Sàn thương mại điện tử 'dỏm' lừa tiền tỷ từ sinh viên đến 'bậc thầy' kinh tế

Từ sinh viên còn non kinh nghiệm tới vị giảng viên kiến thức đầy mình đều mất khoản tiền lớn chỉ trong một ngày vì sập bẫy các sàn thương mại điện tử dỏm.

Nữ sinh viên bị sàn TMĐT giả, lừa 350 triệu chỉ trong một ngày.


"Đâm lao thì phải theo lao"

Với mong muốn kiếm việc làm thêm để chia sẻ gánh nặng chi phí cho cha mẹ ở miền Trung, nữ sinh viên Lam Anh (nạn nhân đề nghị đổi tên) ở TP.HCM được một người bạn có tên H.T.T.A tiếp cận qua mạng xã hội, giới thiệu làm cộng tác viên cho sàn thương mại điện tử Lazada.

H.T.T.A không phải người xa lạ với Lam Anh. Cách đây một năm, cô nữ sinh năm 3 tham dự một buổi ngoại khóa của trường, ở đó cô gặp T.A - người giới thiệu là sinh viên năm thứ 4 của Đại học Kinh tế TP.HCM.

Sàn thương mại điện tử 'dỏm' lừa tiền tỷ từ sinh viên đến 'bậc thầy' kinh tế- Ảnh 1.

Chị Lam Anh - Nạn nhân của sàn thương mại điện tử giả mạo.

"Tôi đã nghe truyền thông báo chí nói nhiều về việc nhẹ lương cao ở Campuchia. Nhưng thương mại điện tử phù hợp với sinh viên chúng tôi, tài khoản người giới thiệu lại đúng là người chị tôi từng gặp ở buổi ngoại khóa nên tôi không nghi ngờ gì”, Lam Anh chia sẻ.

Công việc “dễ nhưng lương khủng” mà T.A giới thiệu cho Lam Anh khi làm cộng tác viên của Lazada rất đơn giản, đó là thanh toán các đơn hàng của khách để hưởng lương 250 nghìn đồng mỗi ngày cộng hoa hồng có thể lên tới 20% mỗi đơn hàng được chốt.

Để làm được việc đó, Lam Anh phải khai báo thông tin, mở tài khoản cộng tác viên Lazada nhưng lại ở địa chỉ truy cập “da.6555.com”. Tiếp đó, cộng tác viên phải chốt thanh toán đủ 18 đơn, chia làm 3 ca.

Sau mỗi ca có thể rút tiền gốc và hoa hồng về. Nhưng để có thể chốt đơn, cộng tác viên phải nạp tiền trước vào tài khoản Sacombank 0394227157 của Công ty TNHH DVTM DT GHN.

Những đơn đầu tiên được chốt thành công rất nhanh với giá trị thấp như hộp nước hoa mini 28 nghìn đồng, máy sủi oxy 19 nghìn đồng, dây chà lưng massage 15 nghìn đồng.

Tuy nhiên, Lam Anh chỉ có thể nạp tiền vào tài khoản nói trên mà không rút được tiền ra vì đủ thứ lý do kỹ thuật được đổ lỗi cho cộng tác viên như thao tác sai, mà nếu muốn được trả toàn bộ số tiền, cộng tác viên phải tiếp tục chốt đơn.

Những đơn tiếp theo bắt đầu nhảy vọt về giá trị như tủ lạnh 57 triệu, túi xách 58 triệu, xe SH 85 triệu… cho đến đồng hồ Rolex 427 triệu 500 nghìn đồng.

Sàn thương mại điện tử 'dỏm' lừa tiền tỷ từ sinh viên đến 'bậc thầy' kinh tế- Ảnh 2.

Lịch sử giao dịch của Lam Anh trên sàn TMĐT giả mạo.

Trong thế “đâm lao phải theo lao”, Lam Anh đã hoàn thành thanh toán đủ 18 đơn với số tiền lên tới 350 triệu đồng nhưng cũng không thể rút ra, vì lý do được T.A cho là cộng tác viên “thao tác sai nên tài khoản bị khóa để xác minh”.

Lúc này, T.A gửi cho Lam Anh số điện thoại 039.8505.296 của người mà cô ta giới thiệu là Lê Thành Công - phụ trách kỹ thuật của Lazada. Khi liên lạc với số trên, người xưng Lê Thành Công hướng dẫn muốn rút tiền thì Lam Anh lại phải nạp vào tài khoản của công ty số tiền 150 triệu đồng.

T.A chặn liên lạc với Lam Anh. Nhưng đến thời điểm này, người xưng danh là “phụ trách kỹ thuật của Lazada ở 67 Lê Lợi, TP.HCM” vẫn tiếp tục nhắn tin yêu cầu cô nữ sinh chuyển tiền để được “xác thực tài khoản” cộng tác viên.

“Ban đầu tôi ngỡ mình là nhân viên mới làm sai kỹ thuật nên cứ cố chốt hết đơn này sang đơn khác để rút tiền về. Và tôi đã mất hết 350 triệu trong một ngày, đó là số tiền tôi tiết kiệm từ làm thêm, học bổng và xin cả tiền gia đình. Tôi không biết phải làm sao nữa”, Lam Anh chia sẻ.

“Thả con săn sắt, bắt con… cá lớn”

Nếu như nữ sinh Lam Anh chưa có nhiều kinh nghiệm, bị nhóm lừa đảo đưa vào thế “đâm lao phải theo lao” thì anh Học 35 tuổi (nạn nhân đề nghị đổi tên), từng bao năm vật lộn kinh doanh nhiều ngành nghề ở TP. HCM lại sập bẫy “con săn sắt” và phải cay đắng thừa nhận đường dây lừa đảo ngày nay quá… “đẳng cấp”.

Thời gian qua, cũng giống như nhiều hộ kinh doanh khác ở TP.HCM, anh Học trả mặt bằng kinh doanh truyền thống, chuyển sang online với hướng đi là thương mại điện tử nhằm tiết kiệm chi phí.

Thông qua mạng xã hội, anh nhận lời làm đại lý cho Công ty TNHH Amazon Việt Nam, được một người giới thiệu là chi nhánh của Sàn thương mại điện tử đa quốc gia Amazon.

Anh Học dành thời gian tìm hiểu thì đúng là có tồn tại công ty trên với đầy đủ địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế, người chịu trách nhiệm ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Sàn thương mại điện tử 'dỏm' lừa tiền tỷ từ sinh viên đến 'bậc thầy' kinh tế- Ảnh 3.

Anh Học bị mất khoản tiền lớn khi làm đại lý cho sàn thương mại điện tử giả mạo.

Là đại lý của Amazon, anh Học không cần kho bãi, không cần kiến thức nhưng lại có “đặc quyền” lấy hàng của Amazon với “giá kho” rồi bán cho khách hàng với chênh lệch khoảng 20%. Tuy nhiên, anh Học cũng không cần phải bán hàng vì đã có Amazon lo, việc của những đại lý như anh chỉ là chuyển tiền hàng.

Trên thực tế, sau khoảng 2 đến 5 ngày, tiền đã liên tục về tài khoản của anh Học để thanh toán các đơn hàng có giá trị từ 5 đến hơn 50 USD. Nhưng khi anh Học chốt thanh toán đơn hàng là một thiết bị điện có giá 4.798 USD thì tài khoản đại lý của anh lập tức bị vô hiệu hóa, toàn bộ số tiền bị chiếm đoạt.

" Chúng đánh vào nhu cầu muốn kinh doanh buôn bán với những công ty lớn như Amazon. Khi tôi lập cửa hàng, hàng hóa của tôi sẽ được bán trực tiếp trên Amazon”, anh Học nói.

Sàn thương mại điện tử 'dỏm' lừa tiền tỷ từ sinh viên đến 'bậc thầy' kinh tế- Ảnh 4.

Sàn thương mại điện tử giả mạo.

Từ giấy phép kinh doanh của Công ty TNHH Amazon Việt Nam mà anh Học được nhóm lừa đảo cung cấp để làm tin, phóng viên Báo điện tử VTC News đã liên hệ với người đại diện pháp luật trên giấy phép là ông Hồ Sĩ Bảo.

Ông Bảo cho biết, ông từng sở hữu một công ty về thực phẩm có tên Công ty TNHH Amazon Việt Nam nhưng đã làm thủ tục ngừng hoạt động từ năm 2021. Và các đối tượng đã làm giả, sao chép thông tin từ giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của ông để lừa đảo.

“Nhiều người gọi đến cho tôi nói họ bị lừa hơn một tỷ bạc. Một tỷ là bình thường. Hôm qua thì có người gọi nói đã bị lừa 15 triệu rồi, sau đó nó yêu cầu chuyển thêm 200 triệu nữa thì nạn nhân mới gọi cho tôi”, ông Bảo nói và cho biết anh Học không phải là nạn nhân duy nhất.

Không có việc dễ, lương khủng

Phóng viên Báo điện tử VTC News đã liên hệ với Lazada Việt Nam và đại diện sàn thương mại điện tử này khẳng định, họ không gửi bất kỳ tin nhắn tuyển dụng không chính thống nào qua tin nhắn SMS, Zalo cũng như yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân qua các mạng xã hội.

Đại diện của sàn thương mại này cũng khẳng định, họ chỉ thu phí sản phẩm và phí vận chuyển (nếu có) cho các đơn hàng được đặt trực tiếp trên website.

Ông Nguyễn Văn Sang, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh Niên của TP.HCM cho rằng, trong bối cảnh có nhiều lao động mất việc, sàn thương mại điện tử lại bùng nổ thì hiện tượng lừa đảo tuyển dụng việc dễ dàng, lương cao là khá phổ biến hiện nay.

Và ông Sang cảnh báo: “Không có doanh nghiệp uy tín, đàng hoàng nào lại tuyển dụng lao động hay cộng tác viên chỉ qua mạng xã hội mà không cần hồ sơ, ký hợp đồng. Người dân nên cảnh cảnh giác, kiểm tra kỹ thông tin trang web, địa chỉ trụ sở của doanh nghiệp để tránh bẫy việc nhẹ lương cao”.

Nữ sinh viên Lam Anh hay một tiểu thương như anh Học trở thành nạn nhân của các sàn thương mại điện tử dỏm. Vậy ai sẽ là nạn nhân tiếp theo?

Khi được hỏi về vấn nạn này, luật sư Nguyễn Văn Hiệp – Đoàn Luật sư TP.HCM kể, không chỉ nữ sinh viên non kinh nghiệm, mà ngay đến một vị tiến sĩ – giảng viên của một trường đại học tại TP.HCM cũng mất tiền tỷ vì dính bẫy sàn thương mại điện tử giả mạo.

“Một vị tiến sĩ, giảng viên của trường đại học thừa nhận với tôi mất tiền tỷ chỉ trong một ngày. Nhưng những người như anh xấu hổ với bạn bè, đặc biệt là đồng nghiệp cơ quan, lại không chắc lấy lại được tiền nên không trình báo” , luật sư Hiệp tiết lộ.

Và để hạn chế vấn nạn trên, luật sư Nguyễn Văn Hiệp cho rằng: “Lam Anh là nạn nhân điển hình của lừa đảo trên mạng hiện nay. Cô gái này có quyền và nghĩa vụ trình báo vụ việc với cơ quan công an nơi mình cư trú. Cơ quan công an cũng cần làm rõ vai trò giới thiệu của T.A. Nếu có đủ căn cứ T.A là người đồng phạm, tiếp tay cho tội phạm thì cơ quan công an sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can”.