Phát biểu kết luận tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về đánh giá đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực y tế diễn ra sáng 23/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, cho biết, chúng ta đã triển khai nhiều giải pháp nhưng thực tế hàng giả, hàng gian lận thương mại còn nhiều, đặc biệt trong lĩnh vực liên quan y tế, kinh doanh thương mại điện tử.
Vì thế, Bộ trưởng cho rằng cần có giải pháp mạnh mẽ hơn để tập trung giải quyết vấn đề này. Đây không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam mà cả thế giới, vì thế chúng ta cũng cần chú ý đến vấn đề nhập khẩu.
Theo Bộ trưởng, hàng giả, gian lận thương mại, không rõ nguồn gốc xuất xứ trong lĩnh vực thuốc, thực phẩm chức năng không chỉ là vi phạm đơn thuần về thương mại mà là tội ác. Việc sử dụng các mặt hàng này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người dân.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan yêu cầu chấn chỉnh hoạt động liên quan đến việc cấp phép, gia hạn, tiếp nhận bản công bố, kiểm tra kiểm định… (Ảnh: Trần Minh).
"Theo tinh thần chỉ đạo chung bảo vệ sinh mạng, sức khỏe của người dân là trên hết, chúng ta cần quán triệt trong toàn bộ hệ thống từ trung ương đến địa phương để thực hiện nội dung này. Cứ quan tâm bình bình như các mặt hàng giả khác là không được, chúng ta nên dành sự quan tâm hơn.
Làm sao để chúng ta đi tận cùng vấn đề, đưa giải pháp mạnh mẽ hơn để có chuyển biến trong thời gian tới?", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Không để "con sâu làm rầu nồi canh"
Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị chấn chỉnh việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, công vụ liên quan đến việc cấp phép, gia hạn, tiếp nhận bản công bố, kiểm tra kiểm định…, nghiêm túc rút kinh nghiệm nội dung này. Qua đó, từ trung ương đến địa phương đều cần rà soát lại, chấn chỉnh xem khâu nào còn kẽ hở, còn vướng mắc.
Đồng thời, quán triệt, nâng cao nhận thức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhân viên triển khai thực hiện các nhiệm vụ này để không xảy ra vụ việc như tại Cục An toàn thực phẩm.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc diễn ra sáng 23/5 có sự tham gia đầy đủ của các địa phương, một số bệnh viện (Ảnh: T.D).
"Tất nhiên không phải vì một "con sâu" làm rầu nồi canh nhưng nếu chúng ta không làm nghiêm thì sẽ có vấn đề. Đây là việc làm thường xuyên, liên tục có những cảnh báo, cảnh tỉnh.
Nếu còn vi phạm pháp luật thì chúng tôi đề nghị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, không có vùng cấm, không nể nang. Chúng ta làm nhiệm vụ liên quan y tế, tối cao nhất là sức khỏe của người dân", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Người đứng đầu ngành y cũng thừa nhận cuộc đấu tranh chống hàng giả, gian lận thương mại có nhiều khó khăn. Chỉ một mình ngành y tế không làm được nếu thiếu sự tham gia của các bộ, ban ngành và cả địa phương.
"Đây là vấn đề phối hợp, làm kiên quyết, không ngừng, không nghỉ, chứ không phải ra quân triển khai một tháng sau đó nghỉ. Cái gì thuộc trách nhiệm của vụ, cục trên này, cái gì khó khăn của sở thì có giải pháp, lộ trình giải quyết ngay, như vấn đề con người, tăng cường xây dựng kế hoạch, chi phí hậu kiểm…", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng mong muốn 2 Bộ Công thương, Công an sớm triển khai vấn đề truy xuất hàng hóa, Bộ Y tế sẽ kết nối trong lĩnh vực y tế.
Đồng thời, cũng đề nghị xử lý mức cao nhất với hàng giả trong lĩnh vực y tế để mang tính chất răn đe, cảnh tỉnh các doanh nghiệp, người kinh doanh khác.
"Bản thân cơ quan quản lý nhà nước không thể đi đến tất cả mọi doanh nghiệp nhưng một vụ sẽ mang tính chất cảnh tỉnh nếu chúng ta có chế tài nghiêm", Bộ trưởng nói thêm.