Bác sĩ chuyên khoa I Đinh Hoàng Trung, khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn, cho biết Sorbitol là một chất tạo ngọt phổ biến trong thực phẩm ăn kiêng, được nhiều người tin dùng như giải pháp thay thế đường hiệu quả.
Thế nhưng, đằng sau vị ngọt tưởng chừng an toàn ấy lại ẩn chứa tác dụng phụ nếu sử dụng không đúng cách, đặc biệt là đối với những người có bệnh lý nền.
Ẩn họa từ chất tạo ngọt được nhiều người tin dùng
Cụ thể, Sorbitol là một loại polyol (rượu đường) tự nhiên, được tìm thấy trong một số loại trái cây như táo, lê, mận và đào. Tuy nhiên, lượng Sorbitol trong trái cây thường rất ít, không đủ để đáp ứng nhu cầu sử dụng rộng rãi trong sản xuất thực phẩm và các sản phẩm khác.
Chính vì vậy, để đáp ứng nhu cầu sử dụng, Sorbitol thường được sản xuất nhân tạo bằng phương pháp khử glucose, giúp tạo ra chất ngọt với hàm lượng calo thấp hơn đường mía truyền thống.
Mặc dù chỉ ngọt bằng khoảng 60% so với đường thường, Sorbitol rất bền, không bị mất tác dụng khi nấu ăn ở nhiệt độ cao và đặc biệt là không làm sâu răng.
Vì thế, Sorbitol thường được dùng nhiều trong các thực phẩm dành cho người ăn kiêng, người bị tiểu đường, các loại kem đánh răng, nước súc miệng hay thuốc (đặc biệt là thuốc nhuận tràng, các sản phẩm hỗ trợ tiêu hóa).

Công thức của chất Sorbitol (Ảnh: BV).
Bác sĩ chuyên khoa I Đinh Hoàng Trung, khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn, phân tích, Sorbitol không làm tăng đường huyết nhanh như đường bình thường, nên thường được dùng thay thế trong một số sản phẩm dành cho người tiểu đường hoặc người muốn kiểm soát cân nặng. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể dùng thoải mái Sorbitol, vì đây vẫn là một chất hóa học mà cơ thể không hấp thụ và chuyển hóa giống như đường thông thường.
Sorbitol không được cơ thể hấp thụ hoàn toàn mà phần lớn là đi vào ruột già, làm tăng lượng nước trong phân gây kích thích nhu động ruột. Việc sử dụng Sorbitol quá nhiều hoặc không đúng cách có thể dẫn đến một số vấn đề sức khỏe như dị ứng, rối loạn tiêu hóa, đầy hơi, khó tiêu, nôn ói, thậm chí tiêu chảy.
Với những người mắc các bệnh lý về đường ruột (như hội chứng ruột kích thích, bệnh viêm ruột mạn tính), Sorbitol có thể làm tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, hay gây ra triệu chứng đau bụng, tiêu chảy hoặc khó chịu kéo dài.
Một vấn đề nguy cơ khác là nhiều sản phẩm hiện nay không ghi rõ hàm lượng Sorbitol trên nhãn mác, khiến người tiêu dùng khó kiểm soát được chất lượng này khi dung nạp vào cơ thể.
"Sorbitol có thể là con dao hai lưỡi nếu sử dụng không đúng cách hoặc với người có cơ địa nhạy cảm. Người tiêu dùng nên đọc kỹ nhãn sản phẩm, biết cách kiểm soát liều lượng và không nên lạm dụng các sản phẩm chứa Sorbitol gây ra các tác dụng phụ không mong muốn", bác sĩ Trung cảnh báo.

Sorbitol có thể làm tình trạng bệnh lý về đường ruột trở nên nghiêm trọng hơn (Ảnh minh họa: BV).
Khuyến cáo từ bác sĩ
Để sử dụng Sorbitol một cách an toàn và hiệu quả, bác sĩ khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn khuyến cáo người tiêu dùng cần lưu ý một số điểm quan trọng.
Thứ nhất, đọc kỹ nhãn sản phẩm. Kiểm tra thành phần và hàm lượng Sorbitol nếu có ghi rõ, đặc biệt trong thực phẩm "ăn kiêng", kẹo, nước giải khát, kem đánh răng hoặc thuốc nhuận tràng.
Thứ hai, không lạm dụng mà chỉ nên sử dụng Sorbitol với liều lượng phù hợp.
Thứ ba, nếu bạn đang mắc các bệnh lý nền, đặc biệt là hội chứng ruột kích thích, viêm ruột hoặc có hệ tiêu hóa nhạy cảm, hãy hỏi ý kiến chuyên gia y tế trước khi sử dụng sản phẩm chứa Sorbitol.
Thứ tư, theo dõi phản ứng cơ thể. Nếu xuất hiện triệu chứng bất thường như đau bụng, đầy hơi, nôn ói, tiêu chảy kéo dài hoặc khó chịu sau khi dùng, nên dừng sử dụng ngay và đi khám.
Thứ năm, tránh dùng cho trẻ em nếu không có chỉ định. Vì hệ tiêu hóa của trẻ còn nhạy cảm, cần có chỉ định từ bác sĩ khi sử dụng sản phẩm có chứa Sorbitol.
"Việc sử dụng Sorbitol một cách thông minh, đúng liều lượng và phù hợp với cơ địa sẽ giúp phát huy hiệu quả mà vẫn đảm bảo an toàn cho sức khỏe, bác sĩ Đinh Hoàng Trung nói.