Nam

Trước thềm chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào, ấn phẩm điện tử của báo Pasaxon, cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, khẳng định sự giúp đỡ của Việt Nam đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Lào.

Lấy một lát cắt là giai đoạn từ năm 2021-2025, Chính phủ Việt Nam nhất trí viện trợ cho Chính phủ Lào 3.600 tỉ đồng. Trong đó năm 2021 đã giải ngân 719,3 tỉ đồng, năm 2022 giải ngân 733,6 tỉ đồng, năm 2023 giải ngân 751,2 tỉ đồng và năm 2024 giải ngân 719,2 tỉ đồng.

Các dự án viện trợ đã được hoàn thành kể từ năm 2021 đến thời điểm hiện tại là 18 công trình/dự án. Trong đó nổi bật là dự án tòa nhà Quốc hội mới, Trường trung học nghề kiểu mẫu Hữu nghị Lào - Việt Nam ở huyện Nongbok (tỉnh Khammuon) và dự án Học viện Chính trị công an nhân dân…

Có thể nói vị trí địa lý "sông liền sông, núi liền núi" của Việt Nam và Lào đã góp phần tạo nên sự gắn kết giữa hai nước một cách tự nhiên khi Việt Nam được ví như "cửa ngõ" ra biển của Lào.

Trong 7 tháng đầu năm 2024, giá trị thương mại Lào - Việt Nam đạt mức tăng trưởng 17% so với cùng kỳ năm trước. Quan hệ thương mại có xu hướng tăng trưởng theo từng tháng, từng năm để tiến tới đạt mục tiêu tăng trưởng 10 - 15%/năm theo mục tiêu mà hai chính phủ đề ra.

Nhưng sự gắn kết giữa hai nước không chỉ đến từ việc giao thương hay gần gũi về mặt địa lý. Tại hội đàm ngày 10-9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith đã có lý giải cho điều này.

Sự gắn kết ấy đến từ sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu, chí tình, chí nghĩa và có hiệu quả mà hai đảng, hai nhà nước và nhân dân hai nước đã dành cho nhau trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước ngày nay.

Cũng trong ngày 10-9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith đã hội kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính, gặp nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và tiếp đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào.

Hoạt động của phu nhân Lào

Ngày 10-9, phu nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Naly Sisoulith đã đến thăm bà Ngô Thị Mận, phu nhân cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, và tưởng nhớ ông tại nhà số 5 phố Thiền Quang (Hà Nội). Hai phu nhân cũng đã trò chuyện thân tình, chia sẻ về những kỷ niệm đẹp khi gặp mặt ở Việt Nam và Lào.

Bà Naly Sisoulith xúc động khi thăm hỏi tình hình sức khỏe của phu nhân Ngô Thị Mận cùng gia đình và buộc chỉ cổ tay cho bà Ngô Thị Mận với lời chúc đem lại sức khỏe, may mắn và bình an.

Chiều 10-9, phu nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm - bà Ngô Phương Ly - và phu nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith - bà Naly Sisoulith - đã đến thăm làng trẻ em Birla Hà Nội, tại số 4 Doãn Kế Thiện (quận Cầu Giấy). Đây là nơi tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em không có nguồn nuôi dưỡng và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt.

Nhân dịp này, hai phu nhân đã tặng sách và dụng cụ học tập, trao 85 phần quà và cùng dự chương trình Vui Tết Trung thu với các em nhỏ.

Quan hệ Việt - Lào có ý nghĩa chiến lược - Ảnh 2.Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith

Chiều 10-9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith.