Rợp màu áo dài tím ngày Quốc hội thảo luận thành lập TP Huế trực thuộc trung ương

Chiều 21-11, nhiều đại biểu nữ mặc áo dài tím như ngầm gửi tình cảm và sự ủng hộ việc thành lập TP Huế trực thuộc trung ương.

Rợp màu áo dài tím ngày Quốc hội thảo luận thành lập TP Huế trực thuộc trung ương - Ảnh 1.

Nhiều nữ đại biểu Quốc hội mặc áo dài tím như ngầm gửi tình cảm, sự ủng hộ Huế lên thành phố trực thuộc trung ương - Ảnh: GIA HÂN

Chiều 21-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thành lập Trình Quốc hội thành lập TP Huế trực thuộc trung ương có 2 quận Thuận Hóa và Phú XuânTổng Bí thư Tô Lâm: Huế xứng đáng là thành phố trực thuộc trung ươngChi tiết phương án thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương

Phát biểu trong phiên thảo luận, ông Lê Trường Lưu - bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế - chia sẻ việc xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc trung ương là quá trình nỗ lực, phấn đấu lâu dài từ năm 1996 của Đảng bộ Thừa Thiên Huế.

Quá trình phát triển Thừa Thiên Huế được Trung ương Đảng, Bộ Chính trị , Chính phủ, Quốc hội và các ban bộ ngành trung ương quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ.

Đặc biệt nghị quyết 54 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nhấn mạnh mục tiêu đến 2025, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc trung ương.

"Đến nay việc thực hiện mục tiêu đã đạt nhiều thành quả hết sức quan trọng, trong đó xây dựng được mô hình đô thị theo hướng đô thị di sản, sinh thái, cảnh quan thân thiện môi trường. Đồng thời đã hình thành và phát triển đô thị Huế về văn hóa, du lịch, trung tâm giáo dục đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực và cả nước...", ông Lưu nhấn mạnh.

Rợp màu áo dài tím ngày Quốc hội thảo luận thành lập TP Huế trực thuộc trung ương - Ảnh 2.

Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu - Ảnh: GIA HÂN

Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế nhấn mạnh việc thành lập TP Huế trực thuộc trung ương có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhất là sự ủng hộ đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Về tên gọi TP Huế, tỉnh đã lấy ý kiến và nhận sự đồng thuận gần 99% của cử tri.

Đây cũng là cú hích tạo nguồn lực và xung lực mới không chỉ cho sự phát triển của Huế, vùng Nam Trung Bộ - duyên hải miền Trung mà còn đối với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, góp phần thực hiện chiến lược phát triển đô thị quốc gia.

"Với mô hình đô thị di sản, sinh thái, cảnh quan thân thiện môi trường và thông minh; không phát triển dân cư, nhà cửa mật độ cao, đô thị nén, giải quyết hài hòa bài toán bảo tồn - phát triển sẽ tạo điều kiện cho Huế giữ gìn, bảo tồn, phát huy tốt hơn các giá trị di sản đặc sắc của thế giới và cả nước. Đồng thời giữ gìn bản sắc văn hóa, phát huy tốt hơn nữa vai trò của trung tâm y tế chuyên sâu, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ của vùng và cả nước", ông Lưu nêu.

Theo ông Lưu: "Chúng tôi sẽ đầu tư, nâng chuẩn đô thị đi đôi bảo vệ, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, phát triển kinh tế xã hội, nhất là lĩnh vực du lịch, công nghiệp sạch, công nghiệp văn hóa, công nghiệp công nghệ thông tin và xây dựng TP Huế xứng tầm, đáp ứng yêu cầu của Quốc hội, các vị đại biểu, cũng như phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm là cả nước vì Huế, Huế vì cả nước".

Sẽ tham mưu cơ chế, chính sách vượt trội hơn phát triển TP Huế

Quốc hội rợp màu áo dài tím ngày thảo luận thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà - Ảnh: GIA HÂN

Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chia sẻ: "Hôm nay Quốc hội thảo luận một nội dung có ý nghĩa lịch sử, một sự kiện mang tính lịch sử để đi đến xem xét và quyết định thành lập TP Huế trực thuộc trung ương, thành phố di sản, văn hóa đầu tiên của Việt Nam".

Theo bà Trà: "TP Huế cũng sẽ là thành phố di sản văn hóa của thế giới, thành phố kết nối với 8 di sản thế giới (của Việt Nam) được UNESCO công nhận và vinh danh. Ý kiến của các đại biểu hôm nay cũng đầy cảm xúc vui, phấn khởi, tự hào về đất nước, về tương lai cho sự phát triển TP di sản văn hóa đầu tiên của Việt Nam".

Bà Trà cho biết khi xây dựng dự thảo đề án có tham khảo kinh nghiệm quốc tế khi họ thành lập các đô thị di sản trên thế giới. Theo đó làm sao để bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô, bản sắc văn hóa Huế, trong đó lấy bảo tồn là cốt lõi để xây dựng và phát triển TP Huế.

Mục tiêu đặt ra phải bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tốt hơn, mạnh hơn, chất lượng hiệu quả hơn, tạo nguồn lực cho sự phát triển của Huế và sức lan tỏa cho Huế với cả vùng, cả nước.

Về ý kiến cần cơ chế đặc thù, vượt trội để Huế phát triển nhanh, bền vững, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết hiện Chính phủ đang sơ kết các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội.

Khi có kết luận mới của Bộ Chính trị, Chính phủ sẽ tham mưu Quốc hội ban hành nghị quyết mới với các cơ chế, chính sách vượt trội hơn, mạnh hơn, toàn diện hơn nhưng sát vào những cốt lõi, cơ bản để bảo tồn và phát huy những di sản.

Mục tiêu đặt ra phát triển đô thị Huế theo yêu cầu phát triển đô thị xanh, hài hòa bản sắc, văn minh và hiện đại. Trong đó hết sức chú trọng phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và một số mục tiêu để có thể gắn với chương trình.

"Chúng ta xác định đây là thành phố cố đô, và đây là thành phố di sản văn hóa duy nhất của Việt Nam cho nên cần ưu tiên tập trung cho vấn đề này", bà Trà nhấn mạnh.

Quốc hội rợp màu áo dài tím ngày thảo luận thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương - Ảnh 1.Tổng Bí thư Tô Lâm: Huế xứng đáng là thành phố trực thuộc trung ương

Tổng Bí thư Tô Lâm chia sẻ: "Tôi thấy Huế xứng đáng. Tuy nhiên lên TP cần một giai đoạn, bước quá độ... Chúng ta hy vọng thời gian đó không quá dài".