Ra giêng anh cưới em - Kỳ 6: Đám cưới tưng bừng ở Bình Định hồi đầu đổi mới

Đám cưới lớn ở một vùng đất quê yên bình trong những ngày đầu đổi mới ra sao? Nơi mang đến cho một người phụ nữ nhiều niềm hạnh phúc với người chồng yêu thương cùng những đứa con ngoan.

Ra giêng anh cưới em - Kỳ 6: Đám cưới tưng bừng ở Bình Định hồi đầu đổi mới - Ảnh 1.

Chú rể Lê Ngọc Mười rước cô dâu Nguyễn Thị Nhung về dinh bằng một đám cưới đầy đủ lễ nghĩa truyền thống - Ảnh: NVCC

"Cổng cưới làm bằng lá dừa, khung tre, còn chữ rồng chữ phượng dán trên lễ đường thời đó do chú Tòng, một người bạn thân của tôi, từ Quy Nhơn về làm tiếp tôi chứ tôi là chú rể không có thời gian trang trí hết được...", ông Lê Ngọc Mười vui vẻ kể về

Đám cưới thời ấy được đi ô tô thế này là linh đình lắm - Ảnh: NVCC

Dù đã bước sang tuổi lục tuần nhưng nét đẹp thời con gái vẫn còn thấp thoáng trên đôi má đỏ, môi hồng, bà Nhung tươi cười kể: "Má tôi khó lắm, ai muốn quen con gái bà thì tới nhà nói chuyện, ngồi ngoài sân nhà, luôn phải trong tầm mắt má để má canh chừng. Nhưng tôi quen ai má cũng không ưng, cho tới khi dẫn anh Mười về, má mới cho cưới".

Chinh phục người đẹp, ông Mười phải "cạnh tranh" với biết bao chàng trai xứ lạ, nhưng bà Nhung đã ưng cái bụng nên chính bà cũng tạo điều kiện để ông Mười sớm rước được mình về dinh.

"Thời anh Mười cưa tôi, cũng có người khác cưa tôi nữa, tôi nhiều lần phải chạy trốn để không phải tiếp chuyện người ta. Ngày xưa, nhà ngoại các con tôi bé xíu, có một gian rồi phải tiếp khách ở đó, cái giường kê gần đó luôn. Nên tôi chỉ có chỗ duy nhất để trốn là... chui xuống gầm giường", bà Nhung cười kể.

35 năm trôi qua, nhưng chỉ cần nhắc chút xíu là nhớ không sót chuyện nào, ông Mười cao hứng kể thêm một chuyện "kinh điển" mà đến nay vợ chồng vẫn còn ghẹo nhau trong những bữa cơm gia đình họp mặt con cái.

"Ngày xưa cưa Nhung, nhà Nhung tới đợt nhổ mì, tôi cũng theo phụ. Nhưng tôi không nhổ nổi, tôi để cổ nhổ, còn tôi theo chặt củ thôi. Mà chặt cũng không kịp tốc độ nhổ của Nhung. Lúc này tôi mới biết Nhung khỏe, thân hình mảnh mai mà cân cả ruộng khoai, may mà tôi ăn gian mấy luống để chạy theo kịp người yêu", ông Mười đến nay vẫn gọi tên vợ ngọt ngào như thuở mới yêu.

Vậy là trong hai năm công tác ở đây, ông Mười và bà Nhung đã thương nhau. Đến năm 1989 thì đôi trai tài gái sắc trình thưa cha mẹ, xin làm lễ kết hôn để về chung một nhà. Lúc đó ông Mười 30 tuổi, bà Nhung 25 tuổi.

Ra giêng anh cưới em - Kỳ 6: Đám cưới tưng bừng ở Bình Định hồi đầu đổi mới - Ảnh 3.

Ngày rước dâu khó quên - Ảnh: NVCC

Sáu lễ nghĩa để nên duyên vợ chồng

Các bậc cao tuổi gia đình ông Mười theo Nho học. Thời đó Nho giáo đã hết thịnh nhưng theo ý của cha mình, đám cưới ông Mười vẫn được tổ chức linh đình, đầy đủ sáu lễ sơ vấn, lễ thăm nhà, lễ bầu rượu, lễ đại nạp, lễ cưới và lễ chúc yết.

Ông Mười kể đầu tiên là lễ sơ vấn, hai bên gia đình sẽ uống rượu kết nghĩa sui gia, rồi trong lễ thăm nhà thì người lớn hai họ sẽ qua lại thăm nhau, xem hoàn cảnh gia đình cho yên lòng cưới dâu, gả con.

Tiếp theo là lễ bầu rượu, tức là lễ hỏi hoặc đính hôn ngày nay, lễ này chỉ được tổ chức ở nhà gái. Sau đó nữa là lễ đại nạp, nhà trai sẽ mang qua nhà gái sính lễ gồm vàng bạc và tiền phụ cỗ. Đám cưới vợ chồng ông Mười có sính lễ 2 chỉ vàng, 2 triệu đồng, 6 tem trầu cau, không rượu.

Ra giêng anh cưới em - Kỳ 6: Đám cưới tưng bừng ở Bình Định hồi đầu đổi mới - Ảnh 4.

Những ly rượu chúc hạnh phúc trăm năm - Ảnh: NVCC

"Xong xuôi 4 lễ trên thì mới đến lễ cưới. Nhà tôi tiếp tục mang qua nhà gái hai quả gồm một quả trái cây và một quả bánh, cộng thêm một mâm trầu cau và rượu. Tôi còn nhớ là một buồng cau và 12 tem trầu. Ngày tổ chức lễ này cũng là ngày rước dâu", ông Mười nói.

Cuối cùng là lễ chúc yết (hay còn gọi là lễ hầu dâu), sau ba ngày về nhà chồng, cô dâu mới sẽ mang lễ vật quay về nhà cha mẹ ruột để báo tin đã xuất giá thành công. Và theo phong tục, sáu lễ này được tổ chức riêng biệt trong sáu ngày theo trình tự, không được kết hợp chung như ngày nay.

Đã bước sang tuổi về hưu, nhưng ông Mười vẫn nhớ như in những ngày vui của 35 năm về trước. Ông kể toàn bộ lễ cưới của mình đều được trang trí thủ công trong bốn ngày bằng chính bàn tay khéo léo chú rể và những người bạn.

"Cổng cưới làm bằng lá dừa, khung tre, còn chữ rồng chữ phượng dán trên lễ đường thời đó do chú Tòng, một người bạn thân của tôi, từ Quy Nhơn về làm tiếp tôi chứ tôi là chú rể không có thời gian trang trí hết được", ông Mười nói.

Lễ rước dâu diễn ra trang trọng, về đến nhà chồng đãi hơn 300 khách mời được sắp xếp ngồi trong 25 bàn. Thời đó chưa có điện, gia đình ông Mười "chịu chơi" thuê luôn máy nổ, đèn đóm sáng trưng để làm đám cưới. Ngày cưới còn có dàn nhạc hát hò tưng bừng, một tay guitar, guitar bass, dàn trống...

Ra giêng anh cưới em - Kỳ 6: Đám cưới tưng bừng ở Bình Định hồi đầu đổi mới - Ảnh 5.

Một đám cưới thời còn khó khăn nhưng thật đầy đủ lễ nghĩa, nhất là với mẹ cha và các bậc lớn tuổi - Ảnh: NVCC

Những món ăn truyền thống ở miền Trung như chả heo, chả bò được giã tay từ thịt tươi, bánh chưng dùng nhân đậu xanh làm thành chữ song hỷ, tất cả làm thủ công trong 5 ngày.

Dù đám cưới được tổ chức linh đình, nhưng về sau điều mà bà Nhung nhớ nhất lại không hề thơ mộng, đó là một nỗi lo lắng.

Bà Nhung bật cười nhớ lại: "Quen nhau hai năm nhưng mãi đến ngày cưới tôi mới biết nhà anh Mười, trước khi cưới anh Mười cũng có dẫn tôi về Bồng Sơn là huyện Hoài Nhơn, Bình Định ngày nay, nhưng tôi nhát cáy, sợ mẹ chồng nên không dám vô nhà, cứ loanh quanh ngoài chợ Bồng Sơn. Bữa rước dâu, xe hoa chở tôi đi càng ngày càng sâu vào trong thôn quê, tôi càng đi càng sợ, mắt thì sưng vì khóc, mặt thì tái mét khi càng đi cây cối càng um tùm, tôi tưởng anh Mười đưa tôi vô rừng".

Vốn dĩ có những cảm xúc dở khóc dở cười này vì nhà bà Nhung ở mặt tiền quốc lộ 1, lớn lên nơi phố thị ồn ào, ngày ngày chỉ bán chè trước cửa, chưa từng đi đâu xa, đặc biệt vào những vùng thôn quê như Bồng Sơn thời đó.

Tuy nhiên càng về sau này, vùng đất quê yên bình càng mang đến cho bà nhiều niềm hạnh phúc với người chồng yêu thương cùng những đứa con ngoan...

May mắn được lớn lên trong tình yêu thương

Quen cảnh ba mẹ hay ghẹo nhau chuyện yêu đương, cưới hỏi ngày xưa, chị Mỹ Chi, 33 tuổi, con út của vợ chồng ông Mười, tâm sự mình may mắn được lớn lên trong tình yêu thương đầm ấm của gia đình.

"Dù những chuyện yêu đương này anh em tôi đã được nghe từ bé đến lớn, nhưng mỗi lần ba mẹ nhắc lại tôi đều xúc động. Nhờ tình yêu của ba mẹ, học cách ba mẹ đối đãi tử tế với nhau, nên khi lớn lên yêu đương rồi kết hôn tôi đều rất tự tin và thoải mái", chị Chi nói.

Chị Chi tâm sự ngày mình lên xe hoa về nhà chồng, ba má chị dặn đi dặn lại rằng vợ chồng phải biết tôn trọng nhau, mình có giá trị của mình và người bạn đời cũng vậy, nên nhường nhịn và sẻ chia cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc như ba má.

-----------------------

Mỗi khi bài hát Thuyền hoa vang lên, chị Mỹ Xuyên ở Cà Mau lại bồi nhớ ngày chị được nhà chồng đưa dâu bằng xuồng hoa 19 năm về trước. "Hồi đó nghèo mà vui lắm. Đám cưới có gì đâu, mộc mạc, giản dị thôi à".

Kỳ tới: "Thuyền em đi trên sông trăng sáng, cưới nhau về ta rước hội vui"

Ra giêng anh cưới em - Kỳ 6: Đám cưới tưng bừng ở Bình Định hồi đầu đổi mới - Ảnh 3.Ra giêng anh cưới em - Kỳ 5: Hôn lễ chỉ túp lều tranh hai trái tim vàng

Kể chuyện đám cưới từ 36 năm trước, vợ chồng thầy giáo vẫn cười nói đó là kỷ niệm họ không thể nào quên.