Ngày 15/10, tại Hội nghị Sản phụ khoa Việt Pháp 2024 do Bệnh viện Phụ sản Trung ương phối hợp với Hiệp hội Sản phụ khoa Pháp (CNGOF) tổ chức, PGS.TS Vũ Văn Du, Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, tỷ lệ mổ đẻ tại Việt Nam tăng cao.
Tỷ lệ mổ lấy thai ở Việt Nam tăng gấp 3 lần, từ 12% năm 2005 lên 37% vào năm 2022, do rất nhiều sản phụ yêu cầu mổ chủ động.
Thẳng thắn nhìn nhận về thực trạng mổ đẻ gia tăng, GS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết: "Ngày nào, tại các cuộc họp giao ban, ban giám đốc cũng rất nghiêm khắc, đặt câu hỏi về những trường hợp báo cáo mổ đẻ. Chúng tôi luôn hỏi tại sao lại phải mổ đẻ và đưa chỉ số mổ đẻ vào chỉ số phát triển bệnh viện", GS Ánh nói.
GS Ánh đánh giá, dù đã cố gắng để kiểm soát tỷ lệ mổ đẻ, nhưng thực sự tỷ lệ mổ đẻ đang tăng lên trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
Cùng quan điểm này, PGS.TS Trần Danh Cường, chuyên gia sản khoa cho rằng, tỷ lệ mổ đẻ theo yêu cầu từ sản phụ ngày càng tăng cao, không phải từ chỉ định của bác sĩ.
Thậm chí, chuyên gia này còn đánh giá, có những đơn vị, tỷ lệ mổ đẻ con đầu có thể lên đến 50%, do yêu cầu của người bệnh vì tâm lý sợ đau, rồi chọn giờ đẹp sinh con.
"Nếu không mổ đẻ, sản phụ có thể lột ngay áo viện sang viện khác. Nếu không làm thì mất khách, đó là một phần thực trạng khiến tình trạng mổ đẻ tại Việt Nam gia tăng", PGS Cường nói.
Theo GS Ánh, mổ đẻ kéo theo nhiều hệ lụy. Như trong nghiên cứu về bệnh lý rau cài răng lược được GS Ánh trình bày tại hội nghị, tỷ lệ mổ đẻ tăng, kéo theo các ca rau cài răng lược tăng.
Rau cài răng lược là tai biến sản khoa vô cùng nguy hiểm, không chỉ gây nguy hiểm cho cuộc sinh mà còn đe dọa tính mạng mẹ bầu.
Bên cạnh đó, mổ đẻ làm tăng nguy cơ sẹo không liền (sản phụ đối mặt với biến chứng nguy hiểm trong lần sinh nở sau), các nguy cơ cắt tử cung do băng huyết, biến chứng gây mê, ngừng tim, suy thận cấp, thuyên tắc tĩnh mạch, nhiễm trùng hậu sản, rau tiền đạo, vỡ tử cung, vô sinh...
Với em bé sinh mổ, sức khỏe hô hấp cũng bị ảnh hưởng hơn em bé sinh thường. Em bé sinh thường phải trải qua một thời gian dài trong quá trình chuyển dạ nên phổi hoạt động tốt, hệ hô hấp tốt hơn trẻ sinh mổ.
"Đặc biệt với bệnh lý rau cài răng lược, nguyên nhân do mổ đẻ là một phần, tôi cho rằng còn bắt nguồn từ nguyên nhân các bà mẹ dùng quá nhiều thuốc bổ, thực phẩm chức năng trong thai kỳ với mong muốn thai nhi thông minh... trong khi đó, những thực phẩm này, thuốc có thể tác động đến nội tiết người phụ nữ", PGS Cường nói.
GS Ánh cho biết, tại hội nghị sản khoa, thực trạng này được đưa ra, thảo luận, để các bác sĩ cân nhắc chỉ định, thuyết phục các sản phụ hạn chế mổ theo yêu cầu.
Theo các chuyên gia, khi tư vấn cho một sản phụ muốn mổ đẻ theo yêu cầu, bác sĩ cần thông báo cho bệnh nhân rằng nguy cơ rau tiền đạo, rau cài răng lược và cắt bỏ tử cung khi có thai tăng lên sau mỗi lần sinh mổ tiếp theo. Tư vấn kỹ về các nguy cơ, để thai phụ sinh nở theo chỉ định y khoa đúng nhất, không cần chỉ định mổ thì không nên mổ.
Theo GS Ánh, hội nghị có sự tham gia của 2.000 chuyên gia sản phụ khoa trong nước và quốc tế tham gia trực tiếp và trực tuyến, cùng chia sẻ, trao đổi nhằm đưa ra những giải pháp, phương pháp mới trong điều trị, chăm sóc sức khỏe, bà mẹ và trẻ em.
Tại hội nghị, các báo cáo viên trình bày các vấn đề về sức khỏe sinh sản như: Thách thức trong tuân thủ điều trị các bệnh lý trong thai kỳ - cập nhật chứng cứ hưởng đến kết cục lâm sàng lâu dài; Chủ động tư vấn dự phòng HPV - góc nhìn từ sản phụ khoa; An toàn khi sinh - tối ưu hóa phòng ngừa băng huyết sau sinh; Sơ sinh - thành quả của ứng dụng kỹ thuật mới trong quản lý thai kỳ...