![]() |
Người dùng tìm kiếm từ khóa "DeepSeek". Ảnh: Cốc Cốc. |
Theo dữ liệu truy vấn tìm kiếm quý I của Cốc Cốc, người dùng Việt Nam quan tâm đến các sự kiện chính trị - xã hội trong nước, nổi bật với những thông tin về sáp nhập tỉnh thành và tinh gọn bộ máy hành chính.
Ngoài ra, văn hóa truyền thống tiếp tục được tôn vinh với trào lưu cổ phục Việt, bên cạnh sự bùng nổ của các hoạt động âm nhạc trong nước. Một số từ khóa tìm kiếm nổi bật khác còn có “máy hút ẩm”, “sít rịt” và “khi cuộc đời cho bạn quả quýt”.
Giải trí vẫn là chủ đề được tìm kiếm phổ biến nhất trong quý I, xếp sau là công nghệ, thể thao, thương mại điện tử và du lịch. Trong đó, lĩnh vực thể thao ghi nhận tăng trưởng nổi bật, lượng tìm kiếm tăng 3% so với quý trước.
Những sự kiện được tìm kiếm phổ biến
Trong quý I, người dùng đặc biệt quan tâm đến các chính sách cải cách hành chính, nhất là sáp nhập tỉnh thành và tinh gọn bộ máy Nhà nước.
Cụ thể, lượng tìm kiếm các từ khóa “sát nhập bộ”, “giảm bộ”, “tinh gọn bộ máy” tăng 162%, trong khi cụm từ “sáp nhập tỉnh thành” tăng 439%.
Các quy định mới về giao thông cũng tác động mạnh đến hành vi tìm kiếm. Từ khóa “phạt nguội” tăng 170% sau khi ứng dụng VNeTraffic của Bộ Công an chính thức hoạt động. Ngoài ra, lượng tìm kiếm về “đổi bằng lái” và “giấy phép lái xe” tăng 73% so với quý trước.
Mối lo ngại về tình trạng lừa đảo xuyên biên giới gia tăng trong quý I. Từ khóa “lừa đảo Campuchia” ghi nhận lượng tìm kiếm tăng 378%.
![]() |
Một số từ khóa tìm kiếm thịnh hành thuộc nhóm tin tức và sự kiện. Ảnh: Cốc Cốc. |
Quý I còn chứng kiến làn sóng hoài niệm và tôn vinh cổ phục Việt, đặc biệt trong giới trẻ. Xu hướng này thể hiện rõ qua lượng tìm kiếm tăng mạnh các từ khóa “cổ phục” (tăng 7%), “bách hoa bộ hành” (tăng 106%) và “áo tấc” (tăng 37%).
Một số từ khóa thời sự nổi bật khác trong quý I còn có “đánh ghen/ngoại tình”, “dịch cúm”, “cấm dạy thêm/cấm học thêm”, “vi phạm luật giao thông”, “trà sữa chagee” hay “kẹo rau củ kera”.
Các sự kiện quốc tế cũng thu hút nhiều chú ý trong quý I, chẳng hạn như “grammy/grammy 2025”, “oscar/oscar 2025”, “tai nạn máy bay Hàn Quốc”, “lệnh bắt giữ tổng thống Hàn Quốc” hay “Nga/Ukraine”.
Âm nhạc được chú ý
Quý I, người dùng còn quan tâm đến văn hóa dân gian trong âm nhạc đại chúng. Từ khóa “ca nương Kiều Anh” và “cô đôi thượng ngàn” ghi nhận mức tăng lần lượt 49% và 118% sau màn trình diễn tại chương trình Chị đẹp đạp gió 2024.
Ca khúc Bắc Bling khẳng định sức hút của mô hình giao thoa truyền thống – hiện đại khi lượng tìm kiếm tăng 600%, xoay quanh các từ khóa “Hòa Minzy”, “Bắc Bling”, “Xuân Hinh” hay “Tuấn Cry”.
Quý I cũng đánh dấu sự trở lại của các nhóm nhạc K-pop thế hệ thứ 2, thu hút sự quan tâm lớn. Các từ khóa như “Bigbang”, “G Dragon”, “Daesung” hay “Taeyang” tăng 32%, trong khi “2NE1” cũng tăng 16% về lượng tìm kiếm.
Một số nhân vật trong nước được tìm kiếm nhiều trong quý I còn có “Quý Bình”, “Vũ Cát Tường” hay “Á hậu Phương Nhi”, trong khi nhóm từ khóa quốc tế gồm “Kim Sae Ron”, “Kim Soo Hyun” hay “Chương Nhược Nam”.
"DeepSeek", "sít rịt", "chưa có đủ wow" phổ biến trên MXH
Trong quý I, thị trường công nghệ chứng kiến 2 xu hướng đáng chú ý, gồm AI và smartphone màn hình nhỏ.
Các từ khóa như “Samsung Galaxy S25” dẫn đầu lượng tìm kiếm với mức tăng 271%, vượt qua “Vivo X200” (tăng 75%) và “Xiaomi 15” (tăng 79%). Dù vậy, “iPhone 16” và “iPhone 16e” vẫn là những thiết bị thu hút lượng tìm kiếm cao.
Trong các công cụ AI, “DeepSeek” và “Grok” ghi nhận tăng trưởng lần lượt 274.686% và 9.080%.
Sự kiện TikTok bị cấm tại Mỹ cũng thu hút lượng tìm kiếm lớn trong quý I, với từ khóa “Mỹ cấm TikTok” tăng 145%. Điều này cho thấy mối quan tâm lớn từ người dùng dành cho tương lai của TikTok tại Mỹ.
![]() |
Người dùng tìm kiếm từ khóa "cơm nước gì chưa người đẹp". Ảnh: Cốc Cốc. |
Trên Internet, giới trẻ tiếp tục sáng tạo với trào lưu “joke of the day”, lượng tìm kiếm tăng đột biến 44.545%. Nội dung này liên quan đến một câu hỏi mở, đi kèm đáp án bất ngờ nhưng hợp lý.
Các từ lóng biến thể của secret (bí mật) như “sít rịt”, “sít rịt lè khe” hay “bóc trúng sít rịt” ghi nhận mức tăng 4.355%. Những cụm từ này xuất phát từ xu hướng blind box (túi mù).
“Cơm nước gì chưa người đẹp” cũng là một trong những từ khóa phổ biến đầu năm 2025. Vốn là lời hỏi thăm thân mật phổ biến tại miền Tây, nhiều người còn biến tấu với công thức “... gì chưa người đẹp?” để tạo nên câu cửa miệng mới.
Theo ghi nhận, các từ lóng phổ biến khác trong quý I còn có “thắng đời/thua đời (1-0)”, “bà nói thiệt hả bà thơ”, “thua Gia Cát Lượng mỗi cây quạt” hay “chưa có đủ wow”.
Những bộ phim, giải đấu thể thao nổi bật
Trong lĩnh vực giải trí, phim truyền hình Việt Nam đề tài gia đình thu hút quan tâm lớn. Dẫn đầu là “Cha tôi người ở lại”, được làm lại từ phiên bản Trung Quốc của phim Lấy danh nghĩa người nhà.
Bên cạnh đó, “Mẹ ác ma cha thiên sứ” tăng 141% về lượt tìm kiếm, trong khi “Mẹ lao công học yêu” cũng trở thành chủ đề thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội.
Thị trường phim truyền hình Hàn Quốc chứng kiến sự dịch chuyển khỏi chủ đề tài phiệt, nhường chỗ cho những câu chuyện gần gũi, nhân văn hơn. Tiêu biểu là “Khi cuộc đời cho bạn quả quýt” và “Trung tâm chăm sóc chấn thương”.
![]() |
Lượng quan tâm đến eSports giảm trong quý I. Ảnh minh họa: Bloomberg. |
Dữ liệu còn ghi nhận tăng trưởng trong 2 dòng phim: điện ảnh thương mại trong nước và phim hàn lâm quốc tế.
Ở thị trường nội địa, những bộ phim ghi nhận lượng tìm kiếm tăng trên 5.000% gồm “Bộ tứ báo thủ”, “Nhà gia tiên” hay “Nụ hôn bạc tỷ”. Trong khi đó, các phim quốc tế nổi bật gồm “Interstellar”, “Anora” và “The Substance”.
Trong lĩnh vực thể thao, các từ khóa “AFF Cup”, “Việt Nam vs Thái Lan” và “bóng đá Việt Nam” tăng trưởng lần lượt 774%, 916% và 474%.
Ngược lại, các giải đấu quốc tế có dấu hiệu giảm nhiệt như “ngoại hạng Anh” (giảm 2%), “Champions League” hay “Bundesliga” (cùng giảm 6%). Các từ khóa liên quan đến thể thao điện tử (eSports) như “liên minh huyền thoại”, “lol” hay “lmht” ghi nhận mức giảm 8%.
Giảm tìm giá vàng, quan tâm dịch vụ công trực tuyến
Dữ liệu từ Cốc Cốc cũng tổng hợp xu hướng tìm kiếm của 4 chủ đề khác, bao gồm xe cộ, tài chính & bất động sản, du lịch và thương mại điện tử.
Đầu năm 2025, các từ khóa liên quan đến dòng ôtô điện Green của VinFast trở thành xu hướng tìm kiếm, đặc biệt là “minio green” và “limo green”. Người dùng cũng quan tâm một số dòng xe mới như “vision 2025” (tăng 294%), “sh mode 2025” (tăng 345%), “2025 toyota camry hybrid review” (tăng 380%) và “vios 2025” (tăng 254%).
Đáng chú ý, trong nhóm từ khóa về tài chính và bất động sản, lượng tìm kiếm “giá vàng hôm nay” giảm 21% so với quý trước, và giảm 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này có thể phản ánh sự ổn định hơn trong kỳ vọng thị trường, hoặc sự dịch chuyển mối quan tâm sang các lĩnh vực đầu tư khác.
![]() |
Lượng tìm kiếm về từ khóa "giá vàng" từ tháng 11/2023 đến tháng 2/2025. Ảnh: Cốc Cốc. |
Tiếp theo, người dùng quan tâm đến các dịch vụ công trực tuyến trong bối cảnh chính phủ đẩy mạnh Kế hoạch cải cách thủ tục hành chính trọng tâm năm 2025.
Các từ khóa “làm hộ chiếu online”, “dịch vụ công kho bạc” hay “làm căn cước công dân online” tăng lần lượt 17%, 32% và 34%.
Ngoài ra, xu hướng tìm kiếm các dịch vụ thuế trực tuyến cũng tăng mạnh, với từ khóa “tra cứu mã số thuế cá nhân bằng cccd” tăng 51%. Lượng tìm kiếm từ khóa “quyết toán thuế thu nhập cá nhân” tăng 138%, trong khi “etax” tăng 61% so với cùng kỳ năm ngoái, phản ánh sự thích nghi rõ rệt của người dân sang các nền tảng thuế điện tử.
Trong nhóm du lịch, các từ khóa như “chùa tam chúc”, “chùa hương” và “hội lim” ghi nhận mức tăng lần lượt 162%, 117% và 209%, trong khi từ khóa nổi bật thuộc nhóm thương mại điện tử gồm “máy hút ẩm” (tăng 470%), “máy sấy quần áo” (tăng 105%), “baby three” (tăng 235%).
Cuốn sách phơi bày mặt tối của Facebook
"Broken Code" của Jeff Horwitz dựa trên hơn 25.000 trang tài liệu nội bộ, tiết lộ những tranh cãi, xung đột bên trong Facebook cùng tác động khôn lường của nó đến nhân loại. Tác giả tập trung vào những biến động dữ dội của mạng xã hội lớn nhất hành tinh trong những năm gần đây.