Shipper ở TP.HCM không kịp ăn uống, giao 400 đơn hàng/ngày

Trong 2 tuần cao điểm giao hàng cận Tết, shipper ở TP.HCM phải làm việc hết công suất, ngày giao vài trăm đơn là chuyện bình thường.

Sáng 14/1, ngồi cạnh xe hàng ở góc vỉa hè ngay trước tòa nhà văn phòng trên đường Tôn Đức Thắng (quận 1, TP.HCM), trang bị cả dù lớn để che nắng, anh Lê Chí Hướng (37 tuổi) liên tục sắp những đơn hàng la liệt khắp xung quanh. Anh lần lượt gọi điện cho từng khách xuống nhận.

Là một trong những shipper có số đơn "khủng" nhất tại tòa nhà văn phòng này, mỗi ngày anh Hướng giao hàng trăm đơn. Thời điểm sát Tết Nguyên đán, anh cùng nhiều shipper khác phải chạy đua để kịp giao đơn hàng trước khi dân văn phòng nghỉ lễ.

Đậu xe ngay bên cạnh anh Hướng, anh Bùi Kiến Thức, shipper chuyên giao hàng cho tòa văn phòng này, cũng tất bật soạn đơn. Đặc thù giao hàng cho dân văn phòng, anh cần tập trung gọi khách trước giờ nghỉ ăn trưa.

"Chị ơi xuống nhận hàng nhé, chị có hai đơn, em đứng dưới tòa văn phòng đây", "Chị lấy hàng ạ? Chờ một chút em kiểm tra", "Anh tên gì đây, để em kiếm đơn cho anh"... anh Thức vừa gọi cho khách, vừa trả đơn không ngớt tay suốt 30 phút.

Theo ghi nhận của phóng viên Tri Thức - Znews, những ngày sát ngày nghỉ Tết, các shipper đều tất bật giao hàng trăm đơn mỗi ngày. Đặc biệt, trước nhiều tòa văn phòng khắp thành phố, không khó bắt gặp cảnh các shipper bày trăm đơn hàng để giao cho khách được nhanh hơn.

Giao ngày vài trăm đơn cho dân văn phòng

Hơn 11h, anh Minh Nhật tất bật giao đơn cho những vị khách làm văn phòng tại khu Sala (quận 2, TP Thủ Đức). Chịu trách nhiệm hai tòa nhà, anh có 160 đơn cần giao trong ngày.

"Đợt này phải tranh thủ giao nhanh, nhiều khách cần nhận hàng sớm để về ăn Tết nên hối thúc, tôi cũng khá áp lực và làm việc hết công suất. Tôi cũng không kịp ăn trưa, phải chờ đến 14-15h mới kiếm gì đó ăn tạm", anh Nhật nói.'

Phải giao khoảng 200 đơn hàng trong khu đô thị Sala trong ngày giữa tuần, anh Minh Trí (33 tuổi) cũng tranh thủ gọi điện cho khách trong khung giờ nghỉ trưa, tới giữa chiều mới có thời gian đi ăn.

Những ngày cuối năm, số đơn hàng tăng lên khiến anh Minh Trí có chút áp lực. Sáng bắt đầu làm từ 7h, nhiều hôm 20h anh mới về đến nhà. Thu nhập trung bình của nam shipper loanh quanh 10 triệu đồng/tháng, có tăng vào cao điểm Tết.

"Mỗi năm chỉ có 6 tháng đầu là nhiều đơn, thu nhập cao hơn nên tôi cũng cố gắng cày cuốc", anh nói.

giao hang can Tet anh 2

Anh Minh Trí giao hàng xuyên trưa tại khu văn phòng ở Sala.

Cả anh Nhật và anh Trí đều gặp khó khăn khi thời gian gần đây thường xuyên xảy ra cảnh kẹt xe khắp thành phố, khiến việc di chuyển trên đường tốn nhiều thời gian hơn. Cả hai cho biết sẽ làm việc đến ngày 28 Tết mới nghỉ.

Thay vì làm đến sát Tết để kiếm thêm thu nhập, anh Trần Trung Hiếu (27 tuổi, quê Đồng Nai) cho biết xin nghỉ vào ngày 25/1, sớm hơn một ngày theo lịch công ty, để về quê vợ ở Bình Định ăn Tết.

"Làm Tết cũng không được nhân thêm hệ số lương nên tôi về quê sớm để đỡ chen chúc", anh bày tỏ, cho biết do đặc thù đơn vị vận chuyển của anh không có nhiều đơn như bên khác nên không quá áp lực chạy đua.

Mỗi ngày, anh có 80 đơn cần giao, thường làm việc trong 6 tiếng. Do đặc thù nhân viên văn phòng nghỉ vào cuối tuần nên những ngày thứ 2, số đơn hàng thường sẽ tăng lên.

Anh cho biết chỉ còn tuần này và tuần sau là cao điểm giao hàng. Những đơn đặt quá muộn, đơn vị vận chuyển sẽ báo để shop hủy hoặc chờ giao sau Tết.

giao hang can Tet anh 3

Anh Hiếu quyết định sẽ xin nghỉ sớm để về quê vợ ăn Tết.

Áp lực tuần cận Tết

Thực tế, việc quá tải đơn hàng mỗi dịp cận Tết không phải chuyện mới. Năm nào, cứ đến dịp này, các đơn vị vận tải đều "căng mình" để kịp giao hàng trong bối cảnh nhu cầu tăng cao và xu hướng mua sắm online bùng nổ.

Lý giải nguyên nhân hàng hóa thường tắc nghẽn cận Tết, thạc sĩ Đỗ Quang Huy - chuyên gia TMĐT, ​​Giám đốc công ty Ecotop - cho biết bên cạnh việc nhu cầu mua sắm tăng cao, hầu hết người tiêu dùng có tâm lý muốn nhận hàng trước Tết để kịp mang về quê.

Trong khi đó, các shipper cũng muốn nghỉ sớm để về quê với gia đình và có thời gian sắm Tết.

Chuyên gia cảnh báo tình trạng hàng hóa tắc nghẽn, lưu kho lâu ngày sẽ gây thiệt hại lớn đến người bán. Ở phía người mua, hàng tồn lâu có thể tạo cảm giác mất kiên nhẫn, từ đó gây ra tình trạng huỷ, không nhận hàng, gây thiệt hại về kinh tế.

giao hang can Tet anh 4

Tình trạng quá tải đơn hàng thường xảy ra dịp cận Tết. Mỗi shipper phải giao hàng trăm đơn mỗi ngày là chuyện bình thường.

Vài tuần trước kỳ nghỉ Tết, khối lượng công việc của Nguyễn Nhật Nam, shipper 22 tuổi tại quận Gò Vấp, tăng vọt, có ngày phải giao tới 400 đơn.

Từ sau Tết dương lịch, tình trạng kẹt xe xảy ra nhiều hơn, một phần vì nhu cầu đi lại tăng cao khiến thời gian di chuyển từ kho hàng đến khu vực giao của anh Nam lâu hơn.

"Ngày thường, tôi giao 200-250 đơn, tới 16h đã được nghỉ. Những ngày này, tôi giao trung bình 350-400 đơn/ngày, làm từ 6h30 đến 20h mới xong. Nhiều người rục rịch về nghỉ Tết sớm nên shipper như tôi cũng chịu áp lực phải giao số đơn nhiều hơn", Nam nói.

Vào những ngày hội sale, đỉnh điểm anh Nam giao 500 đơn/ngày và có lúc làm việc đến 23h mới nghỉ.

Anh cho biết hàng chủ yếu đợt này là quần áo, đồ trang điểm, hàng gia dụng hay phụ kiện trang trí phục vụ dịp lễ. Ai cũng đổ dồn đặt đơn để kịp nhận được trong tuần cuối cùng trước Tết, số đơn sẽ còn tăng thêm trong những ngày tới.

AI có cướp đi công việc của chúng ta?

Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.