Sự thật về ban nhạc gây sốt trên Spotify

The Velvet Sundown, một ban nhạc với hai album vừa ra mắt, đang thu hút hàng trăm nghìn người dùng Spotify. Thực tế, đây là sản phẩm hoàn toàn của trí tuệ nhân tạo.

Các sản phẩm âm nhạc được AI tạo ra đang ngày càng khó nhận biết: Ảnh: Cathryn Virginia.

Sáng tạo nghệ thuật từ lâu đã được xem là một đặc quyền của con người. Tuy nhiên, với sự phát triển vượt bậc của AI tạo sinh, máy móc đã có thể mô phỏng sự sáng tạo đó. Dù sản phẩm từ AI có thực sự được coi là "nghệ thuật" hay không vẫn còn là một chủ đề gây tranh cãi, Spotify dường như không đặt ra ranh giới này.

Ban nhạc mang tên “The Velvet Sundown” mới đây đã xuất hiện trên nền tảng nghe nhạc Spotify và nhanh chóng thu hút hơn 500.000 lượt nghe. Thế nhưng, các dấu hiệu ngày càng rõ ràng cho thấy The Velvet Sundown không phải là một nhóm nhạc có thật, mà là sản phẩm AI.

"Ban nhạc" AI

Trong chưa đầy một tháng, The Velvet Sundown đã phát hành 2 album trên nền tảng Spotify, album thứ ba dự kiến ra mắt trong hai tuần tới. Nhiều thính giả nhận định rằng, khi nghe ngẫu nhiên, các ca khúc của nhóm này có thể không lộ điểm bất thường. Tuy nhiên, nếu nghe liên tiếp, sự mờ nhạt và đơn điệu sẽ nhanh chóng cho thấy đây là sản phẩm của máy móc.

Chỉ trong tuần qua, những nghi vấn về sự tồn tại của The Velvet Sundown bắt đầu lan rộng khi nhiều bài đăng trên Reddit và X đồng loạt chỉ ra sự thiếu hụt thông tin về ban nhạc. Phần tiểu sử của nhóm liệt kê 4 thành viên, song không ai trong số họ có bất kỳ dấu vết nào ngoài tài khoản mạng xã hội.

Điều đáng chú ý là các ca khúc của nhóm đã được thêm vào một cách bí ẩn trong các danh sách phát của người dùng, góp phần khiến lượng người nghe tăng vọt chỉ trong vài tuần. Khi người dùng Spotify bắt đầu hoài nghi về việc The Velvet Sundown sử dụng AI, ban nhạc này đã sở hữu khoảng 300.000 người nghe. Đến nay, chỉ chưa đầy một tuần, con số đó đã vượt mốc 500.000.

Nhac AI gay sot anh 1

Bức ảnh tố cáo The Velvet Sundown. Ảnh: The Velvet Sundown/Instagram.

Khi The Velvet Sundown lập tài khoản Instagram vào ngày 27/6, mọi nghi ngờ đã tan biến: band nhạc này rõ ràng là AI. Các bức ảnh đăng tải lộ nhiều điểm bất thường, như việc khoe ăn mừng bằng burger nhưng số lượng burger quá nhiều so với đĩa, hay đồ ăn thức uống đặt lộn xộn. Đặc biệt, các thành viên có làn da mượt mà, khuôn mặt đối xứng một cách phi thực tế - đặc trưng của hình ảnh do AI tạo ra.

The Velvet Sundown không phải là trường hợp AI duy nhất "len lỏi" vào các dịch vụ phát nhạc trực tuyến. Trong chương trình Last Week Tonight gần đây, dẫn chương trình John Oliver đã tiết lộ ban nhạc AI The Devil Inside cũng đã phát hành 10 album chỉ trong 2 năm.

Trùng hợp là cả The Velvet Sundown và The Devil Inside đều có nhiều ca khúc nhắc đến "bụi" và "gió". Điều này có thể là do sự lặp lại trong các mô hình tạo nhạc, hoặc đơn giản là cả hai đều xuất phát từ cùng một "nhà máy" sản xuất nhạc AI.

Cần phân loại nhạc AI

Spotify hiện chấp nhận âm nhạc được tạo bởi AI mà không yêu cầu tiết lộ nguồn gốc. The Velvet Sundown cũng xuất hiện trên các nền tảng phát trực tuyến khác, trong đó có Deezer - nơi có chính sách chặt chẽ hơn về AI.

Theo NME, phần tiểu sử của The Velvet Sundown trên Deezer có kèm một tuyên bố miễn trừ trách nhiệm, ghi rõ: "Một số bản nhạc trong album này có thể đã được tạo bằng AI". NME cũng chỉ ra rằng, trước đây, tiểu sử của ban nhạc trên Spotify từng trích dẫn một mô tả ca ngợi âm nhạc của họ từ Billboard. Hiện tại, lời ca ngợi vẫn còn, nhưng tên Billboard đã bị gỡ bỏ.

Tài khoản Instagram của The Velvet Sundown đang tràn ngập những bình luận tố cáo việc sử dụng AI. Điều đáng sợ là một ngày nào đó, việc phân biệt nội dung do AI tạo ra sẽ không còn dễ dàng như vậy.

Nhac AI gay sot anh 2

Một band nhạc AI khác có tên The Devil Inside cũng đang nhận về hàng triệu lượt nghe trên Spotify. Ảnh: The Devil Inside.

Việc nghe nhạc do AI sản xuất không có gì sai, bởi có vô số kênh YouTube cung cấp nhạc AI gần như vô hạn. Đây là công nghệ thú vị với chất lượng sản phẩm đã cải thiện đáng kể từ khi các mô hình như Google MusicLM và OpenAI Jukebox ra mắt.

Tuy nhiên, điều cốt yếu là người dùng cần phân biệt rõ đâu là sản phẩm của AI và đâu là sản phẩm do con người tạo ra.

Nghệ thuật do con người tạo ra là sự phản ánh thế giới và cảm xúc cá nhân. Ngược lại, sản phẩm từ máy móc, dù có giai điệu bắt tai, chỉ là sự pha trộn ngẫu nhiên từ tác phẩm có sẵn, thiếu đi ý nghĩa sâu sắc.

Google cùng nhiều công ty khác đang nỗ lực phát triển một dấu nhận diện có thể xác minh cho hình ảnh do AI tạo ra. Một cơ chế tương tự cũng cần được áp dụng cho âm thanh, đặc biệt nếu các dịch vụ phát nhạc lớn vẫn tiếp tục cho phép nhạc AI mà không yêu cầu công bố rõ ràng.

Dùng ChatGPT thế nào để không tạo ra nội dung vô tri

Sự phát triển của AI mở ra nhiều tiềm năng nhưng cũng có không ít mối lo đối với ngành xuất bản, đặc biệt là nhóm tác giả viết sách.

Các tác giả sách cần phải chấp nhận sự vươn lên của AI, sử dụng chúng như một "siêu trợ lý" thay vì chối bỏ trào lưu. Chia sẻ với Tri thức - Znews, nhiều cây viết cho rằng người làm sách vẫn có thể đứng vững trong thời đại AI nếu biết cách tận dụng sức mạnh của trí tuệ nhân tạo.