Sau sáp nhập, đây là địa phương có nhiều bến cảng biển nhất Việt Nam, chiếm gần 1/3 cả nước

Số lượng bến cảng này được kỳ vọng sẽ giúp địa phương cất cánh.

Theo Nghị quyết 60, Trung ương thống nhất chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh còn 34 đơn vị, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, 11 tỉnh thành giữ nguyên hiện trạng, 53 địa phương còn lại dự kiến sáp nhập thành 23 tỉnh thành.

Việt Nam đang có 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong đó có 28 địa phương ven biển với tổng chiều dài đường bờ biển 3.260 km. Như vậy, theo phương án sắp xếp, Việt Nam sẽ chỉ còn lại 21 tỉnh thành ven biển nhưng tỷ lệ địa phương giáp biển tăng lên 62% (21/34 tỉnh), trong khi tỷ lệ hiện nay là 44%.

Theo phương án sáp nhập Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu vào TP HCM, TP HCM mới sẽ có cảng nước sâu Thị Vải - Cái Mép thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, lớn nhất Việt Nam và đứng thứ 19 thế giới. Cảng có thể tiếp nhận tàu trọng tải đến 200.000 tấn và cũng là cảng biển duy nhất tại miền Nam có tuyến tàu trực tiếp kết nối Âu - Mỹ.

Thành phố cũng sẽ có hệ thống lên tới 89 bến cảng biển, giúp thuận tiện trong giao thương, xuất nhập khẩu hàng hoá. Nếu tính thêm 10 bến cảng dầu khí ngoài khơi thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện nay, tổng số bến cảng biển của thành phố sau hợp nhất là 99, lớn hơn nhiều so với hệ thống cảng biển lớn nhất nước hiện nay là Hải Phòng (50 bến). Như vậy, s ố bến cảng của TP HCM chiếm gần một phần ba của cả nước (hơn 300 bến), gấp 2,5 lần so với số lượng hiện tại, theo VnExpress.

Sau sáp nhập, đây là địa phương có nhiều bến cảng biển nhất Việt Nam, chiếm gần 1/3 cả nước- Ảnh 1.

Số bến cảng biển của TP HCM sẽ chiếm gần một phần ba của cả nước, nhiều nhất Việt Nam.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cảng biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được phân loại là cảng biển đặc biệt và là hệ thống cảng cửa ngõ, cảng trung chuyển quốc tế lớn nhất Việt Nam.

Cái Mép - Thị Vải có thể đón tàu container lớn nhất thế giới

Tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu tập trung mọi nguồn lực đầu tư, phát triển hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải trở thành cảng cửa ngõ, cảng trung chuyển quốc tế cấp đặc biệt của quốc gia, phát triển ngành cảng biển và hậu cần cảng Bà Rịa- Vũng Tàu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn chủ lực của địa phương.

Đầu tháng 6/2024, theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới và Hãng tin Tài chính S&P Global Market Intelligence về chỉ số CPPI (Container Port Performance Index - chỉ số hoạt động cảng container) cho 348 cảng container toàn cầu, các bến cảng container khu vực Cái Mép hiện đứng thứ 32 trên thế giới về công suất và đứng thứ 12 về chỉ số hoạt động tốt nhất.

Đến tháng 8/2024, theo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, khu vực Cái Mép - Thị Vải có khoảng 35 bến cảng, đã đưa vào khai thác 22 bến cảng (19 dự án chính thức, 3 dự án tạm khai thác), với công suất 117,8 triệu tấn/năm, trong đó gồm 7 cảng container với công suất 6,8 triệu TEU/năm.

Đặc biệt, cảng quốc tế Gemalink thuộc khu vực này hiện đã tiếp nhận thế hệ tàu container có trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay, với trọng tải lên đến 232.000 DWT và sức chứa trên 24.000 TEU.

Bên cạnh đó, khu vực cảng này đã có các tuyến dịch vụ tàu mẹ đi thẳng tới Mỹ, Châu Âu, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp chủ hàng có tàu mẹ đi từ Việt Nam tới những khu vực kể trên, đồng thời giúp hàng hóa Việt Nam không phải trung chuyển qua các cảng khác, giảm chi phí logistics.

Hiện nay, vùng chức năng công nghiệp - cảng biển được quy hoạch gắn với trục kinh tế động lực công nghiệp - cảng biển Cái Mép - Thị Vải, giúp định hướng phát triển công nghiệp cảng biển và phát triển đô thị dịch vụ tổng hợp phục vụ công nghiệp và cảng biển, dịch vụ đa ngành.

Vùng này sẽ kết nối chặt chẽ về không gian kinh tế với vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc hành lang vành đai 3, vành đai 4 và các tuyến cao tốc của vùng Đông Nam Bộ. Đồng thời, kế hoạch quy hoạch cảng biển cũng kết nối với các KCN tại Phú Mỹ, Châu Đức, Đất Đỏ, Long Điền, Bà Rịa, tăng lợi thế vận tải mời gọi các nhà đầu tư.